Sự khởi đầu của một đế chế

Có thể hình dung ra quy mô của Cargill-đế chế sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm của gia tộc Cargill-MacMillan như thế này: Gần như các thực phẩm tiêu thụ hằng ngày của người Mỹ đều sử dụng nguyên liệu của Cargill. Thế nhưng, Cargill có sự khởi đầu rất khiêm tốn.

Người đặt nền móng cho đế chế Cargill là William Wallace Cargill. Sinh năm 1844 tại New York (Mỹ), William là con trai của một thủy thủ người Scotland nhập cư. Năm 1856, gia đình William chuyển đến sống tại một trang trại ở Wisconsin. Năm 1865, khi mới 21 tuổi, William mua một kho ngũ cốc nhỏ tại một thị trấn thuộc bang Iowa. Ông mở dịch vụ lưu trữ, cho phép nông dân địa phương gửi ngũ cốc tại kho của mình với chi phí hợp lý để chờ tới khi được giá. Trong trường hợp thị trường nông sản không thuận lợi, những người nông dân có thể bán trực tiếp ngũ cốc cho William.

leftcenterrightdel
 William Wallace Cargill-người khởi đầu đế chế nông nghiệp Cargill.

 

Dịch vụ lưu trữ của William làm ăn rất phát đạt vì chiếm được lợi thế về hệ thống phân phối. Thị trấn nơi William khởi nghiệp nằm ở cuối tuyến đường sắt phía Tây. Nông dân thường tập trung nông sản tại đây, rồi phân phối đi khắp nơi thông qua hệ thống đường sắt. Vì thế, kho của William luôn đầy ắp ngũ cốc và hoạt động kinh doanh tăng trưởng theo cấp số nhân.

Quy mô kho hằng ngày càng mở rộng, càng cần thêm người quản lý. Vì thế, hai người anh em của William đã tham gia kinh doanh cùng ông. Sau 3 năm hoạt động, 3 anh em nhà Cargill quyết định chuyển doanh nghiệp đến Minnesota để mở rộng kinh doanh. Trong hai năm tiếp theo, họ mua lại các kho ngũ cốc dọc theo tuyến đường sắt Nam Minnesota và phát triển chúng thành một mạng lưới nhà kho dọc theo các tuyến đường sắt miền Tây nước Mỹ. Gia tộc này đã thiết lập một hệ thống kinh doanh khổng lồ, mở rộng rất nhanh với chi phí thấp. Sau hơn 20 năm hoạt động, anh em nhà Cargill đã nắm trong tay hơn 100 kho ngũ cốc trên khắp vùng Minnesota và Dakota. Họ trở thành những nhà buôn ngũ cốc hàng đầu trong khu vực. Nửa cuối thế kỷ 19, kho thóc của Cargill đã có mặt trên khắp nước Mỹ. Tiếp đó, Cargill tiếp tục tham gia vào ngành dầu mỏ, sắt thép, đồng thời tự phát triển thương hiệu vận chuyển riêng.

Năm 1895 đánh dấu thời điểm chuyển giao hoạt động kinh doanh của gia tộc Cargill sang thế hệ thứ hai. Edna Cargill, con gái lớn của William, kết hôn với John MacMillan. Kể từ đó, William dần giao lại việc kinh doanh cho con rể. Năm 1909, William Wallace Cargill qua đời. John MacMillan chính thức nắm quyền điều hành công ty. Cũng từ đây, hai gia tộc Cargill và MacMillan coi như hợp thành một, thành Cargill-MacMillan, nắm quyền điều hành doanh nghiệp Cargill trải qua 6 thế hệ, đến ngày nay.

Sau 5 năm nắm quyền điều hành Cargill, John MacMillan phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, Chiến tranh thế giới thứ nhất đã trở thành cái phao cứu sinh cho Cargill. Chiến tranh bùng nổ khiến giá ngũ cốc tăng vọt. Nhờ thế, Công ty Cargill đã may mắn vượt qua cơn bĩ cực. Trên đà trỗi dậy, John MacMillan đã thành lập một loạt văn phòng trên khắp thế giới, mở rộng quy mô thương mại của Cargill ra toàn cầu.

Thế hệ thứ ba của Cargill-MacMillan được trao quyền vào năm 1936. John MacMillan Jr, con trai của John MacMillan, được cha truyền lại quyền lực. Đây cũng là năm đầu tiên Cargill vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD.

Năm 1960, John MacMillan Jr qua đời. Thế hệ thứ tư của gia tộc Cargill-MacMillan lần đầu tiên quyết định nhường quyền điều hành công ty cho một người ngoài. Đó là ông Erwin Kelm. Vị CEO mới này đã phát triển mạng lưới tình báo thị trường để điều tiết các nghiệp vụ thương mại, gia công, vận chuyển hàng và vận chuyển đường thủy.

