Bức tranh mô tả một cậu bé và một cô bé đang chăm chú phác thảo những hình ảnh về thế giới xung quanh, về những ngọn núi, cây cối, những vì sao và mặt trăng... Tác phẩm rộng khoảng 3.000m2, có thể quan sát được từ đỉnh núi và đồng cỏ gần đó. Theo chia sẻ của nghệ sĩ Saype, bức tranh khổng lồ này kêu gọi mọi người hãy chấp nhận những quan điểm khác nhau. “Trẻ em có những cách suy nghĩ khác nhau, do đó các em vẽ nên những thứ khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả khi không đồng nhất trong cách thể hiện, nhưng những thế giới mà các em đang vẽ vẫn sẽ bổ sung cho nhau”, nghệ sĩ Saype giải thích.

leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ Saype với tác phẩm nghệ thuật ArtiChoke tại Estavayer-le-Lac ở Thụy Sĩ. Ảnh: artichokefestival.ch

Trước đó, nghệ sĩ Saype đã trình làng bức họa hai bà cháu-một công trình rộng 2.500m2 nằm dưới chân núi Mont-Blanc ở độ cao 2.300m. Ý tưởng là xây dựng những cây cầu nối giữa các thế hệ. Tầm quan trọng của việc tạo ra những cây cầu nối giữa người lớn và người trẻ. Theo Saype, ở một khía cạnh nào đó, điều đơn giản là chiêm nghiệm thiên nhiên.

Chiêm nghiệm thiên nhiên giữa bà và cháu gái thực chất là sự chứng kiến trao truyền giữa hai thế hệ trong một môi trường không thay đổi. “Tôi nghĩ rằng các thế hệ trước đây nhìn ngọn núi theo cách hoàn toàn khác với chúng ta và các thế hệ tương lai. Tôi nghĩ chúng ta nên nhìn về phía trước với sự tích cực hơn”, Saype nói.

Nhìn về tương lai trong khi tôn trọng thiên nhiên là điều mà Saype muốn hướng tới. Nghệ sĩ đã thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường trong khi thực hiện bức bích họa bà và cháu. Không một ngọn cỏ ở Mont-Blanc nào được chạm vào. “Điểm đặc biệt của công việc này là tôi không chạm vào bất cứ thứ gì. Tôi không cắt một ngọn cỏ, không di chuyển một viên sỏi. Tôi cố gắng mọi cách để bản thân di chuyển ít nhất có thể, ngay cả khi tôi gặp khó khăn do sự thay đổi thất thường của thời tiết”, nam nghệ sĩ nói.

Saype là nghệ danh của nghệ sĩ Guillaume Legros. Anh sinh ngày 17-2-1989 tại Belfort, Pháp. Anh đã tạo ra thương hiệu nghệ thuật của riêng mình, đó là những bức tranh khổng lồ trên những bãi cỏ, bờ biển ở khắp nơi trên thế giới. Để hoàn thành các tác phẩm này, Saype đã sử dụng một loại sơn đặc biệt làm từ phấn và than, hoàn toàn không gây hại đến môi trường. Những bức tranh này có thể tồn tại trong nhiều ngày trước khi phân hủy, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Các bức tranh của nghệ sĩ thường sử dụng hình ảnh trẻ em và những vòng tay lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết và tình yêu thương hiện hữu ở mọi nơi trên thế giới.

Tác phẩm của Saype được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là loạt tranh “Beyond Walls” (tạm dịch: Vượt tường), trong đó anh phun sơn tạo trên mặt đất hình ảnh những bàn tay khổng lồ đan vào nhau, nhằm thể hiện thông điệp đoàn kết trên toàn thế giới. Series tranh này được thực hiện ở nhiều thành phố, trong đó bao gồm cả Berlin (Đức), Paris (Pháp), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Cape Town (Nam Phi). Các tác phẩm của Saype vẽ đều chứa đựng những yếu tố về văn hóa và lịch sử của từng vùng đất. Các cặp bàn tay đan vào nhau và di chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác, tạo thành một chuỗi khổng lồ được vẽ trên mặt đất tượng trưng cho sự đoàn kết, tương trợ và nỗ lực chung vượt qua các rào cản.

Với những nỗ lực trong nghệ thuật, năm 2019, tạp chí Forbes đã đưa Saype vào danh sách “30 nhân vật xuất sắc dưới 30 tuổi” trong lĩnh vực nghệ thuật và văn hóa ở châu Âu.

HOÀNG ĐAN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.