Các tài liệu được giải mã nằm trong số tài liệu mật và tuyệt mật về bom A do Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia thu thập được trong nhiều năm. Quyết định giải mật tài liệu về bom nguyên tử được Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia công bố vào ngày 7-8 vừa qua, đúng dịp kỷ niệm 78 năm vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki và sau khi công chiếu “Oppenheimer”. Đây là bộ phim bom tấn nói về nhà vật lý J. Robert Oppenheimer, Giám đốc phòng thí nghiệm ở Los Alamos, bang New Mexico, Mỹ-người được gọi là “cha đẻ bom nguyên tử”. Bộ phim ra mắt công chúng vào ngày 19-7 ngay lập tức tạo "cơn chấn động" ở các phòng vé.

Theo trang mạng của Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia (nsarchive.gwu.edu), các tài liệu giải mật tiết lộ rằng, Tướng Leslie Groves đã đánh lừa Quốc hội và công chúng về ảnh hưởng bức xạ của bom A. Ban đầu vì thiếu hiểu biết, sau đó là từ chối và cuối cùng là cố tình gây hiểu nhầm. Các tài liệu này cũng cho thấy một số nhà khoa học tham gia dự án, trong đó có nhà vật lý J. Robert Oppenheimer, đã che đậy lời nói dối của Leslie Groves thay vì thách thức hoặc đối đầu trực tiếp với ông ta.

Tuyên bố vội vàng

Một trong những tài liệu giải mật được đăng tải trên trang web của Cơ quan Lưu trữ an ninh quốc gia là bản ghi nhớ được viết bởi 4 nhà khoa học, có tựa đề “Tính toán tác động sinh học của vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki”, đề ngày 1-9-1945 (hai quả bom được thả vào ngày 6 và 9-8 cùng năm). Cho đến khi bản ghi nhớ này được viết, người ta vẫn tin rằng các nạn nhân của quả bom A đã thiệt mạng do sức nổ và sức nóng của nó. Nhưng tài liệu này kết luận rằng, ít nhất một số trường hợp tử vong là do bụi phóng xạ, vài ngày hoặc vài tuần sau vụ ném bom.

Vậy mà 3 ngày trước khi bản ghi nhớ được công bố (ngày 29-8-1945), tại cuộc họp báo ở Oak Ridge (một trong những địa điểm ra quyết định của dự án Manhattan ở bang Tennessee), Tướng Leslie Groves nói rằng, bức xạ không giết chết ai. Những tuyên bố trái ngược này sau đó được đăng tải trên một số tờ báo châu Á-được coi là “tuyên truyền”. 

leftcenterrightdel

Tướng Leslie Groves (thứ hai, từ phải qua) trao giải thưởng cho nhà vật lý Robert Oppenheimer (thứ ba, từ phải qua) vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai năm 1945. Ảnh: Bộ Năng lượng Mỹ

Trong một bản ghi nhớ gửi cho Robert Oppenheimer, George Kistiakowsky-nhà khoa học ở Los Alamos phụ trách điều phối báo cáo sinh học-đã viết rằng Tướng Leslie Groves “sướng đến tận cổ” và do đó miễn cưỡng chuyển tài liệu cho ông.

Ngay cả khi đó, người ta đã biết đủ về ô nhiễm phóng xạ để khiến Tướng Leslie Groves ngừng bác bỏ những tuyên bố về nó một cách chắc chắn. Các tài liệu lưu trữ cho thấy, ngay từ tháng 4-1945, 3 tháng trước vụ thử bom nguyên tử đầu tiên ở New Mexico, các chuyên gia y tế của dự án Manhattan đã cảnh báo về khả năng xuất hiện một “đám mây” độc hại có thể phát tán “bụi phóng xạ” trong một khu vực mở rộng “vài giờ sau vụ nổ”.

