QĐND - Văn học và các loại hình nghệ thuật, với chức năng cao cả của mình, là môi trường bảo tồn tâm hồn dân tộc, phát huy giá trị tinh thần đậm đà bản sắc văn hóa trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nhiều trào lưu và tác động của mạng xã hội, không ít tác giả, đa số là người trẻ, đã “nặn” ra đủ kiểu “bạo hành” tiếng Việt; làm cho vốn ngôn ngữ mẹ đẻ bị pha tạp, lai căng, thậm chí trong nhiều sáng tác trẻ, ngôn ngữ bị sử dụng phản cảm, phản giáo dục, nhảm nhí, tục tĩu, vô duyên… Trước thực trạng sự trong sáng của tiếng Việt trong văn học, nghệ thuật đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giới sáng tác trẻ đã có những thông điệp kêu gọi người trẻ phải biết thương tiếng Việt để vun đắp tình yêu cho tâm hồn dân tộc…

Sự dễ dãi làm méo mó tiếng Việt

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, GS, TS Trần Ngọc Thêm, một trong những chuyên gia văn hóa hàng đầu của đất nước hiện nay đã bày tỏ rằng, sự pha tạp, lai căng thái quá trong sử dụng ngôn ngữ là điều rất đáng lo ngại. GS, TS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh: Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt chính là cách để bảo tồn tâm hồn dân tộc.

Người sáng tác văn học, nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm công cụ. Muốn có tác phẩm chất lượng, bên cạnh yếu tố cảm xúc phải có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tinh tế, sáng tạo. Ngôn ngữ trong tác phẩm phải là những tinh túy, chắt lọc, thăng hoa từ đời sống để phản chiếu đời sống, làm cho đời sống xã hội hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ. Đáng buồn là hiện nay, không ít người nhân danh đổi mới, cách tân để đưa vào tác phẩm những thứ tạp nham, nhảm nhí, làm nghèo hóa tiếng Việt. Phạm vi của một bài báo rất khó để nói hết những biểu hiện “bạo hành” tiếng Việt trong văn học, nghệ thuật, chỉ xin điểm lại một số ví dụ trong thị trường giải trí thời gian gần đây, biểu hiện rõ nhất là trong điện ảnh, âm nhạc, sân khấu kịch…

Giọng ca trẻ Khánh Linh thể hiện ca khúc “Thương ca tiếng Việt” trên sóng truyền hình VTV3. Ảnh: VTV

Hằng năm, cứ vào dịp Tết là thị trường giải trí lại vào mùa với hàng loạt chương trình ca nhạc, dự án điện ảnh, sân khấu kịch. Năm nay, điệp khúc “hài nhảm” lại tiếp diễn. Hiện nhiều rạp đang trình chiếu bộ phim truyện nhựa “Già gân, mỹ nhân và găng tơ”. Không bàn đến nội dung và diễn xuất, chỉ riêng lời thoại của các nhân vật trong phim đã tràn lan sự nhảm nhí, tục tĩu. Trong phim, các diễn viên khá nổi tiếng hiện nay ra rả thoại với nhau bằng những ngôn ngữ vỉa hè, chợ búa, nhiều chỗ còn đưa cả ngôn ngữ trần trụi chỉ bộ phận sinh dục trên cơ thể người vào lời thoại, rất tục tĩu, mất vệ sinh. Tình trạng sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, nhảm nhí, lai căng, pha trộn tây-ta vô tội vạ diễn ra tràn lan trong các tác phẩm hài, cả điện ảnh và sân khấu, đến mức trở thành những “thảm họa” nghệ thuật. Ngay cả trong tựa đề, không ít bộ phim, vở kịch khiến người ta phát hoảng, kiểu như: “Iêu anh em zám hôk” (Yêu anh em dám không); “Nàng men chàng bóng”...

