“Quá lớn để sụp đổ”

Nước Mỹ đang đứng trước bờ vực khủng hoảng, với hàng loạt ngân hàng lâm vào cảnh vỡ nợ. Trong số đó, công cuộc giải cứu Ngân hàng First Republic đã thu hút dư luận trong suốt những tháng đầu năm 2023. 

JPM đã dang tay “đón” First Republic, mua gần như toàn bộ các mảng hoạt động của ngân hàng này ở mức giá cạnh tranh nhất. JPM cũng chấp nhận mua cả những khoản thế chấp mà các ngân hàng khác không muốn mua. Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) ưu tiên cho JPM thâu tóm First Republic. Dù rằng, theo quy định, với việc JPM nắm khoảng hơn 10% tổng tiền gửi tại Mỹ, ngân hàng này bị cấm thâu tóm các ngân hàng khác, trừ trường hợp mua lại ngân hàng yếu kém. JPM đã lách vào “khe cửa hẹp” của quy định để thành công trong việc gia tăng quy mô của mình.

leftcenterrightdel
 CEO Jamie Dimon sẽ tranh cử Tổng thống Mỹ? Ảnh: NYP

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, các ngân hàng lớn của Mỹ, trong đó có JPM, ngày càng lớn mạnh thông qua hoạt động thâu tóm các ngân hàng tầm trung và nhỏ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ đó đã tạo ra lo lắng về khả năng các ngân hàng lớn trở nên quá quyền lực. Chính quyền Tổng thống Joe Biden và một số quan chức đã thể hiện quan điểm băn khoăn về các vụ sáp nhập ngân hàng. Nhiều chính trị gia và nhà quản lý đã lo ngại về khả năng việc các ngân hàng không ngừng tăng trưởng về quy mô cũng như hợp tác với nhau sẽ tạo ra ngân hàng có quy mô đến mức “quá lớn để sụp đổ”, tiềm ẩn rủi ro với ổn định tài chính.

Thực tế, JPM là một điển hình “quá lớn để sụp đổ”. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và cả thế giới đang rơi vào vòng xoáy của lạm phát và suy thoái, quý I năm 2023, ngân hàng này đã công bố lợi nhuận lên tới 12,6 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Tiền gửi của ngân hàng đã tăng vọt lên 2,38 nghìn tỷ USD trong quý đầu tiên năm nay, từ 2,34 nghìn tỷ USD được công bố trong quý IV năm 2022. 

Các nhà phân tích cho rằng, được hưởng lợi từ dòng tiền gửi khi khách hàng tìm "nơi ẩn náu" an toàn tại các ngân hàng lớn hơn sau khi hai công ty cho vay trong khu vực-Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature- bị sụp đổ chỉ cách nhau vài ngày vào đầu tháng 3-2023 sau khi tiền gửi ồ ạt "chảy ra".

Lược sử một đế chế

Trong thế giới tài chính quốc tế, để đề cập đến một trong những doanh nghiệp dịch vụ tài chính lâu đời nhất, người ta luôn nghĩ ngay đến JPM-đế chế tài chính được thành lập từ năm 1799.

Cha đẻ của JPM chính là ông trùm tài chính John Pierpont Morgan. Morgan (1837-1913) sinh ra tại Hartford, tiểu bang Connecticut. Lúc sinh thời, ông là một nhân vật đầy huyền thoại và là một trong những người có ảnh hưởng nhất của thời đại. Morgan từng là người thao túng ngành công nghiệp nước Mỹ. Tập đoàn Thép Hoa Kỳ đã được ông lập nên với số vốn hàng tỷ USD. Ông J. P. Morgan cũng là cha đẻ của dự án xây dựng hệ thống đường ray của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Morgan, các ngân hàng lớn của New York đã đóng vai trò như là ngân hàng trung ương của Mỹ. Điều kỳ diệu lớn nhất mà J. P. Morgan làm được là sự kết hợp lợi ích của các công ty cạnh tranh để tạo ra một hệ thống khổng lồ và ổn định...

leftcenterrightdel
 Trụ sở của JPM tại New York, Mỹ. 