Một số người đã thúc giục Leslie Groves sơ tán người dân khỏi khu vực xung quanh địa điểm thử nghiệm nhưng ông ta phản đối để tránh thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Nhiều năm sau, một nhà khoa học nhớ lại rằng Leslie Groves đã “coi thường” lời cảnh báo này và trả lời: “Vấn đề của bạn là gì, bạn đang tuyên truyền cho Hearst?” Vào thời điểm đó, Hearst là tập đoàn báo chí lá cải hàng đầu ở Mỹ.

Đánh giá thấp và thiếu hiểu biết về các tác động

Vào ngày 21-7-1945, tức 5 ngày sau vụ thử bom nguyên tử đầu tiên (được đặt tên là Trinity), Giám đốc Y tế của dự án Manhattan, ông Stafford L.Warren, đã viết thư gửi Leslie Groves, trong đó cảnh báo “các hạt bụi đã phân tán trong đám mây có khả năng gây nguy cơ rất nghiêm trọng trên một dải rộng gần 45km và kéo dài gần 150km về phía Đông Bắc của địa điểm thử nghiệm”. Ông Warren cho biết thêm, vẫn còn “một lượng bụi phóng xạ khổng lồ lơ lửng trong không khí”. Tuy nhiên, Leslie Groves đã bỏ qua những phát hiện của Stafford L.Warren. 

Ngày 30-7-1945, trong một bản ghi nhớ về tác động có thể xảy ra của một quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản, Tướng Leslie Groves đã viết cho Tướng George Marshall, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ: “Không có tác động xấu nào do chất phóng xạ trên mặt đất”. Câu văn viết lạc đề: Lúc bấy giờ ít ai nghĩ rằng sẽ có rất nhiều bụi phóng xạ đọng lại “trên mặt đất”, nhưng ai cũng biết bụi phóng xạ có thể rơi xuống khi trời mưa, phân tán trong không khí và có khả năng bị con người hít thở hoặc hấp thụ.

Điều này rất rõ ràng, bởi trong nhật ký đề ngày 25-8-1945, Tướng Leslie Groves đã nhận thức được rủi ro này. Ông hỏi liệu có an toàn không khi mời báo chí đến thăm địa điểm thử hạt nhân. Một trong những nhà khoa học trả lời rằng “sẽ không an toàn” nếu các nhà báo đứng cách nơi quả bom phát nổ 30m. Sau đó, ngày 11-9-1945, các nhà báo đến, vào địa điểm thử hạt nhân và đã đi “giày trắng” để bảo vệ mình khỏi bức xạ có thể xảy ra.

Có thể là ngay cả ở thời điểm trên, Leslie Groves vẫn chưa tin điều tồi tệ nhất về bức xạ. Cùng ngày hôm đó, ông ta viết nhật ký đề cập đến cuộc nói chuyện điện thoại với một sĩ quan khác về các chương trình phát thanh của Nhật Bản báo cáo các trường hợp mắc bệnh phóng xạ. Leslie Groves tuyên bố rằng đây chỉ là “tuyên truyền” và các căn bệnh có nhiều khả năng là do “bỏng nhiệt”. Tuy nhiên, ông ta sau đó đã cử một nhóm thanh tra đến hai thành phố của Nhật Bản bị đánh bom để xác định tác động của phóng xạ. Leslie Groves viết thư cho Tướng George Marshall rằng thương vong do phóng xạ là “không thể xảy ra” nhưng “sự thật” phải được xác lập.

Thực tế, trước khi ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, các nhà khoa học Mỹ tin rằng vụ nổ và sức nóng sẽ là những tác động chính. Bất kỳ ai nhiễm chất phóng xạ có thể chết vì sức nổ hoặc vì sức nóng. Tuy nhiên, như đã được phát hiện sau đó, “tác dụng phụ” của bom A-đặc biệt là bức xạ, khói, lửa còn lớn hơn nhiều. Báo cáo của nhà khoa học George Kistiakowsky nhận thấy sự xuất hiện của “những người sống sót bất thường” bên trong bán kính của vụ nổ, nhưng sau đó chết vì các bệnh liên quan tới nhiễm phóng xạ. 

