Không chỉ thế, cậu còn là cây săn bàn số 1 của đội bóng đơn vị, nên trong lao động tăng gia dẫu có hơi kém, nhưng anh em chẳng ai mảy may phàn nàn. Ai đó ý kiến gì, lập tức có người bênh ra mặt “phải thông cảm cho người thành phố tí chứ”. Những tưởng chẳng mấy chốc Tuấn sẽ trở thành ngôi sao trong tiểu đoàn, nhưng chuyện đời chẳng chiều lòng người. Trong một lần “chém gió”, Tuấn vô tình bị bóc phốt và hiện nguyên hình là một thánh nổ.

Số là hôm ấy, trung đội được cử xuống giúp bếp, đang chờ phân công nhiệm vụ, mấy anh em ngồi tán gẫu trên ghế đá. Không biết ai khơi mào, phút chốc nơi đây trở thành một diễn đàn ẩm thực, với đủ các món đặc sản từ khắp mọi miền quê, anh nào anh nấy ra sức thể hiện để khẳng định món của quê mình là độc nhất. Đặc biệt là món thịt chó.

Chẳng biết “tay cơ” đến đâu, Tuấn cũng tham gia một cách say sưa, như dân nghiền chính hãng:

- Nói gì thì nói, cái anh thịt chó mà không có mắm tôm, coi như vứt đi.

- Quá chuẩn, không lẽ thịt chó chấm muối vừng, mắm Chinsu à?

Thấy đồng đội hồ hởi hưởng ứng, Tuấn càng hùng hồn:

- Cái anh "quốc hồn quốc túy" ấy, ngon hơn cả vẫn phải là món dồi. “Sống trên đời ăn miếng dồi chó/ Chết xuống âm phủ biết có hay không”.

Lim dim như thể đang nhâm nhi những miếng dồi giòn tan, Tuấn gật gù:

- Đừng tưởng cái anh nho nhỏ, thơm thơm ấy đơn giản đâu nhé, nó là cả một nghệ thuật và phải thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy trình. Ví như nhân dồi nhất thiết phải có lá cúc tần băm nhỏ, rồi đậu xanh rang vàng, giã vỡ ba vỡ tư; riềng tươi cũng phải giã nhỏ vắt lấy nước, thêm chút ớt chỉ thiên...

Cả bọn đều há hốc miệng trước sự bài bản của Tuấn, như thể đang được thưởng thức bữa ăn đặc biệt của một đầu bếp có thứ hạng. Đúng lúc ấy, anh Hậu bếp trưởng ra hiệu cho mọi người vào nhận công việc.

Thấy Tuấn loay hoay nhặt từng lá rau kiểu “bới lá tìm sâu”, anh làu bàu: "Ông làm thế kia thì đến đêm liệu có xong không? Thôi ra cạo củ ơ tờ kia đi để nấu giả cầy".

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Tuấn vội đứng lên theo chân anh Hậu. Cầm củ riềng mà chàng ta cứ loay hoay mãi, rồi buột miệng hỏi cậu bạn bên cạnh:

- Quê ơi, cái củ ơ tờ này là loại gì mà hôm nay tớ mới thấy nhỉ?

Mấy đồng đội không khỏi bất ngờ, vì rõ ràng anh chàng vừa thao thao thuyết giảng về các loại gia vị cho món "quốc hồn quốc túy" cơ mà? Thậm chí chàng ta còn nhắc đi nhắc lại, phải là riềng tươi giã nhỏ. Một chiến sĩ hóm hỉnh:

- Tôi cũng không rõ lắm, nhưng hình như người ta gọi là ơ tờ cay thì phải. Tuấn nhăn mũi:

- Ừ chắc thế, thảo nào tôi thấy mùi nó hăng hăng. Nó phải là ơ tờ thơm mới đúng chứ?

Nhiều đồng đội cố nhịn để không bật lên tiếng cười, nên nói át đi:

- Ông thử ngửi lại xem nó có thơm không?

- Ừ đúng, thơm thật, nhưng tôi thấy nó cứ sai sai thế nào ấy.

- Không tin ông hỏi mọi người xem có đúng vậy không?

- Chắc thế, nhưng đúng là tôi ngửi mùi này quen lắm.

Mấy chiến sĩ đang rì rầm, thì anh Hậu đứng sau từ lúc nào, hình như cũng nghe được câu chuyện. Vốn là người có tính hài hước, anh xen vào:

- Các ông không biết đây là củ ơ tờ gì à? Quê quán là phải chân thành, đừng có lòe nhau, đây là củ ơ tờ cà rốt, hiểu chưa?

- Giời ạ, hẳn nào nghe quen thế, vì ở nhà vẫn thấy mẹ em gọi củ cà rốt. Vậy mà mãi em không nghĩ ra.

Đến đây, mọi người đi từ ngỡ ngàng, ngơ ngác, đến bật ngửa, nên đều cười toáng lên, Hùng khuỳnh không nhịn được cũng góp một câu: "Đấy là củ ơ tờ riềng!". Tuấn lại nhảy cẫng lên: "Đúng rồi, em nhớ ra rồi, củ riềng, đúng củ riềng thơm thơm, cay cay..."

- Gớm thôi đi ông ơi, vụng chèo khéo chống, không biết thì cứ nói toạc ra là “chém” đi, có ai đánh thuế thằng bốc phét đâu. Ông đúng là Tuấn ơ tờ riềng!

Cả gian bếp rộn lên tiếng cười của cánh lính trẻ, làm xua tan cái không khí oi nồng của những ngày hè...

Truyện vui của TIỂU LINH