Âm nhạc được ví như nàng công chúa của nghệ thuật, cũng tràn lan sự nhảm nhí, tục tĩu, vô nghĩa trong ca từ; khiến trong nhiều trường hợp, “công chúa” mất đi vẻ đẹp thánh thiện, thay vào đó là một dung mạo, phong cách vô duyên. Công chúng chưa hết “choáng” với những sản phẩm âm nhạc “thảm họa” kiểu như “Làn da nâu” của Phi Thanh Vân, thì gần đây lại phải nghe ra rả những câu nói nghèo nàn về ngữ nghĩa được phổ nhạc lặp đi lặp lại, dạng như: “Không phải dạng vừa đâu…”. Khi trên mạng xã hội xuất hiện một kiểu phát ngôn, hình ảnh nào đó gây sốc thì ngay lập tức, một số tác giả trẻ chớp ngay cơ hội này làm đề tài sáng tác để gây chú ý, tạo giá trị ảo, và thường là họ bê nguyên xi ngôn ngữ tạp nham này vào tác phẩm. Đơn cử như mới đây, khi video clip về chuyện một anh chàng sau khi chia tay người yêu đã đến nhà đòi lại quà tặng xuất hiện lan truyền trên mạng facebook, thì đời sống âm nhạc có ngay ca khúc “Anh không đòi quà” với những ca từ rất nhảm nhí, phi thẩm mỹ: “Anh này, đẹp trai này, đại gia này, nhà giàu tiền tiêu thả ga, xây riêng hồ bơi để nuôi cá. Anh thì nghèo khó, tiền chẳng có, nhà nghèo vì mẹ đâu có cho, xây riêng công viên để nuôi chó… Thằng kia ra đường là đại gia, về nhà sung sướng làm đại ca quen em... Tài chém gió anh có nhưng mà anh không thuộc dạng bị điên…”. Đi kèm theo kiểu “bạo hành” tiếng Việt trong ca khúc kiểu này là trào lưu trút bỏ trang phục khoe cơ thể, quay video để gây chú ý trong một bộ phận giới trẻ, khiến cơ quan chức năng ở nhiều địa phương phải can thiệp bằng biện pháp hành chính vì vi phạm quy định về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Lẽ ra với chức năng của mình, người sáng tác văn học-nghệ thuật phải thổi tinh hoa văn hóa vào đời sống để hướng con người đến những giá trị chân-thiện-mỹ, thì ngược lại, không ít tác giả trẻ lại học cách ăn xổi ở thì, biến nghệ thuật thành trò lố, nhảm nhí, tục tĩu hóa tiếng Việt…

Người trẻ và thông điệp “Thương ca tiếng Việt”

Rất đáng trân trọng khi trong môi trường giải trí lắm ồn ào, rối rắm, vẫn có nhiều nghệ sĩ trẻ, bằng tài năng đích thực và tâm huyết với nghề nghiệp, đã cho ra đời những tác phẩm giá trị. Tại Liên hoan phim Việt Nam vừa qua, giới làm nghệ thuật thứ bảy đã phần nào yên tâm về xu hướng sáng tạo của lớp đạo diễn trẻ tài năng, tâm huyết với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn sâu sắc trong sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Những phim “hài, nhảm” không những không có cơ hội cạnh tranh, mà còn bị tẩy chay ngay trong quá trình đề cử. Sự kiên quyết cần có đối với kiểu làm phim dễ dãi, nhảm nhí ngay trong đội ngũ những người trẻ với nhau là tín hiệu vui để góp phần chấn hưng điện ảnh, góp phần bảo tồn, phát huy sự trong sáng của tiếng Việt trong môi trường nghệ thuật rất hấp dẫn và không kém phần nhạy cảm này.

Sự xuất hiện của nhiều vở kịch lịch sử do các nghệ sĩ trẻ làm đạo diễn và thủ vai chính tạo tiếng vang trên sân khấu xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây, điển hình là sân khấu kịch của NSND Hồng Vân, đã giúp nhiều nghệ sĩ trẻ tâm huyết với nghề có được môi trường làm nghệ thuật đích thực. NSND Hồng Vân tâm sự rằng, khai thác đề tài lịch sử, văn hóa dân tộc, hướng đến môi trường nghệ thuật sân khấu lành mạnh, giàu bản sắc là mục tiêu làm nghề của chị.

Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, một trong những bộ phim được đánh giá cao về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong lời thoại. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp

Một trong những dấu ấn đáng chú ý nhất trong đời sống âm nhạc giai đoạn này chính là sức hấp dẫn, lan truyền mạnh mẽ của ca khúc “Thương ca tiếng Việt” của nhạc sĩ trẻ Đức Trí, lời thơ Hà Quang Minh. Ca khúc của Đức Trí và Hà Quang Minh xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình “Duyên dáng Việt Nam” năm 2014, với phần biểu diễn của ca sĩ Mỹ Tâm và nhanh chóng được công chúng yêu thích. Đến nay, “Thương ca tiếng Việt” đã trở thành một trong những ca khúc được xem nhiều nhất trên mạng YouTube, do nhiều giọng ca trẻ thể hiện bằng những phong cách khác nhau. Tính đến ngày 16-1, khi truy cập từ khóa “Thương ca tiếng Việt” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong 0,19 giây đã có đến 828.000 kết quả. Không chỉ là một ca khúc đẹp cả ca từ và giai điệu, thể hiện sâu lắng tình yêu đất nước, quê hương, mang giá trị nhân văn sâu sắc; “Thương ca tiếng Việt” còn là tiếng lòng đau đáu, là thông điệp của người trẻ đối với người trẻ về tinh thần, trách nhiệm, bổn phận của nghệ sĩ đối với sứ mệnh giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn tâm hồn dân tộc. “Tiếng Việt còn trong mọi người. Người Việt còn thì còn nước non… Giữ tiếng Việt như ngày nào, hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau. Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắt son…”. Đã có nhiều bài viết kêu gọi người trẻ bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, song đây là lần đầu tiên vấn đề này được đưa vào ca khúc. Việc này tạo nên hiệu quả kép trong tuyên truyền, giáo dục bằng ngôn ngữ âm nhạc. Tiết tấu nhẹ nhàng mang âm hưởng dân ca, những ca từ đẹp của Hà Quang Minh được Đức Trí chắp cho đôi cánh mềm mại, uyển chuyển của giai điệu, đi vào lòng công chúng một cách nhẹ nhàng, tinh tế, sâu đằm. Nghe ca khúc này, thông điệp về tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, tâm hồn dân tộc thấm vào lòng công chúng như lời tâm tình của bạn bè thân thiết, như lời ru bên nôi dìu dịu của thời ấu thơ...

Tiếng Việt đã và đang bị không ít người, nhất là người trẻ “bạo hành” bằng những hình thức, thậm chí là cả những chiêu trò rẻ tiền, cho nên việc kêu gọi người trẻ phải biết thương tiếng Việt là việc cần làm và phải làm. Người trẻ phải biết thương tiếng Việt thì mới có tâm huyết để yêu tiếng Việt, bảo tồn, phát huy cái hay, cái đẹp muôn đời của tiếng Việt. Suy cho cùng, những kiểu làm méo mó, “đả thương” tiếng Việt đều xuất phát từ những người thiếu tài năng, kém bản lĩnh, muốn nổi tiếng bằng xì-căng-đan. Với những người có tài năng thực sự, họ luôn biết cách tìm ra con đường để khai thác vốn văn hóa dân tộc, tiếp nhận tinh hoa của nền văn minh hiện đại để tạo nên tác phẩm có giá trị. Đức Trí và Hà Quang Minh đều là những nghệ sĩ tài năng. Bên trong vẻ bề ngoài có phần “bụi bặm” của cả hai người trẻ này là tâm hồn sâu lắng, phong cách sáng tác đậm đà bản sắc dân tộc.

Sự xuất hiện của lớp nghệ sĩ trẻ tài năng và những tác phẩm có giá trị như “Thương ca tiếng Việt” là tín hiệu vui cho môi trường nghệ thuật nước nhà trong thời hội nhập. Chúng ta hy vọng và chờ đợi sự tỏa sáng của họ để kế tục xứng đáng di sản văn hóa tinh thần của cha ông. Giá trị nghệ thuật đích thực luôn nằm ở những tác phẩm hướng đến thực hiện sứ mệnh bảo tồn tâm hồn dân tộc, bởi văn hóa là những gì còn lại sau khi những thứ khác đã mất đi.

PHAN TÙNG SƠN