Theo Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), “luồn sâu” là thủ đoạn tác chiến lợi dụng sơ hở, khoảng cách trong phòng ngự của đối phương và những điều kiện khác (đêm tối, sương mù, địa hình...) bí mật bất ngờ cơ động một bộ phận lực lượng vào sâu trong thế trận của địch để đánh chiếm hoặc tiêu diệt một số mục tiêu hiểm yếu; ngăn chặn quân địch rút chạy hoặc tăng viện, làm rối loạn đội hình chiến đấu (bố trí chiến dịch) của địch, tạo điều kiện và phối hợp với lực lượng chủ yếu tiêu diệt quân địch hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Luồn sâu" thường thực hiện trước, cũng có khi đồng thời với bắt đầu tiến công. Lực lượng luồn sâu phải được tổ chức tinh gọn, đủ khả năng chiến đấu độc lập.

"Đánh hiểm" là đánh bất ngờ vào chỗ hiểm yếu hoặc chỗ sơ hở của mục tiêu; đánh trúng các mục tiêu quan trọng, làm tê liệt chỉ huy, rối loạn hiệp đồng, phá vỡ đội hình và phá hủy phương tiện chiến tranh quan trọng của địch...

Chuẩn bị lực lượng là yêu cầu cơ bản nhất để tiến hành luồn sâu, đánh hiểm vào các căn cứ của đối phương. Đối với các mục tiêu quan trọng như sân bay, kho tàng, bến cảng... địch tổ chức phòng thủ, bảo vệ chặt chẽ, ở sâu trong lòng hậu phương địch. Vì vậy, để tổ chức trận đánh, các đơn vị phải lựa chọn kỹ con người, huấn luyện chu đáo, có kế hoạch chặt chẽ trong bố trí đội hình, cách đánh.

Lực lượng luồn sâu, tập kích vào căn cứ địch thường tổ chức gọn, dễ cơ động chiếm lĩnh trận địa và thường sử dụng lực lượng tại chỗ. Những kinh nghiệm chiến đấu luồn sâu trong các cuộc kháng chiến tiếp tục được nghiên cứu tổng kết và vận dụng phát huy, xây dựng trong Quân đội ta hiện nay.

HÀ BÁCH