Tìm trong lịch sử quân sự nước ta thì những từ đó đều là từ gốc Hán. Từ “úy” là tên gọi có từ thời cổ đại Trung Quốc, vốn ban đầu dành để chỉ các viên quan coi ngục và giữ gìn an ninh cho nhân dân như đình úy, huyện úy. Dần dần, khi tổ chức quân sự lớn xuất hiện thì từ “úy” được dùng để chỉ những võ quan cao cấp, như: Thái úy, hiệu úy, thiếu úy... Trong đó chức thái úy là chức vụ võ quan cao nhất trong triều đình phong kiến, có trách nhiệm giúp vua trông coi việc quân sự của quốc gia. Thiếu úy là người chỉ huy quân cấm vệ. Hiệu úy là chỉ huy đứng đầu hiệu-một đơn vị cơ bản trong quân đội. Có lẽ vì thế, từ “úy” được giữ lại trong hệ thống quân đội hiện đại, là cấp thấp nhất trong hệ thống cấp bậc sĩ quan quân đội.
Từ “tướng” trong tiếng Hán có hai từ với nghĩa khác nhau. Từ “tướng” thứ nhất được ghép bởi chữ “mộc” (cây) và chữ “mục” (mắt). Nghĩa gốc của từ này là “nhìn kỹ”, “quan sát”. Từ này cũng là từ dùng để chỉ các chức quan cao cấp trong triều đình nhưng không phải võ quan, mà nặng về tham mưu, cố vấn, như: Tể tướng, thừa tướng, tướng quốc. Từ “thủ tướng” trong các chính phủ hiện đại ngày nay cũng được viết bởi từ này. Từ “tướng” thứ hai trong tiếng Hán vốn là từ chỉ một đơn vị quân sự cỡ lớn trong biên chế lực lượng vũ trang của quốc gia thời kỳ trung đại (bao gồm nhiều “quân” hợp lại). Chính vì thế mà người đứng đầu "tướng" thường được gọi là tướng quân. Như Lê Hoàn, người đứng đầu 10 đạo quân nhà Đinh, được gọi là Thập đạo tướng quân. Trong lịch sử quân sự nước ta, cách gọi này được kéo dài từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 18, đến triều đình Tây Sơn mới bãi bỏ chức tướng quân mà thay vào đó là chức đô đốc. Tuy nhiên, trong đời sống quân sự thời trung đại, từ “tướng” cũng đồng nghĩa với từ “người chỉ huy”. Cho nên, bên cạnh chức tướng quân là người chỉ huy đơn vị cấp tướng thì những chức vụ nhỏ hơn cũng được gọi là “tướng”, như: Tùy tướng, nha tướng, bộ tướng... Quan niệm này thể hiện cả trong "Binh thư yếu lược" của Trần Quốc Tuấn khi ông viết: “Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến sự quân chúng oán ghét, tướng ấy chỉ huy mười người...”.
Sự ra đời của biên chế tướng là một sự phát triển lớn về mặt quy mô, lực lượng nên tướng quân cần có giúp việc của nhiều người khác thì mới chỉ huy được đơn vị. Chức vụ hiệu quan vì thế mà ra đời. Chức vụ này lớn hơn người chỉ huy các đơn vị cấp hiệu, nhưng nhỏ hơn chức tướng quân, phò tá cho tướng quân. Có lẽ vì thế mà từ “tá” dần dần thay từ “hiệu quan” trong hệ thống chức vụ võ quan. Và ngày nay, trong quân đội hiện đại, cấp tá là cấp bậc cao hơn cấp úy nhưng thấp hơn cấp tướng. Trong Quân đội ta, cũng như cấp úy và cấp tướng, cấp tá được chia thành 4 bậc: Thiếu tá, trung tá, thượng tá và đại tá. Trong đó, thượng tá và đại tá là sĩ quan cao cấp.
DƯƠNG GIA