Vũ khí bí mật “Sisu”

Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3) hằng năm, Liên hợp quốc đều công bố Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report), trong đó có đưa ra bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Có rất nhiều tiêu chí trong báo cáo nhưng điểm chung lớn nhất của các quốc gia hạnh phúc là cung cấp mạng lưới an toàn cho công dân xung quanh những vấn đề quan trọng như chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội. Báo cáo được thực hiện bằng cách tính toán một số chỉ số như: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, số năm sống khỏe mạnh, tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng, nhận thức về tham nhũng và lạc hậu...

leftcenterrightdel

Người Phần Lan tắm biển kể cả trong mùa đông lạnh giá. Ảnh: kaizen-magazine.com 

Phần Lan đã đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách quốc gia hạnh phúc nhất thế giới kể từ năm 2018. Người dân Phần Lan làm việc chăm chỉ nhưng không đồng nghĩa với việc làm quá nhiều, họ luôn dành thời gian để nghỉ ngơi hợp lý. Điều đó có nghĩa là hầu hết người dân đều cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, 96% người Phần Lan dành thời gian cho thiên nhiên ít nhất hai lần/tuần. Phần Lan có tới 40 công viên quốc gia và việc dành thời gian bên ngoài là một phần quan trọng trong văn hóa nước này. Chỉ số ô nhiễm không khí AQI luôn ở mức màu xanh lá cây-mức độ tốt nhất trên thang điểm. Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng Phần Lan là nước có không khí sạch nhất thế giới. Người Phần Lan vì thế luôn được sống trong bầu không khí sạch, trong lành, mức độ ô nhiễm không khí thấp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm các bệnh về đường hô hấp.

Phần Lan cũng là một trong những quốc gia sở hữu hệ thống giáo dục xuất sắc. Người Phần Lan yêu giáo dục và nghề dạy học ở đất nước này được mọi người đánh giá rất cao. Việc tuyển chọn giáo viên phải trải qua các tiêu chuẩn cao và giáo viên được trả mức lương với những con số hậu hĩnh. Trong khi đó, các em bé từ 8 tháng tuổi đến khi chuẩn bị vào lớp 1 đều nhận được chế độ chăm sóc sức khỏe và giữ trẻ miễn phí. Các môn học ở giai đoạn dưới 7 tuổi không bao gồm đọc viết hay làm toán mà sẽ liên quan đến thiên nhiên, động vật và sự sống để các bé vừa học vừa chơi.

Theo Liên hợp quốc, năm 2022, Phần Lan đạt số điểm đáng kinh ngạc là 7,82/10 trong bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới. Phần Lan cho thấy mức tăng kỷ lục của chính mình mỗi năm (7,63 vào năm 2018 và 7,76 vào năm 2019). Tuy nhiên, ở một đất nước được bao phủ 70% bởi rừng, vũ khí bí mật để người Phần Lan hạnh phúc đó chính là tăng cường Sisu.

Sisu là tên gọi của một loại kẹo ngậm cam thảo mà người Phần Lan thường ngậm dưới lưỡi từ năm 1928. Nhưng trên hết, đó là một thuật ngữ có từ xa xưa ở Phần Lan, được sử dụng trong nhiều tình huống nhằm gợi lên một nguyên tắc hoặc một cách sống. Trong cuốn sách “Người Phần Lan là những người hạnh phúc” do nhà xuất bản Belfond phát hành, tác giả đồng thời là nhà báo Katja Pantzar giải thích: “Bản thân tôi không hiểu được ý nghĩa sâu sắc của từ này trước khi trở về Phần Lan. Tôi đã sống một thời gian dài ở Canada, nơi có mùa đông rất khắc nghiệt. Nhưng, khác với Canada, ở Phần Lan, người ta đạp xe giữa mùa đông, đi bơi kể cả khi trời lạnh và tối! Đó là sự khác biệt, một trải nghiệm văn hóa khác, một lối sống khác, khiến tôi hiểu Sisu nghĩa là gì. Đó là luôn kiên cường, dũng cảm đương đầu với những thử thách trong cuộc sống. Tổng quát hơn, Sisu có nghĩa là biến khó khăn thành cơ hội và làm cho bạn mạnh mẽ hơn”.

Từ năm 1940, Tạp chí Time đã giải thích Sisu chính là sự pha trộn giữa yêng hùng và lòng dũng cảm, giữa hung dữ và ngoan cường, hay khả năng tiếp tục chiến đấu sau khi hầu hết mọi người đã bỏ cuộc. Thuật ngữ này được sử dụng cho các kỳ tích thể thao cũng như các chiến thắng quân sự, theo nghĩa “dự trữ khả năng phục hồi”... Có thể nói, Phần Lan chỉ có 5,5 triệu dân nhưng không bao giờ khiến mọi người cảm thấy nhàm chán.

