Theo Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009), chiến lược “chiến tranh đặc biệt” là chiến lược quân sự của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam (giai đoạn 1961-1965), thay thế chiến tranh một phía (giai đoạn 1954-1960) đã bị thất bại, nhằm đàn áp phong trào nổi dậy đã phát triển thành chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam, được tiến hành bằng cách sử dụng ngụy quân Sài Gòn làm lực lượng chủ yếu; Mỹ cung cấp vũ khí, phương tiện, khí tài quân sự, tài chính và chỉ huy bằng hệ thống cố vấn quân sự, dân sự từ trung ương đến các tỉnh và đặc khu, các sư đoàn, tiểu đoàn (lúc đầu mang tên MAAG, về sau đổi thành MACV); đồng thời thực hiện 3 biện pháp chiến lược cơ bản: Tìm diệt bộ đội chủ lực và cơ sở cách mạng; bình định để nắm dân; phá hoại miền Bắc bằng biệt kích, phong tỏa biên giới, vùng biển để ngăn chặn chi viện của miền Bắc. Mỹ-Ngụy coi bình định, dồn dân, lập “ấp chiến lược” là nội dung cơ bản, là “xương sống” của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, tìm diệt là biện pháp hỗ trợ cho bình định đạt hiệu quả.
Tháng 1-1961, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chính trị, đồng thời tăng cường đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị; tiến công địch cả hai mặt chính trị và quân sự. Ngay từ những ngày đầu, kế hoạch lập “ấp chiến lược” của địch đã vấp phải sự chống đối kiên quyết của đồng bào miền Nam. Một số “ấp chiến lược” bị phá ngay từ lúc mới thành lập. Một số bị phá đi phá lại nhiều lần. Một số ấp đã trở thành làng chiến đấu của nhân dân.
Đến giữa năm 1965, hệ thống “ấp chiến lược” bị sụp đổ, các tầng lớp trung gian ngày càng ngả về xu hướng chống Mỹ, ủng hộ hòa bình, trung lập, dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ đã chuyển hướng, đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ trực tiếp tiến hành “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đồng thời mở cuộc chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân đối với miền Bắc hòng cứu vãn tình thế.
THANH LIÊM