Thời dịch Covid-19 hoành hành khiến cả thế giới đóng cửa đã qua, nhưng giờ đây, căng thẳng địa chính trị và bất ổn lại nổi lên mạnh mẽ, tạo ra những rủi ro với triển vọng kinh tế toàn cầu. Nếu như xung đột Nga-Ukraine khiến thị trường năng lượng và lương thực thế giới chao đảo thì đụng độ đẫm máu giữa Israel và Hamas cũng gây tác động không nhỏ, không chỉ với Trung Đông mà còn trên quy mô toàn cầu. Do khu vực này là một trong những tuyến vận chuyển đường biển đông đúc nhất thế giới nên bất kỳ cuộc tấn công nào vào eo biển Hormuz hay kênh đào Suez cũng sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng thương mại toàn cầu, trong đó có gần một nửa lượng vận chuyển dầu thô thế giới. Một cú sốc về dầu mỏ sẽ xảy ra làm tình hình trở nên trầm trọng thêm.

leftcenterrightdel
Cảnh sát Israel sơ tán người dân khỏi khu vực bị tên lửa tấn công ở Ashkelon (Israel) trong bối cảnh xung đột bùng phát giữa Israel và Hamas. Ảnh: AP  

 

Dù các nước đều nỗ lực tăng khả năng thích ứng cùng điều chỉnh chính sách nhưng triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 vẫn khá ảm đạm. Các tổ chức quốc tế tỏ ra thận trọng trong mọi dự báo, bởi không dễ đoán định trong bối cảnh các yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen lẫn nhau. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng toàn cầu sẽ vẫn ở mức khiêm tốn do tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thương mại yếu và niềm tin kinh doanh còn thấp. OECD cho rằng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) toàn cầu sẽ giảm nhẹ xuống 2,7% vào năm 2024, so mới mức 2,9% của năm 2023.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 chỉ ở mức 2,9%, thấp hơn nhiều so với con số trung bình 3,8% trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2019. Còn theo dự báo mới nhất của Fitch Ratings, do tác động của việc thắt chặt tiền tệ, sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc và sự trì trệ của nền kinh tế khu vực đồng euro, tăng trưởng GDP của thế giới năm 2024 sẽ chỉ ở mức 2,1%.

Hiếm hoi mới có dự báo có phần bớt bi quan như của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Theo Goldman Sachs, giai đoạn kinh tế thế giới phải hứng chịu những tác động tồi tệ nhất của các chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt đã qua. Nhờ đó, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm 2024, vượt trên mức dự báo 2,1% trước đó của các nhà phân tích tham gia khảo sát của Bloomberg. Xu hướng lạc quan nhất trong hoạt động kinh tế toàn cầu hiện nay là ở các nền kinh tế mới nổi. Theo OECD, Ấn Độ đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các lĩnh vực dịch vụ, xuất khẩu, đầu tư công, điều này sẽ tạo thêm những lực đẩy cho nền kinh tế. Trong khi đó, Indonesia, Brazil và Mexico vẫn duy trì được động lực tăng trưởng. Còn theo IMF, Brazil có thể là ví dụ điển hình cho những chuyển biến tích cực, khi doanh số bán lẻ được dự báo sẽ tăng mạnh sau khi các nhà hoạch định chính sách cam kết duy trì tốc độ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động, kinh tế Việt Nam vẫn có những chuyển biến tích cực, được thế giới ghi nhận. Nổi lên là tăng trưởng trong năm 2023 theo hướng quý sau cao hơn quý trước. Trên nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát hạ nhiệt, cầu tiêu dùng tăng, giải ngân vốn đầu tư công có những chuyển biến, tăng trưởng GDP quý IV ước tính đạt 7,72%, cao hơn mức tăng trưởng quý III là 5,23%, quý II là 4,05% và quý I là 3,28%. Trên cơ sở đó, tại Kỳ họp thứ sáu, tháng 11-2023, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6% đến 6,5%. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024 với Việt Nam. Theo đó, kịch bản cơ sở (dễ xảy ra) là GDP tăng 6%, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%.

Ước tính này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế. Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 13-12, tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam sẽ ở mức 6%. Trước đó, theo dự báo được IMF công bố vào tháng 10-2023, tăng trưởng bình quân kinh tế toàn cầu năm 2024 sẽ đạt khoảng 2,9%, trong đó con số của Việt Nam là khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024.

Giải thích cho đánh giá của mình, ADB cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, lạm phát ở mức vừa phải, thương mại cũng như các lĩnh vực khác tăng trưởng lành mạnh. Còn Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab thì đánh giá, Việt Nam là điểm sáng của tăng trưởng kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19 nhờ cách tiếp cận toàn diện về quản trị kinh tế vĩ mô, giúp đưa nền kinh tế vượt qua các thách thức của bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay.

Kinh tế thế giới vẫn trong “cơn gió ngược” nhưng những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện, tạo cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam nắm bắt để thúc đẩy tăng trưởng.

TƯỜNG LINH