Theo "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam" (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), "đánh điểm, diệt viện" là phương pháp tác chiến dùng một bộ phận lực lượng đánh tiêu diệt hoặc bao vây cứ điểm, cụm cứ điểm... của quân địch, tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu tiêu diệt quân địch đến cứu viện. Mục tiêu đánh điểm phải có ý nghĩa quan trọng về chiến thuật, chiến dịch và về chính trị, kinh tế, buộc quân địch phải đến cứu viện hoặc đánh chiếm lại.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quân đội ta đã nhiều lần áp dụng chiến thuật "đánh điểm, diệt viện" và đã giành được thắng lợi đáng kể như: Chiến dịch Biên giới (1950), Chiến dịch Hòa Bình (1951), Chiến dịch Ba Gia (1965)...
Trước đó, nhiều trận đánh có cách đánh tương tự với chiến thuật "đánh điểm, diệt viện", điển hình như trận vây hãm thành Đông Quan (năm 1427) bởi nghĩa quân Lam Sơn. Quân Minh do Vương Thông chỉ huy cố thủ trong thành chờ viện binh. Do thành lũy kiên cố, nếu đánh sẽ mất nhiều thời gian, gây tổn thất và bất lợi cho chiến cục chung nên Lê Lợi quyết định vây thành, ưu tiên tấn công quân chi viện do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy. Sau khi quân chi viện bị đánh bại thì quân Lam Sơn tập trung hạ thành.
Việc sử dụng phương pháp "đánh điểm, diệt viện" là sự phát triển, sáng tạo của nghệ thuật quân sự phù hợp hình thức chiến tranh vận động chiến, cao hơn so với hình thức chiến tranh du kích.
DIỆU LINH