Kỷ lục nắng nóng

Mùa hè năm 2023, tại Đông Nam Á, nhiệt độ đã đạt đến mức chưa từng có ở hầu hết quốc gia trong khu vực. Thái Lan chứng kiến lịch sử nóng nhất ở mức 45,4 độ C, ngày 15-4. Vào tháng 5, Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C; Việt Nam chịu mức nhiệt kỷ lục 44,2 độ C. Mức nhiệt này được coi là mối đe dọa tính mạng đối với bất kỳ ai, kể cả những người khỏe mạnh đã quen với nhiệt độ cực ẩm.

Theo thông lệ hằng năm, sau tháng 5, nhiệt độ tại khu vực Đông Nam Á giảm. Tuy nhiên, đợt nắng nóng kéo dài khắc nghiệt kéo sang tận tháng 6. Vào ngày 1-6, Việt Nam ghi nhận mức nhiệt nóng kỷ lục 43,8 độ C. Cũng trong tháng 4 và 5, các trạm khí tượng ở nhiều vùng của Ấn Độ, Bangladesh ghi nhận nhiệt độ lên tới 45 độ C, cao bất thường so với trung bình các năm.

leftcenterrightdel
 Thái Lan vừa phải chịu một đợt nắng nóng kỷ lục. Ảnh: The Guardian

 

 

 

Nguy hiểm hơn, theo WWA, khi bầu khí quyển trở nên ấm hơn, khả năng giữ ẩm của nó trở nên cao hơn và do đó khả năng xảy ra các đợt nóng ẩm cũng tăng lên. Các đợt nóng ẩm được coi nguy hiểm hơn nóng khô. Hiện tại, thế giới đang ghi nhận mức nhiệt ấm hơn khoảng 1,1-1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng trái đất ấm lên là BĐKH. BĐKH đang khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do sự thay đổi khí hậu mà con người gây ra.

Nguyên nhân trực tiếp của đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Á trong những tháng vừa qua, theo Công ty cung cấp thông tin thời tiết AccuWeather (Mỹ), tình trạng thời tiết cực đoan là kết quả của một khối khí nóng và dải áp suất cao kéo dài từ vịnh Bengal đến biển Philippines. Đợt nắng nóng này cũng là hậu quả của hiện tượng BĐKH. Những hoạt động do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trong khu vực kéo dài hơn và với cường độ cao hơn.

Ở góc độ rộng hơn, theo tờ Diplomat, hiện tượng El Nino là một trong những yếu tố khiến thời tiết ngày càng nóng hơn. El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8-12 tháng, thường xuất hiện cứ 3-4 năm/lần. Theo ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, năm trái đất hứng chịu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận cho đến nay là 2016, trùng với hiện tượng El Nino mạnh. Và nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016.

Sóng nhiệt - kẻ giết người thầm lặng

Nắng nóng ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt nguy hiểm hơn bởi độ ẩm cao. Độ ẩm cùng nắng nóng khắc nghiệt khiến cơ thể khó hạ nhiệt, gây ra các triệu chứng như say nắng, kiệt sức, có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt với người mắc bệnh thận, tiểu đường và thai phụ. Trong trường hợp cấp tính có thể dẫn tới sốc nhiệt và tử vong. 

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trong tổng số 2 triệu người tử vong vì các hình thái thời tiết cực đoan (giai đoạn 1970-2019), gần 10% là do nhiệt độ tăng cao. Trong giai đoạn 2000-2019, nhất là thập kỷ 2010-2019, nắng nóng là nguyên nhân gây một nửa trong số 185.000 trường hợp tử vong vì các hình thái thời tiết cực đoan. Còn theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các đợt nắng nóng tại châu lục này là nguyên nhân gây ra 90% số người tử vong liên quan tới khí hậu từ năm 1980 đến 2022.

Mùa hè năm 2022, sóng nhiệt đã hoành hành ở các quốc gia Bắc Phi, Australia, châu Âu, Nam Á, Trung Đông, một phần Trung Quốc và miền Tây Hoa Kỳ khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Sóng nhiệt đã giết hàng nghìn người mỗi năm và con số này sẽ ngày càng nhiều hơn khi BĐKH gia tăng. Kỷ lục về số người thiệt mạng do nắng nóng: Tại châu Âu năm 2003 là hơn 70.000 người; tại Nga, năm 2010 có tới hơn 55.000 người thiệt mạng do nắng nóng. Liên hợp quốc cảnh báo, nếu lượng khí thải tiếp tục tăng với tốc độ tương tự, nắng nóng sẽ khiến Thái Lan chứng kiến thêm 30 ca tử vong trên 1 triệu người vào hai thập kỷ tới và thêm 130 ca tử vong trên 1 triệu người vào cuối thế kỷ này. Đối với Myanmar, con số đó sẽ lần lượt là 30 và 520 người và đối với Campuchia là 40 và 270 người. Thậm chí, các chuyên gia dự đoán, tỷ lệ tử vong do nắng nóng có thể ngang ngửa số ca bệnh nhân tử vong vì ung thư vào cuối thế kỷ này. 

