Trong lịch sử quân sự, trang phục của người lính từ thời cổ đại gọi là giáp trụ. Trong đó, giáp là phần bảo vệ thân người và chân tay, trụ là phần che đỡ và bảo vệ cái đầu. Trong quân đội Trung Hoa cổ đại, trụ có khi chỉ là một miếng gỗ dày hoặc miếng khiên đan bằng sợi mây. Trong quân đội Hy Lạp cổ đại, cả giáp và trụ đều được làm bằng sắt. Nước ta trong thời đại Hùng Vương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những tấm đồng che ngực của người chiến binh, nhưng chưa tìm thấy vết tích cái mũ (trụ).

Càng về sau, cả trong quân đội phương Đông lẫn phương Tây, giáp trụ của người lính càng được hoàn thiện, đặc biệt là phần trụ. Đơn giản bởi trong thời kỳ tác chiến bằng bạch khí (gươm, giáo, cung tên...) thì việc “giữ lấy cái đầu” bao giờ cũng quan trọng nhất. Khi hai bên giáp trận, hai vị trí trên cơ thể con người thường bị đối phương tấn công nhiều nhất là đầu và ngực, vì đó là vị trí có thể kết liễu đối phương nhanh nhất. Đến thời kỳ vũ khí quân sự phát triển lên hỏa khí (dùng súng đạn) thì cái đầu vẫn là “cơ quan đầu não”, việc bảo vệ nó vẫn là ưu tiên hàng đầu; cho nên việc sản xuất mũ đội đầu cho quân nhân trở thành một việc rất quan trọng trong bảo đảm cho người lính chiến đấu. Đối với mỗi người lính, việc thường xuyên đội mũ thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Dần dần, việc thường xuyên đội mũ trong bất kỳ tình huống nào trở thành nét văn hóa quân sự, thể hiện tư thế và tinh thần phụng sự Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Chính vì lẽ đó, những người lính không bao giờ ngả mũ, kể cả khi cần thể hiện sự kính cẩn cao độ thì họ vẫn đội mũ và ngẩng cao đầu, thay cho hành động ngả mũ là hành động giơ tay chào.

Đến thời hiện đại, công tác bảo đảm quân trang của quân đội các nước cho người lính ngày càng chính quy. Mỗi người lính không chỉ có mũ bảo đảm trong chiến đấu mà còn có mũ trong sinh hoạt hằng ngày, mũ cho các buổi tiểu lễ, đại lễ. Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi vẫn là phẩm chất thiêng liêng, cao đẹp nhất của người lính. Việc thường xuyên đội mũ ngày nay đã trở thành một biểu tượng văn hóa quân sự.

NGUYỄN HỒNG