Năm 2000, JPM đã tạo nên một sự kiện nổi bật trong giới kinh doanh thế giới. Đó là việc Tập đoàn Chase Manhattan ký kết hiệp ước sáp nhập với JPM bằng một thỏa thuận trị giá 33 tỷ USD. Hai tập đoàn khổng lồ đã cùng tạo nên một ngân hàng cho các nhà tài phiệt lớn mà tên tuổi của họ làm nên sức mạnh của tầng lớp tư sản Mỹ. Vụ làm ăn đôi bên cùng có lợi này diễn ra khi cả hai tập đoàn muốn tăng sức mạnh để cạnh tranh với các đối thủ của họ. Tiếp đó, giữa năm 2004, JPMvà Bank One, ngân hàng lớn thứ 6 của nước Mỹ, đã hoàn tất việc sáp nhập để trở thành ngân hàng đứng thứ 5 trên thế giới. Riêng ở Mỹ, sau khi sáp nhập với Bank One, JPM mở rộng thị trường đến khu vực trung Tây và phía Nam, gia tăng những hoạt động của mạng lưới chi nhánh tại các thị trường ăn nên làm ra trong việc cung cấp dịch vụ cho vay có thế chấp, phát hành thẻ tín dụng... Hiện nay, JPM có khoảng 94 triệu thẻ tín dụng đang lưu thông. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành các loại Visa và Master Card sử dụng công nghệ blink.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, JPM lại tiếp tục thâu tóm ngân hàng đầu tư Bear Stearns và Washington Mutual-ngân hàng chuyên cho vay thế chấp. Sau vụ sáp nhập ngân hàng First Republic, JPM vốn đã là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, giờ đây còn lớn hơn nữa, với tài sản trị giá 3.700 tỷ USD và 250.000 nhân viên. Lượng phí mà mảng ngân hàng đầu tư của JPM thu được nhiều hơn bất kỳ ngân hàng nào khác trên phố Wall, vượt qua Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America. Chỉ tính riêng vụ thâu tóm ngân hàng First Republic đã mang về cho JPM thêm gần 500 triệu USD thu nhập mỗi năm. Sự đồ sộ của JPM khiến nhiều chuyên gia và một số quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lo ngại. Họ cho rằng, một nhóm nhỏ ngân hàng đang chiếm vị thế thống trị, có ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Mỹ, lấn át các ngân hàng cho vay khác và khiến khách hàng có ít quyền tiếp cận tới các dịch vụ ngân hàng.

CEO sẽ tranh cử tổng thống?

Sự bùng nổ của JPM trong hơn một thập kỷ trở lại đây có công rất lớn của CEO Jamie Dimon-vị giám đốc điều hành đang được coi là một huyền thoại sống của phố Wall. Thậm chí, năm 2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama miêu tả Dimon là “một trong những người làm ngân hàng thông minh nhất mà chúng ta từng có”. Năm 2016, tỷ phú Warren Buffett-nhà đầu tư huyền thoại cũng từng gợi ý Tổng thống Obama cất nhắc ông Dimon làm Bộ trưởng Tài chính. 

Năm 2023, sự bùng nổ của JPM cũng chứng minh tài năng của Jamie Dimon. Vì thế, nhà đầu tư nổi tiếng Bill Ackman cho rằng, CEO của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2024. Lời kêu gọi này được xem là có sự “trùng hợp” với tuyên bố của Jamie Dimon về việc đang xem xét theo đuổi sự nghiệp chính trị. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, Dimon nói: “Tôi yêu nước Mỹ. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ phục vụ đất nước của mình trên một cương vị nào đó”.

Theo Bill Ackman, CEO của JPM là một người có thái độ trung lập về chính trị và luôn ủng hộ giới kinh doanh. Jamie Dimon cũng là người ủng hộ những chương trình an sinh xã hội được thiết kế tốt, các chính sách thuế hợp lý. “Tại JPM, Jamie Dimon không còn thứ gì để chinh phục nữa. Trên cương vị tổng thống, ông ấy cũng có thể làm được nhiều điều hơn nữa cho ngân hàng và nền kinh tế Mỹ so với vị trí CEO của JPM như hiện tại”, Bill Ackman viết trên trang Twitter cá nhân. Mặt khác, CEO của JPM còn có một lợi thế, đó là khả năng huy động được hàng tỷ USD từ người ủng hộ ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Vì thế, Ackman đánh giá, Dimon có thể vượt qua đương kim Tổng thống Joe Biden hay cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử. 

TRẦN LONG