Hùng đáp “rõ”, rồi chỉnh trang lại quân phục, chạy thẳng lên nhà chỉ huy. Vừa đến sân, anh Huy chủ động ra đón, hỏi ngay:
- Trưa thứ bảy tuần trước em hay ai đi chợ mua thực phẩm?
- Báo cáo anh, là cậu Hải! Hôm đó lẽ ra em đi, nhưng sáng ngủ dậy bị chóng mặt nên có nhờ Hải đi giúp. Việc này em đã báo cáo chỉ huy. Nhưng có chuyện gì vậy anh?
Chính trị viên Huy xác nhận: “Anh cũng nhớ hôm ấy em mệt nên nhờ Hải đi chợ thay. Vậy mà có bác Lường Văn Quàng ở bản Sa Pả vừa đến lại kể trưa hôm thứ bảy chính người tên là Phan Thanh Hùng khi đi chợ đã nhặt được ví tiền của con gái bác và đang mời Hùng ra nhà ăn cơm để gia đình cảm ơn”. Nghe chính trị viên nói vậy, Hùng rất ngạc nhiên. Từ khi về đơn vị, Hùng có nhặt được ví của cô gái nào đâu nhỉ? Chỉ có lần cách đây vài tháng Hùng có giúp một cô giáo sửa lại chiếc xe đạp bị sang vành ở đầu dốc chợ thị trấn. Chuyện này đâu có gì đáng kể nên cậu cũng quên lâu rồi.
Thấy Hùng đứng thừ người, anh Huy giục: “Thôi, cứ vào trong phòng giao ban, hỏi lại chuyện bác Quàng xem sự việc cụ thể thế nào, rồi ta tính tiếp”. Hùng theo anh Huy vào phòng, thấy một bác khoảng 60 tuổi, nước da sạm đen, khuôn người vạm vỡ đang ngồi ở ghế uống nước nhìn ra. Thấy Hùng đến, bác Quàng nhìn chằm chằm vào hàng chữ ghi trên ngực bộ quân phục, rồi đứng bật dậy: “Đúng là Phan Thanh Hùng đây rồi! Cậu này khôi ngô, tuấn tú, lại tốt bụng quá. May nhờ có cậu trả lại chiếc ví cho con gái tôi, nếu không, đến giờ chắc cả nhà tôi vẫn mất ăn mất ngủ vì tiếc số tiền cả vụ mùa gia đình mới dành dụm được”.
Hùng ngơ ngác hỏi lại: “Dạ, con gái bác có nhầm không ạ? Nếu đúng thứ bảy tuần trước thì cháu đang ở đơn vị, cả ngày không ra đường ạ!”. Bác Quàng mỉm cười: “Nhầm thế nào được. Con gái tôi nó bảo anh bộ đội cho xin lại ví cao ráo, do đeo khẩu trang nên không nhìn rõ mặt, nhưng em nó vẫn kịp nhìn thấy trên áo thêu dòng chữ Phan Thanh Hùng mà. Em nó đang là giáo viên, chẳng lẽ lại không biết đọc sao?”.
Nghe đến đây, Hùng giật mình nhớ ra, nói với anh Huy: “Chắc là Hải mặc nhầm áo của em! Do chúng em vóc dáng tương đồng nên thỉnh thoảng hai người vẫn mặc nhầm đồ của nhau”. Thấy Hùng nói có lý, anh Huy gọi Hải lên phòng giao ban. Sau khi nghe kể lại sự việc, Hải nhận hôm đó chính mình nhặt được ví của cô gái tên là Lường Thị Nhung, bên trong có một số giấy tờ cá nhân và số tiền hơn mười triệu đồng. Từ thông tin các giấy tờ trong ví, Hải chủ động tìm địa chỉ và đến trường cô Nhung dạy, trao lại chiếc ví cùng toàn bộ tài sản nhặt được. Hôm đó do vội nên có thể Hải mặc nhầm áo của đồng đội Phan Thanh Hùng mà không biết.
Ngồi nghe chuyện, ông Quàng gật gù, vẫn chưa tin hẳn:
- Rõ ràng con gái tôi khẳng định là cậu Phan Thanh Hùng. Sao giờ lại thành Nguyễn Hoàng Hải được? Tiếc quá, em nó hôm nay có buổi lên lớp nên không đi cùng. Có em nó ở đây chắc sẽ nhận ra ngay ai là ân nhân của mình.
Trước tình huống phức tạp, chính trị viên Huy hỏi ông Quàng:
- Cô giáo Nhung có dùng zalo không ạ? Nếu có bác bấm gọi hình ảnh để cô ấy nhìn mặt, chắc chắn sẽ nhận ra người cần tìm thôi ạ?
- Đúng rồi, có thế mà không nghĩ ra. Để tôi gọi ngay đây-bác Quàng vỗ vào đùi cái “đét” rồi lôi điện thoại ra bấm cho con gái.
- Con gái ơi, bố đến đơn vị mời anh Phan Thanh Hùng về nhà mình ăn cơm để cảm ơn, nhưng gặp anh Hùng, anh ấy lại bảo cậu Nguyễn Hoàng Hải mới là người nhặt được ví. Giờ bố đưa máy cho từng anh để con xem ai là ân nhân nhà mình con nhé.
Ông Quàng nói rồi quay điện thoại về phía hai chiến sĩ trẻ. Vừa nhìn thấy Hùng và Hải, cô gái mừng rỡ nói qua điện thoại: “Đúng anh này rồi bố! Mà cả anh kia nữa. Anh bên trái là anh nhặt được ví của con. Còn anh bên phải là người đã sửa giúp cái xe đạp cho con cách đây mấy tháng. Không ngờ hai anh lại cùng có mặt ở đây. Cả hai đều là ân nhân của nhà mình bố ạ. Bố mời cả hai anh và chỉ huy đơn vị đến nhà mình ăn cơm nhé!".
Thấy con gái nói vậy, gương mặt ông Quàng rạng ngời hẳn lên. Ông bắt tay lần lượt từ chính trị viên đến hai chiến sĩ trẻ, rồi xúc động nói: “Bộ đội đơn vị mình ai cũng là người tốt cả. Nhà tôi thật có duyên vì được các anh giúp hết lần này đến lần khác. Cuối tuần này cho phép tôi mời hai chiến sĩ trẻ và ban chỉ huy tiểu đoàn đến nhà dùng bữa cơm thân mật, để gia đình nói lời cảm ơn nhé. Mà cái Nhung nhà tôi chưa có người yêu, biết đâu sau lần này chúng ta lại có duyên hơn thì sao, các đồng chí nhỉ?".
Truyện vui của VĂN CHIỂN