Chiến thuật là bộ phận hợp thành của nghệ thuật quân sự, có mối quan hệ biện chứng và chịu sự chỉ đạo của nghệ thuật chiến dịch và chiến lược quân sự. Vậy chiến thuật là gì?
"Chiến thuật" là một từ ghép, trong đó chữ “chiến” và chữ “thuật” đều có nguồn gốc từ chữ Hán. “Chiến” là tranh nhau bằng cách tiêu diệt lực lượng của đối phương. "Thuật" là phương pháp, cách thức, mẹo mực, việc làm đã tính kỹ và có đặt thế tỉ mỉ để thực hiện. Theo nghĩa ban đầu, chiến thuật là bày binh bố trận và tiến hành giao chiến.
Cùng với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, chiến thuật ngày càng được phát triển và hoàn thiện cả về lý luận, thực tiễn. Trong đó, lý luận chiến thuật nghiên cứu tính chất, quy luật và nội dung trận chiến đấu; đề ra nguyên tắc, phương pháp chuẩn bị, thực hành chiến đấu. Thực tiễn chiến thuật bao gồm mọi hoạt động của người chỉ huy, cơ quan, bộ đội về chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu.
Thời kỳ cổ đại, chiến thuật đã được hình thành từ hình thức đơn giản như dàn trận, phương pháp cơ động; các khối quân đã tổ chức những đơn vị tiền vệ, đội bảo vệ sườn và phía sau. Một số quân đội đã chú ý đến tiếp cận bí mật, công kích bất ngờ, lập thế, nghi binh lừa địch, vận dụng cách đánh độc lập của lính cung nỏ cũng như phối hợp giữa lính cung nỏ, bộ binh gươm giáo với kỵ binh; kết hợp phòng ngự với tiến công.
Đến Chiến tranh thế giới thứ nhất, phương pháp tổ chức và tiến hành trận chiến đấu ngày càng được hoàn thiện. Dựa vào cơ cấu tổ chức quân đội của mỗi nước, chiến thuật được phân thành: Chiến thuật binh chủng hợp thành, chiến thuật quân chủng, chiến thuật binh chủng và chiến thuật bộ đội chuyên môn.
Ở nước ta, từ thời kỳ đầu dựng nước, cùng với sự xuất hiện của quân bộ và quân thủy là sự ra đời chiến thuật bộ binh và chiến thuật thủy binh. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội ta nghiên cứu và hoàn thiện các cách đánh: Phục kích, tập kích, đánh vận động, vây lấn, tiến công trận địa, đánh địch trong công sự vững chắc kiểu cứ điểm, cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, đánh giao thông, đánh kho tàng, hậu cứ... Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến thuật có bước phát triển mới, hoàn thiện chiến thuật binh chủng hợp thành, ra đời chiến thuật không quân, chiến thuật phòng không, chiến thuật hải quân...
VĂN TUẤN