Trong Lời kêu gọi nhân kỷ niệm một năm kháng chiến toàn quốc, ngày 19-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chính phủ ta ngày càng thêm oai tín, càng được ủng hộ vì là một Chính phủ kiên quyết kháng chiến, một Chính phủ đại đoàn kết, một Chính phủ đồng cam cộng khổ với dân, một Chính phủ của dân...” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 355, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011). Câu thành ngữ “Đồng cam cộng khổ” cũng là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Theo Từ điển tiếng Việt (Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, 2014), “cam” là ngọt, vị ngọt của thức ăn hoặc thảo mộc, “khổ” là đắng, vị đắng. Thành ngữ này có lớp nghĩa đen là cùng hưởng vị ngọt, cùng nếm vị đắng. Từ ý nghĩa tường minh trên mà dân gian còn dùng câu thành ngữ với lớp nghĩa bóng, trong cuộc sống có nhiều niềm vui, hạnh phúc nhưng cũng có không ít khó khăn, đắng cay. Cùng nhau chia sẻ thì niềm vui nhân lên và nỗi buồn vơi đi.
Thành ngữ "Đồng cam cộng khổ" bắt nguồn từ câu chuyện thời Chiến Quốc. Khi Yên Chiêu Vương lên ngôi vua nước Yên, ông lo lắng muốn tìm hiền tài chăm lo, phát triển đất nước. Biết Quách Quy thông minh tài giỏi, Yên Chiêu Vương bái Quách Quy làm thầy và vô cùng trọng dụng. Người tài từ các nước láng giềng Ngụy, Tề, Triệu thấy Quách Quy được vua nước Yên trọng dụng liền kéo nhau đến cùng vua nước Yên xây dựng đất nước. Vua nước Yên đều trọng dụng và đối đãi tốt với họ. Trải qua nhiều thăng trầm, Yên Chiêu Vương cùng Quách Quy và các nhân sĩ đã đồng cam cộng khổ đưa nước Yên phát triển đến cực thịnh, quốc thái dân an.
Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc, ngày 9-9-1952, Bác Hồ dặn cán bộ, chiến sĩ: “Từ đại đoàn trưởng cho đến tiểu đội trưởng phải đồng cam cộng khổ với anh em chiến sĩ, chăm nom săn sóc giúp đỡ nhau, coi nhau như tay chân ruột thịt” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 484, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011). Lời căn dặn của Bác đã trở thành động lực để bộ đội ta đoàn kết, chiến đấu giành nhiều thắng lợi ý nghĩa trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
HÀ BÁCH