Hôm 30-1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cho công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 lên 3,1%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10-2023. Trái với IMF, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng tăng trưởng GDP của thế giới trong năm 2024 sẽ chậm lại so với năm 2023 do các điều kiện tài chính thắt chặt, tăng trưởng thương mại yếu, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng thấp. Báo cáo Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng 2024 của Liên hợp quốc cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm 2024 so với con số 2,7% của năm ngoái. Còn theo dự báo của các công ty nghiên cứu uy tín như S&P Global Market Intelligence hay Fitch Ratings, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn so với năm 2023.

Tuy nhiên, dù đánh giá thấp khả năng tăng trưởng toàn cầu nhưng các nhà phân tích đều tỏ ra lạc quan với nhận định rằng, điều tồi tệ nhất có lẽ đã qua, các trở lực sẽ giảm, giúp cho nền kinh tế thế giới bình ổn trở lại. Đánh giá về Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng: “Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý. Khả năng “hạ cánh mềm” đã tăng lên. Chúng ta còn rất xa kịch bản suy thoái toàn cầu”.

leftcenterrightdel
 Logo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington, DC. Ảnh: AFP

“Hạ cánh mềm” là thuật ngữ đề cập đến giai đoạn nền kinh tế phát triển chậm lại nhưng không có bất kỳ sự “co giật” đột ngột nào có thể dẫn đến sụp đổ. Xem ra, kịch bản được coi là hợp lý này đang là triển vọng với nền kinh tế thế giới sau những chấn động bởi đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị gay gắt. Những dấu hiệu khả quan đã bắt đầu xuất hiện mà nổi lên là lạm phát đang có xu hướng giảm ở nhiều khu vực trên thế giới. Theo IMF, lạm phát cơ bản đã giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023 và chỉ còn khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, dự kiến cũng sẽ giảm xuống 4,5%. Trong số những tín hiệu lạc quan khác, có thể nhắc đến sự phục hồi của sản xuất, chi tiêu tiêu dùng tăng, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm...

Những yếu tố tích cực đó đã tạo đà tăng trưởng cho nhiều nền kinh tế trên thế giới. Theo dự báo, tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2024 sẽ vượt lên mức 2,1%, cao hơn so với con số 1,5% công bố hồi tháng 10-2023. Với Trung Quốc, IMF dự kiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo hồi năm ngoái. Mức tăng này phản ánh sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ chính quyền Trung Quốc và mức độ ít nghiêm trọng hơn trong lĩnh vực bất động sản của quốc gia này.

Dù phải chịu tác động nặng nề từ các lệnh cấm vận của phương Tây nhưng kinh tế Nga được dự báo sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với dự báo vào tháng 10-2023. Với các nền kinh tế châu Á mới nổi, con số tăng trưởng sẽ ở mức khá là 5,2%. Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được cho là chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 0,9%. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức sẽ chỉ có mức tăng trưởng GDP tối thiểu là 0,5% trong năm 2024, thay vì 0,9% như dự báo trước đó.

Triển vọng tránh được một đợt suy thoái mới ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, chưa thể nói kinh tế toàn cầu đã hoàn toàn thoát khỏi vùng nguy hiểm. Dù lạm phát trên quy mô toàn cầu đã giảm nhưng vẫn có tới 1/4 số quốc gia đang phát triển phải đối mặt với mức lạm phát được cho là trên 10% trong năm nay. Thêm vào đó, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa và các đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm sản lượng để duy trì giá dầu ở mức cao cũng như căng thẳng địa chính trị gia tăng đang tạo nguy cơ khiến lạm phát quay trở lại.

Trong khi đó, chiến tranh, xung đột cũng như thảm họa từ biến đổi khí hậu vẫn đang khiến đời sống của người dân ở nhiều khu vực lao đao, kinh tế bị đình trệ. Xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đang tác động mạnh tới chính sách của các nước, khiến kinh tế thế giới bị phân mảnh thành các liên minh, các khối đối đầu. Bên cạnh đó, xung đột bùng phát ở dải Gaza giữa Hamas và quân đội Israel cùng các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen tại Biển Đỏ đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá cước vận chuyển, bảo hiểm và giá dầu tăng cao, bởi thông thương qua Biển Đỏ phải chuyển hướng sang các tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn. Trong bối cảnh đó, thương mại toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng 3,3% trong năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình là 4,9%.

Những thách thức đó khiến triển vọng kinh tế thế giới còn khá mong manh nhưng “hạ cánh mềm” là kịch bản đang dần hiện hữu mà dư luận mong đợi.

TƯỜNG LINH