Dưới thời Erwin Kelm, Cargill phát triển mạnh mẽ và vẫn luôn thuộc quyền sở hữu của gia tộc Cargill-MacMillan. Tuy nhiên, gia tộc này vẫn mong muốn các thành viên gia đình có thể cùng tham gia quản lý công ty. Vì vậy, năm 1976, Whitney MacMillan tiếp quản công ty, đưa quyền lực trở về với gia tộc và đánh dấu thế hệ thứ năm lãnh đạo Cargill. Whitney đã giúp Cargill tăng gấp đôi quy mô, trở thành doanh nghiệp kinh doanh ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Sau khi Whitney MacMillan nghỉ hưu, không có thành viên nào trong gia tộc này nắm quyền điều hành công ty. Tuy nhiên, gần 90% tài sản của Cargill vẫn nằm trong tay 23 thành viên trong gia đình. Vì thế, dù vị trí giám đốc điều hành biến động ra sao thì việc đưa ra quyết định quan trọng cho công ty vẫn thuộc về người của gia tộc Cargill-MacMillan.

Những nông dân tỷ phú

Tính đến hiện tại, gia tộc Cargill-MacMillan đã trải qua 7 thế hệ nắm trong tay Công ty Cargill. Với 14 tỷ phú (năm 2019), Cargill-MacMillan là gia tộc có số tỷ phú nhiều nhất thế giới và đứng thứ 8 trong số các gia tộc giàu nhất hành tinh. Thế nhưng, tất cả thành viên thuộc gia tộc Cargill-MacMillan đều sống rất chừng mực và kín tiếng, nói không với bê bối và rất ít khi xuất hiện trên truyền thông. Họ vẫn luôn là những nông dân cần mẫn tại các điền trang ở Minnesota, Montana và Wisconsin. Năm 2011, trong lần hiếm hoi ghi hình một lò mổ của Cargill, "nữ hoàng" truyền thông Oprah Winfrey đã nói về họ: "Gia đình Cargill có cuộc sống cực kỳ lặng lẽ và không khoa trương. Phần lớn cuộc sống của họ gắn với sản xuất nông nghiệp tại các trang trại rộng lớn ở vùng Montana”.

leftcenterrightdel
 

Cargill-một trong những công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ.Ảnh: confectionerynews

 

 

Còn một sự kín đáo đến lạ lùng đối với gia tộc Cargill-MacMillan là họ không niêm yết Công ty Cargill trên sàn giao dịch chứng khoán. Theo các thành viên trong gia tộc, họ không muốn chia sẻ công ty với người ngoài. Mặt khác, công ty thuộc quyền sở hữu của gia tộc cho phép họ có tầm nhìn dài hạn hơn và họ không phải bận tâm về giá trị cổ phiếu-tài sản của mình, mà chỉ tập trung và kiên trì cho mục tiêu lớn của công ty.

Hầu hết thành viên của gia tộc Cargill-MacMillan đều đi theo con đường kinh doanh mà cha ông truyền lại. Một trong những bí quyết để Công ty Cargill phát triển mạnh mẽ là nguyên tắc luôn dùng 80% lợi nhuận từ việc kinh doanh của công ty để tái đầu tư. Cùng đó, Cargill còn có một yếu tố vô cùng quan trọng: Hệ thống quản lý rủi ro siêu bảo mật. Họ cũng sở hữu nhiều công cụ quản lý rủi ro mới lạ, chẳng hạn như phương án giải quyết rủi ro về khí hậu. Nhờ những công cụ này, dù có gặp thiên tai, bão tố thì Cargill vẫn có thể bảo đảm khoản thu nhập và lợi nhuận kếch xù.

Tháng 8-2022, Cargill đã báo cáo khoản lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử, với gần 5 tỷ USD trong năm tài chính 2021 trên doanh thu 134,4 tỷ USD.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine và hạn hán khiến các thị trường hàng hóa, thực phẩm toàn cầu bị gián đoạn chuỗi cung ứng, sản lượng thấp, khiến chỉ số giá lương thực thế giới ở mức cao kỷ lục. Nhờ giá lương thực leo thang, tài sản của các thành viên trong gia tộc Cargill-MacMillan tăng mạnh. Theo ghi nhận của Bloomberg, ngoài hai thành viên vào tốp 500 người giàu nhất thế giới là Pauline Keinath-cháu gái của người sáng lập William Wallace Cargill và Gwendolyn Sontheim Meyer, với tài sản trị giá 7,8 tỷ USD mỗi người, giờ đây đã có thêm 3 thành viên nữa của gia tộc gồm: James Cargill, Austen Cargill và Marianne Liebmann cũng bước vào tốp 500 người giàu nhất thế giới.

DƯƠNG NGỌC MỸ