Theo Từ điển bách khoa Quân sự Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Quân sự, Bộ Quốc phòng, năm 2009): "Chia cắt chiến dịch là chia cắt nhằm phá vỡ thế bố trí chiến dịch của đối phương, làm cho đối phương bị động, tạo điều kiện tiêu diệt từng bộ phận. Để đạt được mục đích chia cắt chiến dịch thường phải đột kích mạnh, thọc sâu táo bạo đúng nơi, đúng lúc".
Trong Chiến dịch Tây Nguyên, đánh Buôn Ma Thuột, ta chia cắt Plâyku với Buôn Ma Thuột; đánh chiếm đường 14 nối liền Plâyku với Buôn Ma Thuột, làm cho Buôn Ma Thuột bị cô lập. Tiếp đó đánh chiếm đường 21 nối liền Buôn Ma Thuột với Nha Trang, làm cho Buôn Ma Thuột càng thêm cô lập. Cuối cùng, đánh chiếm đường 19 nối liền Plâyku với Quy Nhơn, làm cho cả Tây Nguyên bị cô lập với đồng bằng, cắt đứt nguồn tiếp tế chính của Tây Nguyên. Sau khi dàn và bày một vế của thế trận chia cắt tất yếu địch đâm ra hoang mang. Quả nhiên sau khi ta đánh chiếm Buôn Ma Thuột, địch không đi ứng cứu, phản kích bằng đường bộ được, mà phải phản kích bằng máy bay lên thẳng vì đường bộ đã bị ta chiếm giữ. Địch phản kích bằng máy bay lên thẳng làm cho ta dễ đánh hơn, vì không có xe tăng, xe bọc thép. Đó là do ngay từ đầu ta đã gạn lọc tình huống.
Quân địch đông, nhiều, đóng dày đặc thì bao giờ cũng phải chia cắt để tiêu diệt từng nhóm, từng cụm, để đi đến tiêu diệt hoàn toàn nếu có điều kiện. Chia cắt là một đòn hiểm, một thế trận nhằm hạn chế sự điều động của địch, giành chủ động về ta.
VĂN TUẤN