Đây là hai từ có nguồn gốc Hán Việt và có chung thành tố “thức”. Phân tích chữ Hán ra thành yếu tố, chữ “thức” trong hai từ “tri thức” và “trí thức” có nghĩa là hiểu biết. 

Chữ “tri” cũng có nghĩa là biết. Như vậy ở trường hợp này, hai chữ “tri” và “thức” cùng nằm trong một trường nghĩa, kết hợp với nhau tạo nên danh từ “tri thức”. Theo "Từ điển Tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 1310, “tri thức” là những hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng hoặc xã hội như tri thức khoa học hay tri thức nghề nghiệp. Để có tri thức, mỗi người đều phải không ngừng tìm hiểu, khám phá, học hỏi như nhà bác học Albert Einstein đã nói: “Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm”.

“Trí” có thể hiểu theo mấy dạng nghĩa là khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán của con người. Cũng theo "Từ điển Tiếng Việt" của Viện Ngôn ngữ học, năm 2021, trang 1310, “trí thức” dùng để chỉ người chuyên làm việc đầu óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình; “trí thức” đồng nghĩa với “tri thức”. 

Trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và sử dụng từ vay mượn gốc Hán của người Việt, “tri thức” và “trí thức” khi đi vào tiếng Việt hiện đại đã có sự phân công về nghĩa khá thú vị. “Trí thức” dần chuyển nghĩa chỉ người có tri thức. Đặc biệt, trong tiếng Việt hiện nay, từ “trí thức” (nghĩa phái sinh) lại được dùng phổ biến hơn các từ “trí giả”, “thức giả”, “học giả” (nghĩa gốc).

Khi nói về trí thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (theo "Hồ Chí Minh toàn tập", Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2002, tập 8, trang 216).