Theo cuốn Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa, 2014: “Gai” (trang 499) là, ngạnh nhọn từ thân cây mọc ra; “mật” (trang 871) là túi đựng nước nhờn xanh rất đắng ở gan tiết ra. "Nếm mật nằm gai" hàm chỉ sự chịu đựng gian khổ, dám hy sinh để mưu cầu việc lớn.
Hai cách diễn đạt "nếm mật nằm gai" hay "nằm gai nếm mật", hình thức chỉ là sự hoán đổi về trật tự còn ý nghĩa thì giống nhau. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ thời Xuân Thu (giai đoạn lịch sử từ 771 đến 476 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc). Khi ấy, Câu Tiễn, vua nước Việt (nay là vùng đất nam Trường Giang và ven biển Chiết Giang, Trung Quốc) bị nước Ngô bắt làm tù binh, chịu đủ mọi nỗi hành hạ, bêu riếu, làm nhục.
Bề ngoài, Câu Tiễn tỏ ra mềm yếu, quy phục hết lòng. Thậm chí có lần, nghe tin vua nước Ngô là Phù Sai ốm, Câu Tiễn xung phong nếm phân Phù Sai để đoán bệnh. Vua Ngô cho rằng Câu Tiễn đã quy phục nên thả cho về nước. Câu Tiễn liền chiêu hiền đãi sĩ quyết tâm phục hận, hằng ngày thường nằm trên một lượt gai, treo một túi mật thỉnh thoảng nhấm một giọt. Có người thấy lạ hỏi, Câu Tiễn trả lời:
- Ta làm vậy để nhớ những ngày cay đắng bị bắt làm tù binh mà mài sắc ý chí phục thù.
Sau nhiều năm khổ công rèn luyện, chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn xuất đại binh đánh bại quân Ngô. Từ tích truyện đó, thành ngữ "nếm mật nằm gai" được sử dụng rộng rãi trong dân gian.
LINH THẢO