Năm đó, nhà trường tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng. Tiểu đoàn học viên thành lập đội văn nghệ, giao Chi phụ trách “gánh hát”. Nhờ khéo ăn nói, Chi mời được một dàn các cô giáo mầm non trẻ trung, duyên dáng tham gia. Được giao lưu với các anh bộ đội, các cô phấn khởi, luyện tập nhiệt tình. Nhờ vậy, chương trình văn nghệ của tiểu đoàn đoạt giải xuất sắc. Niềm vui được nhân lên khi sau mùa hội diễn, “nhạc trưởng” Ánh Chi đã có cảm tình với cô giáo Hồng Thu hát hay, múa dẻo. Qua thời gian, tình cảm giữa hai người càng thêm mặn nồng:

- Thu này, đợt tới cho anh về thăm nhà em nhé!

Nghe vậy, dù “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, Thu tỏ ra ngần ngại:

 - Em cứ thấy ngài ngại. Bố em kỹ tính lắm, không biết anh về chơi có ưng thuận không hay lại...

Hiểu được tâm trạng người yêu, Chi động viên:

 - Không sao đâu, anh là bộ đội, chuẩn không cần chỉnh, bao lần "đi dân nhớ, ở dân thương", chắc chắn cả nhà sẽ hài lòng thôi. Giờ em đi làm rồi, có phải cái thời học phổ thông nữa đâu mà gia đình ngăn cản chuyện tình cảm.

Một sớm chủ nhật, đôi bạn trẻ đèo nhau về quê. Đường làng uốn lượn quanh quanh, qua cây đa lớn là tới nhà Thu. Mở cánh cổng gỗ, hai người hớn hở bước vào. Thu gọi lớn:

- Mẹ... Mẹ ơi!

Nghe tiếng con, mẹ Thu hồ hởi ra đón:

- Thu về đấy hả con? Bạn trai con đây hả? Vào nhà đi cháu!

Thấy anh sĩ quan trẻ, đẹp trai, đường hoàng, đĩnh đạc đúng như lời kể của con gái, bà mừng lắm, lập cập mời vào nhà. Bên bộ trường kỷ, bố Thu đã ngồi sẵn ở đó cẩn thận pha ấm chè mạn mời khách. Chi cất lời chào lễ phép:

- Dạ, cháu chào bác ạ! Cháu là bạn của em Thu. Hôm nay đi chung đường, cháu đưa em về và xin phép vào thăm gia đình ạ!

Trước cử chỉ lễ phép của Chi, ông vui vẻ bắt chuyện, hỏi han quê hương bản quán, cửa nhà, gia sự, công việc... Ngồi dưới bếp phụ mẹ nấu cơm, nghe bố và Chi nói chuyện rôm rả, Thu thở phào nhẹ nhõm, thầm nghĩ “chắc ông cụ cũng ưng cái bụng”. Câu chuyện qua hai tuần trà, bố Thu mới ậm ừ:

- À này, mải chuyện bác quên chưa biết tên cháu là gì?

Chi chẳng ngần ngại liền đáp:

-  Dạ, cháu tên là Chi. Đầy đủ họ tên là Phùng Ánh Chi ạ!

leftcenterrightdel
Minh họa: QUANG CƯỜNG 

Mới nghe Chi giới thiệu tên, đôi lông mày bố Thu nhíu lại, rồi thở dài thườn thượt. Câu chuyện chùng xuống. Ấm trà đã nhạt, Chi xin phép ra sân giếng phụ giúp Thu vài việc vặt. Bữa cơm hôm đó vẫn diễn ra nhưng thái độ của bố có vẻ khang khác. Mặc dù các thành viên cố trò chuyện cho vui, nhưng có vẻ không tự nhiên lắm. Cuối ngày, Chi ra về tâm trạng đầy lo âu.

Tối đến, bố gọi Thu vào rồi nói như truyền lệnh:

- Con quen ai thì quen chứ riêng cái cậu sáng nay là bố cấm cửa.

Thu giật mình giãy nảy:

- Bố! Anh Chi làm điều gì phật lòng mà bố không ưng?

- Con vừa nhắc cái gì?

- Anh... Chi...

- Bố cấm con gọi tên cậu ấy ở đây.

- Dạ... dạ... Tại sao ạ?

- Sao à? Tên cậu ấy trùng tên cụ nội. Lấy về để suốt ngày bố réo tên cụ nội hay đội lên đầu à. Phạm húy! Không được, nghe chưa!

- Con thấy nhà mình có cụ nào tên như vậy đâu.

- Ngày xưa kiêng không gọi tên thật mà chỉ lấy tên con trưởng để gọi thay, biết chưa. Vì thế, con muốn quen ai thì quen, nhưng trừ người nào trùng tên cụ nội.

Câu chuyện giữa hai bố con được Thu thuật lại y nguyên cho Chi. Nghe xong, Chi tỏ vẻ đăm chiêu, không lẽ chỉ vì cái tên mà hỏng cả chuyện “quốc gia đại sự”. Mất mấy ngày suy nghĩ, Chi bàn bạc với Thu kế hoạch “công đồn”.

Cuối tuần tiếp, đôi bạn trẻ lại đèo nhau về thăm nhà. Lần này không còn việc đón tiếp nồng hậu như bữa trước. Thậm chí bố Thu tỏ ra lạnh lùng khi có khách không mời mà đến. Tuy vậy, Chi vẫn mạnh dạn thưa chuyện:

- Dạ, kính thưa hai bác, cháu và em Thu thương mến nhau nhưng chỉ vì mỗi cái tên mà không nên duyên thì tội quá ạ. Cháu đã suy nghĩ và được bố mẹ cháu đồng thuận, nay cháu sang đây thưa chuyện về quyết định đổi tên từ Phùng Ánh Chi thành Phùng Chí Anh ạ!

Mới nghe cái tên Phùng Chí Anh, bố Thu vỗ đùi đánh “đét”:

-  Hay! Cậu “Anh” có “Chí”, rất ý nghĩa. Còn cái tên cũ vừa trùng tên cụ nội, vừa không hợp khi ghép hai đứa với nhau. Này nhé, nếu sau này thành đôi, vợ là Thu mà chồng lại Chi thì hỏng cả, bao gia sản cắp nón ra đi hết à.

Nghe bố hồ hởi, cả nhà như tháo được ngòi nổ, không khí bỗng vui như Tết!

Truyện vui của HỒNG NAM