Sự biến ảo của kế sách này là khoét sâu điểm yếu chí tử của đạo quân xâm lược, chinh chiến xa, công tác bảo đảm hậu cần khó khăn; nếu chiến tranh kéo dài thì địch càng khó khăn gấp bội, sức mạnh chiến đấu suy giảm. Thực hiện kế sách “

thanh dã

” kết hợp với cách đánh giặc sáng tạo của chiến tranh toàn dân, toàn diện đã phá vỡ âm mưu của địch, đẩy địch vào thế cùng quẫn, tạo lập thời cơ tiến lên tổng phản công, giải phóng đất nước.

Bàn về kế sách này, trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009) lý giải: “Vườn không nhà trống” là biện pháp đấu tranh của nước bị xâm lược chống chính sách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người bản xứ đánh người bản xứ của nước tiến hành chiến tranh xâm lược, bằng cách di tản người và cất giấu hoặc phá hủy của cải khiến quân xâm lược đi đến đâu cũng gặp nhà không người, ruộng vườn hoang hóa, không có nguồn cung cấp hậu cần tại chỗ.

Thăng Long-Hà Nội là nơi từng được ông cha ta sử dụng kế sách “Thanh dã” chống lại các cuộc tiến công xâm lược quy mô lớn một cách mẫu mực.  

Trong 3 lần chống quân Mông-Nguyên xâm lược (1258, 1285 và 1287-1288), quân, dân nhà Trần đã sử dụng kế sách “vườn không nhà trống”, tạo thời cơ cho phát động cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện 3 lần đánh tan quân Mông-Nguyên.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế sách “vườn không nhà trống” lại được quân và dân Hà Nội phát huy lên một tầm cao mới. Ngay từ những ngày đầu, nhiều gia đình đã quẳng bàn ghế, sập gụ, hòm xiểng, cánh cửa... ra đường phố, hình thành các ụ chướng ngại, chiến lũy để cản địch. Nhân dân nội thành tản cư ra các cửa ô đã cùng nhân dân ngoại thành đào giao thông hào, công sự chiến đấu, tham gia phá đường sá, cầu cống, nhà cửa... để ngăn chặn địch, góp phần không nhỏ vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

VĂN TUẤN