Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi cũng có câu: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Thế “trúc chẻ” mà Nguyễn Trãi đề cập, cũng chính là thế “chẻ tre”, bởi trúc cũng là một loại tre.
“Thế như chẻ tre” là thành ngữ của người Việt Nam, nhưng điển tích của thành ngữ này lại có từ thời Tây Tấn bên Trung Quốc. Tây Tấn là triều đại do dòng họ Tư Mã dựng nên (hậu duệ của Tư Mã Ý). Triều đại này đánh bại cả 3 nước: Ngụy, Thục, Ngô của thời Tam Quốc phân tranh (nổi tiếng bởi tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung), thống nhất Trung Quốc, lập ra nước Tây Tấn.
Triều Tây Tấn có viên tướng giỏi tên là Đỗ Dự. Khi được giao chỉ huy một cánh quân bình định Đông Ngô, Đỗ Dự đánh đâu thắng đấy, khiến quan quân Đông Ngô bạt vía kinh hồn. Tuy nhiên, hành quân chiếm đất xây thành cũng không tránh khỏi có lúc đại quân mỏi mệt. Có người lấy cớ nước sông dâng cao, dịch bệnh hoành hành, đề nghị Đỗ Dự tạm thời dừng việc tiến quân. Đỗ Dự bèn cho người đem trước ba quân nhiều cây tre rất to, sai người chẻ dọc đầu cây qua 3-4 đốt. Sau đó, ông dùng chân giậm một nửa cây xuống đất, tay cầm nửa còn lại xé cây tre làm đôi. Tre xé đến đâu, ông đưa lưỡi đao theo đó. Lưỡi đao loang loáng lướt theo thân tre bị xé làm đôi, dễ dàng như lướt trong không trung.
Xé cây tre xong, ông bảo quân sĩ: “Thế của quân ta như thế chẻ cây tre vừa rồi vậy. Thế ta đang lên, đánh đâu được đấy. Thế giặc đã mất, hễ thấy quân ta, giặc đã tan hồn bạt vía. Vì vậy, việc tiến quân không thể dừng được”.
MINH HÀ