“Ngày nay, Sisu được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau. Khi bạn đạp xe trên tuyết, không có gì lạ khi hàng xóm của bạn hét lên “Olet sisukas!”. Nếu phải định nghĩa Sisu, tôi sẽ nói rằng đó là một hình thức phục hồi và kiên trì độc nhất vô nhị của Phần Lan khi đối mặt với nghịch cảnh. Khái niệm này theo nghĩa đen không thể dịch được, chúng ta có thể nói đó là sức mạnh tâm hồn cho phép mọi người xích lại gần nhau cả về thể chất và tinh thần. Nhưng đó cũng là cách sống mộc mạc, mong muốn giản đơn của người Phần Lan”, nhà báo Katja Pantzar nhấn mạnh.

“Cơ bắp tinh thần” để đạt được hạnh phúc

Người dân Phần Lan luôn sống theo tinh thần Sisu. Đối với nhiều người, thay vì chờ đợi một ngày nắng đẹp, thì họ sẽ không quản ngại băng giá đi lại bằng xe đạp hay vượt qua biển hồ đóng băng để đến chỗ làm và tận hưởng cuộc sống. Đặc biệt, người Phần Lan rất thích tắm biển kể cả trong mùa đông lạnh giá. Có hàng chục câu lạc bộ tắm biển ở thủ đô Helsinki với hàng trăm thành viên trong mỗi câu lạc bộ. Giờ cao điểm tắm biển thường từ 6 đến 8 giờ sáng. Họ ngâm mình trong làn nước đóng băng khoảng một giờ đồng hồ, sau đó họ lại thắt cà vạt, khoác lên mình bộ trang phục lịch lãm để đi làm.

leftcenterrightdel

Người Phần Lan tận hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên khi mùa hè đến. Ảnh: myoxybubble.com 

Không chỉ tắm biển, tắm hơi cũng góp phần làm nên hạnh phúc ở Phần Lan. Theo giải thích của nhà báo Katja Pantzar, tắm hơi là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Phần Lan. Nó giống như cà phê, nước hay không khí. “Điều này thuộc về văn hóa. Người Phần Lan rủ nhau đi tắm hơi trước khi ăn tối cùng nhau là điều khá phổ biến. Hầu hết nhà nào cũng có phòng tắm hơi. Tắm hơi cho phép bạn nghỉ ngơi, đổ mồ hôi để loại bỏ độc tố. Đó cũng là cách để cân bằng lại bản thân. Khi tắm hơi, bạn cởi bỏ mọi thứ bạn đeo trên người trong suốt một ngày, từ quần áo cho đến đồng hồ. Tôi không nghĩ tắm hơi là một trong những thước đo hạnh phúc của Liên hợp quốc nhưng ở Phần Lan thì chắc chắn là có”, nhà báo Katja Pantzar khẳng định.

Cũng theo nhà báo Katja Pantzar, nếu ở các nước khác, khi vào phòng tắm hơi sẽ có một danh sách dài quy định, trong đó cấm người mắc bệnh tim, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi... Nhưng ở Phần Lan lại khác, mọi người đều đi tắm hơi, kể cả phụ nữ mang thai. “Con trai tôi được đưa đến phòng tắm hơi khi mới 3 hoặc 4 tháng tuổi. Cậu bé lớn lên và học đi ngay trong phòng tắm hơi!”, nhà báo Katja Pantzar chia sẻ.

Nếu Lagom là nghệ thuật sống giúp người dân Thụy Điển đạt được cuộc sống cân bằng và hạnh phúc hay phong cách Hygge giúp người dân Đan Mạch tạo ra một không gian sống thư giãn và gần gũi, thì với Sisu, người Phần Lan biết cách giữ mọi thứ đơn giản và hợp lý, không cần mua thiết bị, không cần các chương trình bổ sung. Do đó, Sisu sẽ ở trong nhà nhưng được thực hành ngoài trời. Trong cuốn sách “Người Phần Lan là những người hạnh phúc”, nhà báo Katja Pantzar cho rằng, người Phần Lan không nhất thiết phải đạp xe trong tuyết hay bơi trong đại dương dữ dội để rèn luyện cơ thể. Thay vào đó, họ tìm những gì phù hợp với bản thân. Đó có thể là đi bộ thay vì lái xe, một cuộc trò chuyện thân tình với sếp... Sisu có thể chuyển thành hành động khi ai đó bị thất nghiệp và thấy cần phải tái tạo lại chính mình. Khó chịu hay buồn bã là điều bình thường, nhưng ngay cả rơi vào tình trạng tiêu cực, người Phần Lan cũng nỗ lực tìm được cánh cửa mở ra hy vọng. “Cơ bắp tinh thần” để đạt được hạnh phúc, đó là chất lượng cuộc sống và khả năng kiểm soát của người Phần Lan có đối với cuộc sống của mình.

Có thể thấy rằng, trong văn hóa của Phần Lan, hạnh phúc đơn giản là luôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình và những gì mình đang có. Người Phần Lan cũng cho rằng, những ngày u ám là một phần tất yếu của cuộc sống hằng ngày và vui vẻ chấp nhận điều đó. Người Phần Lan không nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế khi nói rằng “chúng tôi là người giỏi nhất, chúng tôi thật tuyệt vời”. Nếu họ hạnh phúc, đó là cách hành động của họ. Một xã hội tương đối tự do và bình đẳng là điều quan trọng.

TRẦN HUY