QĐND - GS, TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học đã có những chia sẻ lạc quan, thú vị về thực tế sử dụng và phát triển tiếng Việt trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.

Phóng viên (PV): Cách nhìn nhận của Giáo sư trước sự biến chuyển của ngôn ngữ tiếng Việt trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là những ngôn từ mới và ngôn ngữ mạng của giới trẻ?

GS, TS Nguyễn Văn Hiệp: Đây là câu hỏi mà những người làm về ngôn ngữ thường xuyên được hỏi nhất. Chúng ta nên hiểu rằng, ngôn ngữ phải luôn luôn thay đổi vì ngôn ngữ là công cụ giao tiếp và diễn đạt tư duy. Ngôn ngữ hiện nay so với trước năm 1945 khác, so với thập niên 1960 cũng khác và so với thế kỷ trước càng rất khác. Sự thay đổi, phát triển của ngôn ngữ là một tất yếu. Tuy vậy, hiện nay, chúng ta nhận thấy sự thay đổi có phần tiêu cực, đặc biệt là tình trạng sử dụng ngôn ngữ của lớp trẻ.

Năm ngoái, tôi có làm chủ nhiệm một đề tài cấp bộ, đã nghiệm thu, về “Một số vấn đề mới trong vấn đề bảo vệ sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt”. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã có những nghiên cứu rất cụ thể về ngôn ngữ “thời @” bây giờ và đã chỉ ra những đặc điểm nổi trội của nó. Thứ nhất, về diễn đạt, những ngôn ngữ đó nói chung là vui nhưng nhiều khi bí hiểm, cực kỳ khó hiểu đối với người đọc. Thứ hai là việc sử dụng nhiều cách nói ngược với thời trước, ví dụ như “hơi bị đẹp”. Thứ ba là dùng tiếng Việt có chêm một số từ ngữ, cách diễn đạt của tiếng nước ngoài.

GS, TS Nguyễn Văn Hiệp. Ảnh: HUY HÀ

Nhìn chung, dư luận lên án rất gay gắt bởi tâm lý lo sợ ngôn ngữ đang bị tha hóa. Tôi chia sẻ sự quan ngại này, nhưng tôi lại nhìn dưới một góc độ khác, lạc quan hơn. Tại sao lại như vậy?

Bởi không chỉ tiếng Việt mà bất kỳ thứ tiếng nào cũng gặp phải những vấn đề này. Đây là một nhu cầu mang tính tâm lý, khi mà lớp trẻ thấy rằng cái cũ không đủ sức diễn đạt điều họ cảm nhận, điều họ muốn thể hiện thì họ sẽ “sáng chế” ra những ngôn từ mới, những cách diễn đạt mới. Họ cũng thích dùng những lối nói khác thường (kiểu “sát thủ đầu mưng mủ”) đặc trưng cho tuổi trẻ. Và tất nhiên, những người lớn tuổi hay những nhà sư phạm sẽ không hiểu và đâm ra hốt hoảng.

Điều đó có ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt hay không? Tôi thấy ở một mức độ nào đó là có. Ví dụ như giới trẻ sẽ cẩu thả hơn khi viết, không phân biệt được văn nói và văn viết. Ai cũng biết rằng, lời nói hằng ngày thuộc phong cách khẩu ngữ, luôn có nhu cầu được biểu cảm mạnh mẽ, ví dụ như “đẹp ghê gớm”, “đẹp dã man”. Nhưng khi đưa những ngôn ngữ này vào văn viết thì lại không phù hợp.

Nói chung, sự bổ sung những cách diễn đạt mới, sự sáng tạo là cần thiết nhưng không được ồ ạt, chúng ta chỉ nên chấp nhận sự phát triển ở trong một mức độ cho phép. Đồng thời, cũng không nên quá khắt khe. Vừa rồi, tôi đọc một bài báo phê bình về những cách dùng từ ngữ như “áp thấp đã mấp mé biên giới” hay “nhiệt độ quanh quẩn” ở bao nhiêu độ, là không đúng. Thực ra, tôi thấy những cách dùng là mang tính sáng tạo, có thể chấp nhận được. Từ “mấp mé” nói về nước, có gì sai khi dùng những trải nghiệm của chúng ta về nước để nói đến những thứ không phải là nước. Khi ta nói: “Sao ông ta cứ sôi sùng sục với mọi người?”, là ta đã so sánh sự tức giận như là một chất lỏng ở trong một cái bình chứa là chính thân thể của chúng ta. Còn khi nói nhiệt độ “quanh quẩn” thì nhiệt độ đã được nhân hóa rất sinh động. Đó là sự sáng tạo mà tôi nghĩ là chấp nhận được. Bởi nếu chúng ta cứ khăng khăng không chấp nhận những cách nói như vậy thì ngôn ngữ sẽ không phát triển.

PV: Vậy là chúng ta không nên lo lắng về tình trạng sử dụng ngôn ngữ hiện nay của giới trẻ, thưa Giáo sư?

GS, TS Nguyễn Văn Hiệp: Tôi không khuyến khích toàn bộ nhưng tôi có sự thấu hiểu tâm lý. Giới trẻ tiêu biểu cho sự tươi vui và mới mẻ. Ngôn ngữ của giới trẻ cũng vậy, phản ánh rõ đặc trưng của tầng lớp. Giới trẻ luôn muốn có một quy tắc đánh dấu nhóm của mình thông qua ngôn ngữ, tức là tuổi “teen” phải có ngôn ngữ để đánh dấu là họ thuộc tầng lớp này chứ không phải thuộc hoặc bị trộn lẫn vào các tầng lớp khác trong giao tiếp. Đó là tâm lý của những người trẻ, không chỉ ở Việt Nam mà còn thấy hầu như ở tất cả các nước khác.

