Hôm nghe đại đội trưởng phổ biến quy định đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ, tôi và Hòa đều giật mình. Tôi ngao ngán lắc đầu:

- Nguy quá cậu ơi. Một ngày 24 tiếng có từ tám hoánh, bây giờ được chia làm 11 chế độ, tất cả đều thực hiện theo hiệu lệnh kẻng, còi. Thôi thì chơi games, lướt web... không được phép đã đành, đến điện thoại di động cũng chẳng được dùng. Nói chuyện với gia đình thì có điện thoại bàn của đơn vị, mỗi tuần được gọi một lần cũng còn tàm tạm. Nhưng với bạn gái, toàn chuyện yêu đương lâm li, đôi khi nhớ quá, hôn gió một phát, thì có mà bó tay à!?

- Bó tay là bó thế nào?-Hòa xoa tay, nhìn quanh rồi rỉ tai tôi-ngày ở nhà, nghe mấy anh lính cũ kể chuyện, tớ biết hết rồi. Thế nên tớ thủ theo cái này...!

Nói đoạn hắn chìa cho tôi xem cái điện thoại Nokia, mắt hấp háy:

- Loại “cục gạch” này nhỏ gọn, dễ cất giấu. Trước khi vào bộ đội, tớ đã tìm hiểu, biết chiến sĩ tại ngũ không được phép dùng điện thoại di động, nên gói kỹ mang theo. Tớ còn cài nhạc chờ “Ở hai đầu nỗi nhớ”, cái bài hát ngày ở nhà nàng mê lắm, thường hát cho tớ nghe. Để mỗi khi nàng gọi, tớ được “mơ về bên em!” ngay! Sướng thế! Nhớ nàng, tớ moi máy ra, leo lên đồi, nấp vào bụi sim rừng tâm sự. Hay đáo để cậu ạ!

Tôi biết làm thế là sai toét, lộ bem cái là nguy to. Nhưng cái “máu” thanh niên thị trấn chưa “tiêu hóa hết”, nên tranh thủ khi giờ nghỉ buổi trưa, hay lúc chạng vạng tối, hai đứa lại rủ nhau lên đồi vờ hái hoa sim. Chủ yếu là đứa canh chừng, đứa buôn dưa lê với người yêu. Ngày tháng thoi đưa, tình hình vẫn ổn. Thông tin về cái “cục gạch” vẫn không hề bị rò rỉ tẹo nào.

Một tối thứ bảy, đơn vị được nghỉ, tôi và Hòa nháy mắt, hướng đồi sim... thẳng tiến. Khi tôi đang say sưa nói chuyện với nàng, bất ngờ tiếng kẻng nổi lên dồn dập. Tiếp theo là còi ở từng trung đội rúc vang. Hòa líu cả lưỡi:

Đại đội báo động chiến đấu. Tắt máy đi cậu ơi, chạy...!

Tôi đút vội máy vào túi quần, cứ thế hai thằng hướng đơn vị chạy như ma đuổi.

Sau khi tập trung, kiểm tra vũ khí, trang bị chiến đấu, quân tư trang của từng người xong, đại đội trưởng đang chuyển sang nhận xét phần ưu, khuyết điểm cuộc báo động, thì đột nhiên trong túi quần tôi, tiếng nhạc réo rắt và tiếng hát: “Ở đâu đây nỗi nhớ/ Anh mơ về bên em...” rền vang. Hòa và cả hàng quân đang im phăng phắc quay cả sang tôi, mắt tròn mắt dẹt. Chết cha rồi, vì luống cuống chạy về tôi quên không tắt nguồn điện thoại. Chắc chắn nàng gọi đây. Tôi còn đang lóng ngóng, chưa kịp nói gì thì đại đội trưởng đã đi xuống, giọng dứt khoát:

- Đồng chí bước ra khỏi hàng quân, đưa điện thoại đây!

Hòa bước ra khỏi hàng quân, lí nhí:

- Báo cáo: Đó là điện thoại của tôi ạ!

Hình như nhận ra điều gì có vẻ khang khác, đại đội trưởng tuyên bố giải tán rồi bảo tôi và Hòa lên ban chỉ huy. Hòa ấp úng xin trao điện thoại cho ban chỉ huy và thành thật kể lại toàn bộ câu chuyện. Đại đội trưởng ôn tồn vỗ vai Hòa:

- Đồng chí trung thực thế là tốt. Hai đồng chí là chiến sĩ mới, vi phạm lần đầu, nên đại đội chỉ phê bình, nhắc nhở. Thay mặt ban chỉ huy đại đội, tôi yêu cầu: Bắt đầu từ hôm nay, các đồng chí phải quyết tâm phấn đấu, sửa chữa khuyết điểm để làm tròn trách nhiệm của người chiến sĩ. Thế nhé.

Câu chuyện xảy ra cách đây hơn 6 năm. Bây giờ tôi và Hòa đều đã là trung úy “bê” trưởng chững chạc. Mỗi khi nhắc lại chuyện cái điện thoại của thuở binh nhì “lưu luyến ấy”, Hòa lại nheo mắt nhìn tôi, rồi cất cái giọng vịt đực hát vống lên cái câu hát nhạc chờ của chiếc Nokia “cục gạch” ngày nào. Và, hai đứa lại ôm nhau cười như nắc nẻ!

Truyện vui của XUÂN ĐAN