Ra đời năm 1949 với mục tiêu ngăn chặn Liên Xô và các đồng minh Đông Âu, tuy nhiên, với việc hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, NATO đã không còn đối trọng. Điều này đặt liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới trước câu hỏi “đi đâu, về đâu?”, buộc tổ chức này phải tìm cách khẳng định tính hợp pháp của mình. Bên cạnh việc liên tục mở rộng sang phía Đông và chuyển đổi các chức năng chiến lược như tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu như ở Afghanistan, NATO cố gắng định hình các mối đe dọa từ bên ngoài để giải thích cho việc tiếp tục tồn tại của tổ chức này, cũng như tạo động lực mới cho phát triển.

leftcenterrightdel
 

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi (bên trái) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp hồi tháng 4 vừa qua. Ảnh: nato.int 

Liên minh quân sự này đã không mất nhiều thời gian để định hình thách thức. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng những biến động từ cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung nhanh chóng được NATO nhào nặn thành lý do để biện hộ cho vai trò mới của tổ chức này. Tháng 4-2019, tại cuộc họp ngoại trưởng NATO nhân kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh, cựu Phó tổng thống Mỹ Mike Pence manh nha đề cập đến “mối đe dọa Trung Quốc” khi tuyên bố rằng thách thức lớn nhất đối với NATO trong những thập kỷ tới là làm thế nào thích nghi với một Trung Quốc đang trỗi dậy? Tiến thêm một bước, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại London tháng 12-2019 cho rằng, ảnh hưởng ngày càng tăng cùng các thách thức từ chính sách quốc tế của Trung Quốc đòi hỏi NATO phải có phản ứng chung với tư cách là một liên minh. Cuối cùng, Hội nghị thượng đỉnh Madrid tháng 6-2022 công khai khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và mối đe dọa đối với các lợi ích, an ninh và giá trị của NATO. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn coi việc củng cố hệ thống liên minh NATO như một phương tiện quan trọng để xử lý cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Lần đầu tiên kể từ khi bị đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn xâm lược vào thế kỷ 13, châu Âu giờ đây mới lại coi một cường quốc châu Á là mối đe dọa trực tiếp về an ninh. Để lý giải cho cú “xoay tầm nhìn” sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, NATO lập luận rằng những thách thức được tạo ra trong bối cảnh địa chính trị hiện nay ngày càng mang tính toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến những thay đổi do công nghệ mới mang lại. Vì thế, “phải nhìn địa lý theo một cách mới, hướng tới các khu vực ngày càng quan trọng như châu Phi, Sahel và tất nhiên là cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Cho rằng an ninh của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu là không thể tách rời, NATO khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiểu biết chung giữa liên minh này và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những đối tác mà NATO coi là quan trọng ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand trở thành những nhịp cầu để NATO tiến vào châu lục này. Tháng 6-2022, lần đầu tiên trong lịch sử, các nguyên thủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand đã được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid.

Tầm nhìn chiến lược và các vấn đề quan tâm của NATO đã không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương. Một khi văn phòng liên lạc của NATO được mở ở Tokyo, Nhật Bản, đầu cầu châu Á của NATO sẽ chính thức được thiết lập. Sự tương tác giữa NATO và các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ trở nên thường xuyên hơn và được thể chế hóa. So với mục tiêu ban đầu của NATO là làm đối trọng với Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw, bước tiến này của NATO có thể coi là một dấu mốc lịch sử, bởi phạm vi địa lý các mối quan tâm của NATO sẽ mở rộng đến cực Đông của đại lục Á-Âu chứ không còn bó hẹp ở châu Âu. Một mặt trận mới của NATO đang hiện hình, lần này là tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tất nhiên, đây chưa phải là việc mở rộng NATO sang châu Á. Cũng chưa biết NATO sẽ can dự như thế nào vào các thách thức của khu vực, như căng thẳng ở eo biển Đài Loan hay vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Nhưng xu hướng hình thành các liên minh, lôi kéo chia tách theo phe trong khu vực dưới tác động của NATO đã hiện rõ. Trước mắt, một số thành viên NATO đã tìm cách khẳng định vai trò của mình trong khu vực bằng việc gửi tàu chiến và máy bay đến vùng biển phía Tây Thái Bình Dương tham dự các cuộc diễn tập hoặc các hoạt động tự do hàng hải và hàng không. Trong tương lai, nếu các hoạt động này được đẩy lên thành sứ mệnh chính thức của NATO, nguy cơ đụng độ và đối đầu trong khu vực sẽ tăng lên. Hiện Trung Quốc đã lên tiếng phản đối điều mà Bắc Kinh mô tả là “một số yếu tố đòi hỏi sự tham gia của NATO ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hoặc một phiên bản châu Á-Thái Bình Dương của NATO dựa trên các liên minh quân sự”.

Hơn 70 năm trước, ý tưởng về một “NATO châu Á” từng được đề cập khi Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles kêu gọi xây dựng một liên minh quân sự ở Đông Nam Á để đối phó với Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa mới ra đời. Rất may, một khuôn khổ liên minh đa phương ở châu Á theo mô hình NATO không trở thành hiện thực. Đây được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp châu Á-Thái Bình Dương tận hưởng hòa bình kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, thúc đẩy kinh tế toàn cầu chuyển dịch từ Tây sang Đông. Xu thế này cần phải được duy trì, để châu Á tiếp tục là miền đất hứa cho hợp tác và phát triển, chứ không thể bị biến thành đấu trường địa chính trị.

TƯỜNG LINH