Tuy nhiên, nếu chúng ta không có những báo động mà để vấn đề này phát triển tự do thì chắc chắn trong tương lai gần sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Chúng ta phải vừa thông cảm với giới trẻ, vừa có những uốn nắn, cảnh báo từ phía những người có trách nhiệm, trước hết đó là những người làm công tác truyền thông hay giảng dạy trong nhà trường. Thông qua giáo dục, chúng ta hướng dẫn giới trẻ tìm đến những tác phẩm văn học hay, cho chúng tiếp cận với những khía cạnh trong sáng, thú vị của tiếng Việt, chẳng hạn thông qua việc học tập những tác phẩm văn học có giá trị, thông qua những sản phẩm truyền thống tốt, chất lượng chúng ta sẽ giúp giới trẻ có ý thức về việc sử dụng tiếng Việt thế nào cho tốt nhất, phù hợp nhất.

Tiếng Việt là một tài sản quý báu, là gia sản của dân tộc. Vì thế, chúng ta vừa phải ý thức về việc phải bảo tồn, phát huy nhưng không phải là đóng cửa, khước từ mọi phát triển. Chúng ta phải bảo tồn tiếng Việt theo một quan điểm động trong sự hội nhập, khuyến khích những sáng tạo chấp nhận được!

PV: Theo Giáo sư, trong giai đoạn hội nhập toàn cầu sâu và rộng như hiện nay, ngôn ngữ Việt sẽ bị ảnh hưởng bởi các ngôn ngữ nước ngoài như thế nào?

GS, TS Nguyễn Văn Hiệp: Khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, giới trẻ luôn là tầng lớp thích nghi và phát triển tốt nhất. Tầng lớp này luôn trang bị trong mình một hành trang là ngoại ngữ để luôn sẵn sàng hội nhập với quốc tế. Dùng ngoại ngữ ở một mức độ nào đó thì ngoại ngữ đó không thể không ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách diễn đạt của người. Tuy nhiên, đây là tình trạng mà xã hội nào cũng gặp phải, không nên quá lo lắng. Kể cả sự vay mượn từ vựng cũng vậy, không nên xem đó là việc hoàn toàn không đúng.

Trên thực tế, ta không thể phủ nhận sự vay mượn vì nhiều khi từ vay mượn thể hiện rõ ý nghĩa của từ hơn, lột tả đúng sự việc, thậm chí nhanh gọn hơn rất nhiều.

Nếu không vay mượn thì làm sao từ vựng tiếng Việt có được lớp từ gốc Hán, gốc Pháp, gốc Nga, gốc Anh rất phong phú như ngày nay. Không chỉ vay mượn từ ngữ, chúng ta còn vay mượn một số cách diễn đạt mới, có thể xếp vào những hiện tượng vay mượn ngữ pháp. Trước đây, khi nói về ông Xuân Diệu, ai cũng hình dung ngay đó là một nhà thơ rất mới mẻ, rất “Tây”. Ông từng viết nên câu thơ tân kỳ: “Hơn một loài hoa đã rụng cành”. “Hơn một” trong ngôn ngữ tiếng Việt trước đây thường được hiểu là từ một đến dưới hai (hơn một cân là từ một cân mốt đến gần hai cân, hơn một lít là từ một lít mốt đến gần hai lít…) nhưng trong thơ của Xuân Diệu, “hơn một” nghĩa là hai, ba, bốn… chính là cách nói của tiếng Pháp. Và cách nói này hiện nay đã rất phổ biến, bình thường trong tiếng Việt. Vậy nếu tiếng Việt của ta quá khắt khe với những vay mượn sáng tạo của Xuân Diệu thì làm sao bây giờ chúng ta có thể có được cách diễn đạt rất thú vị này?

Tuy nhiên, mấu chốt là chúng ta vay mượn những gì cần thiết thực sự chứ không nên vay mượn ồ ạt, tràn lan để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nói tóm lại, chúng ta có trách nhiệm nhưng chúng ta cũng nên thông cảm với lớp trẻ về tâm lý và đừng quá bi quan về chuyện đó.

PV: Theo Giáo sư, chúng ta có cần những chế tài đủ mạnh để điều chỉnh hành vi sử dụng tiếng Việt?

GS, TS Nguyễn Văn Hiệp: Chúng ta chưa có Luật Ngôn ngữ nên chưa có chế tài cho những sản phẩm có chứa đựng ngôn ngữ như sách, quảng cáo...  Trong khi chờ đợi sự ra đời của Luật Ngôn ngữ để hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ trong tình huống giao tiếp khác nhau, thì chúng ta phải có ý thức về sự giữ gìn và phát triển của tiếng Việt. Nói thật, việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ một cách có trách nhiệm là việc chúng ta luôn phải làm mà không cần phải sử dụng đến một chế tài nào. Bởi chỉ có bảo vệ bằng ý thức và tự giác từ mỗi cá nhân mới là con đường bền vững. Một dân tộc có bản sắc đặc trưng là một dân tộc có văn hóa tập quán truyền đời và một ngôn ngữ giàu đẹp.

PV: Cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi!

HÀ MY - HUY ĐĂNG (thực hiện)