Dối trá khi điều trần tại một ủy ban của Thượng viện

Ngày 27-11-1945, nhiều tháng sau khi viết bản ghi nhớ về tác động sinh học của vụ nổ nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, nhà khoa học Stafford L.Warren đã viết một bản báo cáo mới gửi Tướng Leslie Groves với những bằng chứng thuyết phục hơn. Ông Warren viết: “Trong số 4.000 bệnh nhân nhập viện ở Hiroshima và Nagasaki, có 1.300 người (tương đương 33%) bị ảnh hưởng bởi bức xạ và trong số này, khoảng một nửa đã chết”.

3 ngày sau, trong vai trò là nhân chứng xuất hiện tại Ủy ban đặc biệt của Thượng viện về năng lượng nguyên tử, khi được hỏi “liệu có dư lượng nguyên tử ở hai thành phố của Nhật Bản bị đánh bom hay không?”, Tướng Leslie Groves dõng dạc trả lời: “Không có”. Leslie Groves tiếp tục khẳng định không ai ở cả hai thành phố của Nhật Bản bị thương do phóng xạ, “ngoại trừ khi quả bom phát nổ”. Thậm chí, Leslie Groves còn khẳng định, những nạn nhân bị chiếu xạ không chết ngay mà sau một thời gian nhất định sẽ chết “không quá đau đớn”. “Trên thực tế, đó có vẻ là một cái chết rất dễ chịu”, Leslie Groves cho hay.

Leslie Groves cũng bác bỏ, hạ thấp và sau đó phủ nhận các báo cáo về việc xử lý bệnh phóng xạ, bởi giống như nhiều người vào thời điểm đó, ông ta tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ là trung tâm của chính sách quốc phòng của Mỹ, rằng công chúng xứ cờ hoa sẽ quay lưng lại với vũ khí hạt nhân nếu như vũ khí hạt nhân bị đánh đồng với một loại vũ khí khác như khí độc. 

Trong lúc này, nhà vật lý Robert Oppenheimer vừa rời Los Alamos, nhưng ông vẫn phục vụ trong một số ban cố vấn của chính phủ. Giống như nhiều nhà khoa học khác, Oppenheimer đã đánh giá thấp tác động của bức xạ, nhưng ông nhận thức được các nghiên cứu thanh tra và những nhận xét sai lầm của Leslie Groves. Được ca ngợi là “cha đẻ của bom nguyên tử” nhưng Oppenheimer cảm thấy bàn tay mình vấy máu-như lời mà ông đã thú nhận với Tổng thống Harry Truman. Đáng tiếc Oppenheimer không có phản ứng nào trước những lời nói dối của Leslie Groves.

Tuy nhiên, những người khác không câm lặng. Ngày 6-12-1945, ông Philip Morrison-một nhà khoa học của dự án Manhattan trong nhóm giám sát thiệt hại bom nguyên tử ở Nhật Bản đã ra làm chứng trước Thượng viện. Ông Philip Morrison đã đưa ra những bằng chứng liên quan đến chất phóng xạ, mâu thuẫn trực tiếp với những lời bảo đảm đầy thiếu sót của Tướng Leslie Groves.

Philip Morrison sau đó trở thành Giáo sư vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là một nhà hoạt động trong cộng đồng các nhà khoa học ủng hộ việc kiểm soát và giải trừ vũ khí hạt nhân. Có lẽ, một ngày nào đó, câu chuyện của Philip Morrison sẽ là chủ đề của bộ phim chuyển thể giống như bộ phim bom tấn “Oppenheimer” đang làm mưa làm gió trong các phòng vé trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Phim “Oppenheimer” cũng là một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google Việt Nam ngày 12-8 vừa qua.

VŨ TUẤN