Trước giờ khởi hành, chỉ huy đại đội thông báo tình hình địa phương, quán triệt việc chấp hành kỷ luật dân vận và nhiều quy định khác. Thú thực là với mấy chàng lính trẻ măng tơ như chúng tôi, suốt ngày chỉ ở đơn vị học với rèn luyện, có mấy khi được ra ngoài nên khi nghe đi làm dân vận, trong đầu đã nhảy nhót bao nhiêu ý tưởng sẽ làm việc này, việc nọ.

Ngày hành quân về với bà con, các đoàn thể địa phương đón tiếp chúng tôi chu đáo. Nhân dân rất phấn khởi khi bộ đội về làng. Theo kế hoạch hiệp đồng, đại đội tôi phân công hai đồng chí vào ở một gia đình. Tôi và Khoa được cô bí thư chi đoàn thôn dẫn đi lòng vòng qua mấy con ngõ mới tới một ngôi nhà nhỏ nằm dưới bóng cây xanh mát. Bác chủ nhà hồ hởi: “Chào các chú bộ đội, mời các chú vào nhà”.

Câu chuyện của chúng tôi với bác chủ nhà bắt đầu bên ấm nước vối sóng sánh:

- Dạ, thưa bác, chúng cháu về làm công tác dân vận tại địa phương. Ngoài thực hiện nhiệm vụ chung, chúng cháu cũng muốn phụ giúp gia đình nhà ta ạ!-tôi lễ phép mở lời.

- Các chú về cho vui cửa vui nhà chứ có việc gì đâu. Ông nhà tôi đi làm trên thành phố. Cậu con trai cũng là bộ đội ngoài đảo xa. Ở nhà chỉ còn hai mẹ con. Em gái đang học ôn cuối cấp-bà chủ đon đả.

Nghe bác gái kể vậy, chúng tôi hiểu sơ qua hoàn cảnh gia đình. Nhìn quanh một lượt, thấy nhà cửa rộng rãi, sạch sẽ, chúng tôi hiểu gia chủ cẩn thận, chu đáo cỡ nào. Thêm thông tin thú vị nữa, đó là có một nữ sinh đang miệt mài ôn thi.

leftcenterrightdel
 Minh họa: PHÙNG MINH

Sắp đặt nơi ăn chốn ở xong, chúng tôi tranh thủ ra vườn hít hà không khí trong lành, thoáng đãng. Bữa trưa hôm đó, bác gái đãi món canh chua rau rút rất ngon. Cô em gái ngồi ý nhị xới cơm vào bát, giọng khẽ khàng: “Em mời các anh dùng cơm ạ!”. Hơi cơm nóng tỏa ra thơm ngát, tôi thấy đôi má em ửng hồng. Bác gái chủ động trò chuyện thân tình. Qua bữa ăn, tôi biết em tên Giang.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Bác gái ra đồng làm ruộng. Giang vẫn miệt mài ôn thi. Có hôm chúng tôi về sớm. Phòng của em ở kế bên sáng đèn, tiếng mấy cô bạn học nhóm vọng ra í ới. Tôi thấy các em tranh luận rất sôi nổi bài thơ “Sóng” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Tiếng Giang ngân nga: “Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”. Bạn khác phân trần: “Khổ này hay nhưng bình giảng thì khó quá. Hình như nữ sĩ tự vấn lòng mình?”.

Các nàng tranh luận sôi nổi nhưng chưa thoát ý, kiểu như đi ra biển khơi mà mãi chưa vào được bờ. Thoáng nghe qua, tôi biết các em đang bí. Vốn là học sinh giỏi văn của tỉnh, mấy bài thơ thời phổ thông, tôi thuộc lòng như cháo chảy, hè nào được nghỉ cũng bồi dưỡng cho các em ở quê. Tôi định lên tiếng nhưng vì tế nhị nên thôi.

Tối hôm đó, đơn vị có chương trình giao lưu văn nghệ với địa phương. Từ chiều, Giang đã chủ động hỏi tôi:

- Tối nay mấy giờ biểu diễn văn nghệ anh Nam nhỉ?

- 19 giờ em à. Tối ra xem em nhé!

- Dạ vâng ạ! Anh có tham gia tiết mục nào không?

- Có, anh đăng ký hát bài “Thuyền và biển”.

- “Thuyền và biển”! Có phải ca khúc được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nữ sĩ Xuân Quỳnh?

- Đúng rồi đó em!

- Ôi! Nữ sĩ làm thơ hay nhưng để hiểu hết thì khó quá. Em cũng đang ôn bài “Sóng” của Xuân Quỳnh mà bình mãi chưa ra.

 Chạm đúng vào “máu” văn chương thơ phú, thế là tôi thao thao giảng giải từ hoàn cảnh ra đời, tác giả, tác phẩm, những tầng nghĩa trong từng câu thơ. Nghe xong, em “mắt tròn mắt dẹt” thốt lên: “Không ngờ anh Nam bình thơ hay đến vậy!”.

Tối đó, trong bộ quân phục chỉnh tề, tôi cầm micro cất giọng hát. Ở dưới hàng ghế khán giả, cặp mắt tròn long lanh của Giang theo dõi không chớp, miệng nhẩm theo giai điệu bài hát: “Chỉ có thuyền mới hiểu/ Biển mênh mông nhường nào/ Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu về đâu...”. Tiết mục kết thúc cũng là lúc Giang chạy ào lên giúi vội vào tay tôi bó hoa trong tiếng reo hò rầm rầm của đồng đội phía dưới.

Sau đêm văn nghệ đó, Giang cởi mở hơn. Có bài nào chưa hiểu, em nhờ tôi giảng giải thêm. Nhiều khi không biết là vô tình hay hữu ý, tôi thấy có nội dung đã phân tích kỹ rồi nhưng em vẫn tìm gặp hỏi chuyện. Ngoài việc học hành, chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều chuyện khác nữa.

Mối quan hệ giữa tôi và Giang ngày càng thân thiết, nhưng cũng là lúc kết thúc đợt dân vận, tôi trở lại trường. Năm đó, em thi đỗ vào trường cao đẳng sư phạm của tỉnh. Một sớm chủ nhật, tôi nhận được thư em cùng lời nhắn gửi: “Cảm ơn anh đã mang đến một mùa hè ý nghĩa. Anh nhớ về thăm quê em nhé!”. Tôi gửi lại: “Chắc chắn rồi! Hãy chờ anh, em nhé!”.

Truyện vui của VŨ DUY