Nắng nóng không những cướp đi sinh mạng của hàng vạn người mà còn tác động nghiêm trọng đến kinh tế. Liên hợp quốc ước tính, các đợt nắng nóng ở 32 nước châu Âu từ năm 1980 đến 2000 đã gây thiệt hại 27-70 tỷ euro. Mức độ thiệt hại trong 20 năm qua, bao gồm cả đợt nắng nóng chết người năm 2003, khiến thêm 30.000 người tử vong, sẽ chắc chắn còn cao hơn nhiều. Trong đó, tại Pháp, các đợt nắng nóng từ năm 2015 đến 2020 đã khiến nước này thiệt hại 22-35 tỷ euro về chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm phúc lợi và nhất là những tổn thất vô hình liên quan tới người tử vong do nắng nóng. Tại Mỹ, một đợt nóng như thiêu như đốt năm 2012 đã làm giảm 12% sản lượng ngô và làm đẩy mạnh giá ngô trên toàn cầu.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Nature, các đợt nắng nóng xảy ra vào năm 2003, 2010 và 2018 tại châu Âu đã gây thiệt hại 0,3-0,5 GDP trên toàn châu lục. Riêng khu vực Nam Âu thiệt hại tới 2% GDP. Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết ở nhiệt độ khoảng 33-34 độ C, một người lao động trung bình mất 50% sức lao động. ILO dự báo, các đợt nắng nóng vào năm 2030 có thể làm giảm hơn 2% số giờ lao động trên toàn cầu, tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian, gây thiệt hại kinh tế 2.400 tỷ USD, cao gấp gần 10 lần so với mức thiệt hại năm 1995.

Tất cả phải hành động

“Nắng nóng sẽ gây thiệt hại về người trên quy mô lớn trong vài thập kỷ tới”. Đó là lời cảnh báo được đưa ra trong một tuyên bố chung giữa Liên hợp quốc, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Cảnh báo còn chỉ ra rằng, trong những thập kỷ tới đây, ảnh hưởng của BĐKH sẽ khiến các đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên hơn. Điều này có thể vượt quá mức giới hạn chịu đựng nhiệt độ và độ ẩm của con người, không thể thích nghi, đặc biệt là khu vực như Sahel (ranh giới châu Phi nằm giữa sa mạc Sahara), Nam Á và Tây Nam Á. Theo nhiều nghiên cứu về khí hậu toàn cầu, khu vực Nam Á được coi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới. Nhưng Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất nhì thế giới hiện cũng là quốc gia phát thải khí nóng đứng thứ ba trên thế giới.

Liên hợp quốc và IFRC nhấn mạnh, điều quan trọng lúc này là nhận thức của mọi người biết rằng, việc chúng ta thích ứng với nhiệt độ khắc nghiệt là có giới hạn và cần hành động bằng mọi cách để giảm thiểu sự gia tăng nhiệt này.

Giải pháp quan trọng nhất để giảm thiểu sự tăng nhiệt, theo các nhà khoa học là phải giảm lượng khí thải carbon dioxide ngay lập tức. Nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người gây ra không được giảm một cách mạnh mẽ, thế giới sẽ phải đối mặt với mức nhiệt độ khắc nghiệt không thể tưởng tượng được. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature Climate Change chỉ rõ, thế giới có thể đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C nếu mọi quốc gia đáp ứng được tất cả cam kết về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, bao gồm cả cam kết trung và dài hạn. Theo nghiên cứu, nếu chính phủ các nước đạt được các cam kết về khí hậu đến năm 2030, 2050 và 2070, sự nóng lên của trái đất có khả năng được hạn chế ở mức 1,7-1,8 độ C.

Chống lại sự nóng lên của trái đất là trách nhiệm của tất cả quốc gia trên thế giới. Vì thế, giảm thải khí carbon dioxide, tiến tới cân bằng-giảm thải bằng 0 là việc làm cần sự chung tay của tất cả chính phủ.