"Điệu hổ ly sơn"

"Điệu hổ ly sơn" là một thành ngữ Hán Việt gồm 4 yếu tố. Điệu: Đưa, tách; hổ: (Con) hổ; ly: Khỏi; sơn: Núi. Nghĩa đen của tổ hợp là “đưa hổ ra khỏi núi”. Hổ (còn gọi là cọp, hùm, kễnh, khái hay ông Ba mươi) là một loài thú lớn, cùng họ với mèo, lông màu vàng hoặc trắng có vằn đen. Hổ là con vật to lớn, dữ tợn, chuyên bắt các loài thú trong rừng (hay cả trung du, đồng bằng) để ăn thịt nên được coi là “chúa sơn lâm”.

Ngay cả con người khôn ngoan là thế, nhiều khi mất cảnh giác cũng trở thành đối tượng để hổ tấn công. Rừng núi là môi trường sống quen thuộc của hổ. Vì vậy, nếu tách hổ ra khỏi nơi này thì hổ không những không thể phát huy được sức mạnh mà còn dễ bị người hay động vật khác tiêu diệt. Dân gian đã dựa vào đặc điểm này để sáng tạo nên thành ngữ "Điệu hổ ly sơn", có nghĩa là “tách kẻ mạnh ra khỏi địa bàn hay hoàn cảnh có lợi để dễ bề chinh phục hoặc tiêu diệt”.

Lùi lại lịch sử xa xưa, cha ông ta đã biết sử dụng kế này để nhử địch và đánh địch. Tương truyền, tướng quân Lê Lợi, sau này là vua Lê Thái Tổ (1385-1433), khi chiến đấu chống giặc Minh ở vùng Lam Sơn (Thanh Hóa), đã dùng chính kế “điệu hổ ly sơn” để đánh lại bọn địch, cầm đầu là viên tướng Trần Trí. Trần Trí cậy binh hùng tướng mạnh, vây ép nghĩa quân Lam Sơn chạy dạt vào núi rồi tìm cách tiêu diệt.

Lê Lợi bèn tính kế nhử Trần Trí dẫn quân ra khỏi trại. Quân Lam Sơn theo lệnh, đốt hết doanh trại, giả vờ rút đi, thực ra là ngầm theo đường vòng đi ngược trở lại, đặt mai phục sẵn đón đánh quân Minh. Quân tướng nhà Minh chạy ngược ra sông, nhưng không kịp lên thuyền vì mọi ngả đường đều do quân Lam Sơn kiểm soát. Quân Minh chết rất nhiều.

"Điệu hổ ly sơn" là một thành ngữ thể hiện thái độ, cách ứng xử thông minh của ông cha ta. Đó là triết lý “biến thế yếu thành thế mạnh”, “biến không thành có” trong những hoàn cảnh cụ thể, đem lại lợi thế và chiến thắng cho mình.

"Hổ kia ra khỏi rừng già/ Sẽ là cơ hội cho ta bắt về".

leftcenterrightdel
                            Minh họa: MẠNH TIẾN 

"Thả hổ về rừng"

Câu thành ngữ rất quen thuộc trong tiếng Việt vì bản thân ngữ nghĩa của tổ hợp 4 tiếng (4 âm tiết) này đều rất tường minh. Hiện tại, có hai cách hiểu, hai cách dùng thành ngữ này.

Nghĩa thứ nhất, thành ngữ này dùng để chỉ hành động ai đó “tạo điều kiện cho những người đang sống ở những nơi xa lạ, gò bó trở về với nơi quen thuộc, tự do, ví như đưa hổ trở lại môi trường rừng núi để nó có thể tự do tung hoành, phát huy hết thế mạnh của nó”.

Nghĩa thứ hai, thành ngữ trên dùng để chỉ một việc làm liều lĩnh, dại dột khi ai đó tự nhiên “tạo điều kiện cho kẻ mạnh, thậm chí kẻ xấu có điều kiện để tiếp tục hành vi xấu, không hay, có hại cho xã hội”. Làm như vậy, vô hình trung người đó đã dung dưỡng cho hành vi bất lương của kẻ ác. Ví dụ: “Hắn đang bị quản chế mà thủ trưởng lại cho hắn ra vùng tự do, khác nào thả hổ về rừng đâu. Rồi hắn sẽ mang họa cho quân ta” (Báo Gia đình Việt Nam, tháng 7-2004)...

Hiện nay, cách dùng thành ngữ “Thả hổ về rừng” theo nghĩa thứ hai là phổ biến, tức là nghiêng về nghĩa tiêu cực, không hay. Đây là bài học, nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn đề phòng với những kẻ xấu, không thể mất cảnh giác mà chính từ một hành động dễ dãi sẽ đem lại những hậu quả không hay.

"Tự nhiên thả hồ về rừng/ Thế là tai họa xem chừng thêm lo".

MINH HIỀN