Theo ý tưởng của lãnh đạo liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, SD sẽ phải thể hiện được mức độ sẵn sàng cao nhất của NATO trong tự vệ trước một đối thủ cân sức “tám lạng nửa cân” với cái tên quy ước là Occasus. Mặc dù các nhà lãnh đạo NATO không ngừng khẳng định rằng SD không nhằm vào chống Moscow nhưng Occasus được vẽ lên với rất nhiều đặc điểm tương tự như Liên bang Nga.

SD đang diễn ra trên lãnh thổ một số quốc gia thành viên NATO, dọc theo đường biên giới của các nước NATO với Nga, từ Na Uy qua 3 nước vùng Baltic là Latvia, Litva và Estonia tới Romania. Tham gia tập trận có trên dưới 90.000 quân nhân từ 31 nước thành viên NATO và cả Thụy Điển-quốc gia đang chuẩn bị gia nhập NATO trong thời gian tới, với sự trợ giúp của 50 tàu chiến quân sự, 80 máy bay cùng 1.100 xe tăng và xe bọc thép. Mặc dù Thụy Điển vẫn nằm ngoài biên chế của NATO nhưng một năm nay đã gửi quân tới tham gia các cuộc tập trận của liên minh quân sự này.

leftcenterrightdel
Các quan chức NATO tại cuộc họp báo ở thủ đô Brussels (Bỉ), ngày 18 tháng 1 năm 2024. Ảnh: France Info 

Một điều dễ nhận ra là trong lực lượng tham gia tập trận lần này có khá đông người Anh, tới gần 20.000 quân nhân. Theo lời giải thích của tướng Jerome Pellistrandi, Tổng biên tập Tạp chí National Defense (Pháp), đó là vì “London cảm thấy rất bị đụng chạm bởi những gì đang diễn ra ở Ukraine”. Tư lệnh lực lượng NATO ở châu Âu Christopher Cavoli đưa ra nhận định, SD là một sự cảnh báo đối với Moscow để người Nga sẽ không nên làm một số việc. Đồng thời, ông Cavoli cũng cho rằng, SD không phải là sự đe dọa đối với Liên bang Nga về những gì mà NATO muốn làm với họ.

SD được coi là có quy mô lớn nhất của NATO kể từ năm 1988. Trong các cuộc tập trận lớn nhất thời Chiến tranh lạnh, ví dụ như Reforger (đưa quân trở lại Đức), cuộc diễn tập quân sự hằng năm của NATO trong giai đoạn từ năm 1969 tới 1993, trong thực tế chưa bao giờ có quân số tham gia vượt hơn 90.000 người. SD có mục đích kiểm tra xem liệu NATO có thể kịp thời động binh lâm trận đúng mức khi phải tác chiến ở mặt trận “phía đông không yên tĩnh”. Tất cả khía cạnh của chiến dịch quân sự sẽ được kiểm tra, từ việc chuyển quân và trang thiết bị quân sự tới hợp đồng tác chiến các lực lượng, phương tiện, kể cả lĩnh vực tài chính. Cũng theo lời tướng Pellistrandi, SD bao quát tới mọi khía cạnh của chiến sự: “Sẽ cùng nhau làm việc cả lực lượng không quân lẫn lính thủy đánh bộ và các tiểu đoàn bộ binh. Việc tiến hành các hoạt động như vậy sẽ luôn dẫn tới kết quả là chúng ta cuối cùng cũng huy động được tất cả tiềm năng của NATO”. Bên cạnh những nội dung quân sự thì trong cuộc tập trận này còn khởi động lại vấn đề phối hợp hành động, khôi phục lại một số kỹ năng cần thiết của lực lượng NATO, đã bị ít nhiều quên lãng trong những năm tháng “hậu Chiến tranh lạnh” vừa qua. 

Các chuyên gia cho rằng, dù lãnh đạo NATO có nói gì đi nữa, những nội dung của SD cho thấy nó rất giống như sự khởi đầu một thế chiến mới. Và đó là thông điệp mà NATO muốn gửi tới nước Nga, một sự nắn gân đối với Moscow.

Hiện nay, trong quá trình diễn ra SD, nhiều nhà lãnh đạo NATO liên tiếp đưa ra những lời tuyên bố về việc liên minh này không hề có ý định trực tiếp xung đột với Moscow. Tuy nhiên, trên các phương tiện truyền thông đang xuất hiện ngày một nhiều tin, bài về việc các nước NATO đang chuẩn bị những kịch bản cho một triển vọng như thế. Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong cuộc trả lời phỏng vấn đài ZDF, Berlin đang bắt buộc phải gia tăng tiềm lực quân sự để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Moscow. Ông Pistorius cho rằng, không rõ bao giờ thì bắt đầu bùng nổ cái gọi là cuộc xâm lược của Nga hoặc liệu một cuộc xâm lược như thế nhìn chung có thể xảy ra hay không, nhưng vẫn cần phải phòng ngừa khả năng đó. Ông Pistorius nhấn mạnh: “Khi tôi cần phải để ý tới một việc gì đó thì tôi cần đề phòng mối nguy hiểm, trong trường hợp này là cần phải gia tăng tiềm năng quân sự. Và đấy chính là việc mà tôi đang làm cùng với các đồng minh của mình trong NATO. Đó là một việc làm cần thiết”. Ông Pistorius cũng bình luận về việc Berlin mới đây đã đưa sang đồn trú trên lãnh thổ Litva một lữ đoàn xe tăng Đức với quân số lên tới 5.000 người. Tới năm 2027 thì đơn vị này có thể đủ khả năng tác chiến. Ông Pistorius cho rằng, đó là việc làm đúng để bảo vệ sườn đông của NATO. Cũng theo ông Pistorius, trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm tới, Berlin cần tích cực gia tăng việc phát triển tiềm năng quân sự để có thể đáp ứng các yêu cầu của một cuộc chiến tranh mới. Với ai thì không cần nói cũng đã rõ.

Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer, người Hà Lan, cũng cho rằng cần phải chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Nga. Ông Bauer thậm chí còn khẳng định rằng, có thể trong 20 năm tới sẽ bùng nổ cuộc chiến NATO với Nga. Và vì thế, ngay từ bây giờ cần phải càng nhanh càng tốt gia tăng sản xuất thêm vũ khí và trang thiết bị quân sự, cũng như khôi phục lại chế độ quân dịch tại các nước NATO.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, Moscow luôn khẳng định là nước Nga không có dự định gây hấn với NATO. Trong khi đó, NATO liên tục không ngừng gia tăng sự có mặt về quân sự ngày một sát hơn biên giới với Nga. Trong tình thế đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng, nếu NATO muốn có xung đột trực tiếp với Moscow thì nước Nga lúc nào cũng sẵn sàng nghênh chiến. Mới đây nhất, hạ tuần tháng 1, Tổng thống Putin đã bay tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ nằm giữa Litva và Ba Lan, trong khuôn khổ của chương trình mà Điện Kremlin coi là “chuyện thường ngày ở huyện”. Tuy nhiên, việc xuất hiện của nguyên thủ quốc gia Nga tại một nơi có tính địa chính trị nhạy cảm như Kaliningrad ở thời điểm hiện nay khiến NATO cảm thấy không an tâm. Một khi NATO muốn nắn gân Nga thì Moscow cũng không ngần ngại gì mà không nắn gân lại đối thủ vừa chiến thuật vừa chiến lược của mình.

HỒNG THANH QUANG