Không quản khó khăn, gian khổ và hiểm nguy
Nền nhiệt thấp cùng những cơn gió khô lạnh “đón” đoàn tại sân bay Hatay ở Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay-nơi đoàn đến thực hiện nhiệm vụ vào tối 13-2 (giờ địa phương). Mặc dù đã xem trước thông tin về thời tiết mùa này của nước sở tại, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng khi bước chân xuống máy bay sau một hành trình khá dài từ Hà Nội tới Istanbul rồi cuối cùng là Antakya, cái lạnh vẫn khiến chúng tôi ngỡ ngàng.
|
|
Bữa trưa dã chiến của bộ đội Việt Nam ngay tại hiện trường.
|
Những cái bắt tay thật chặt, ánh mắt tin tưởng từ người dân đến lãnh đạo chính quyền, Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) trong nhà ga nội địa dường như “sưởi ấm” chúng tôi ngay lập tức. Những ánh mắt nói lên tất cả. Chúng tôi tự hiểu rằng, đó chính là sự kỳ vọng. Càng xúc động hơn khi Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải và các cán bộ Đại sứ quán đến hỗ trợ đoàn hoàn tất thủ tục nhận hành lý để nhanh chóng về nơi đóng quân.
Hai chiếc xe buýt chở 76 sĩ quan, QNCN cùng 6 chú chó nghiệp vụ của đoàn chầm chậm lăn bánh. Dù màn đêm đã kéo xuống nhưng quan sát qua hai bên cửa kính, những ngôi nhà nghiêng ngả, nhiều “bình địa” ngổn ngang hay những khe nứt xé ngang con đường nhựa là minh chứng sống cho mức độ tàn phá đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản do thảm họa động đất vừa qua khiến Hatay trở thành một trong số 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hầu như không có ngôi nhà, con đường hay công trình công cộng nào ở Antakya còn nguyên vẹn sau động đất.
“Đại bản doanh” của đoàn là khu vực sân vận động Hatay. Chúng tôi cơ động xuống vị trí bạn đã phân công sẵn. Trời đã về đêm, một số vật chất chưa đến kịp, cả đoàn chưa dựng được trại nên cùng nhau trải nghiệm một đêm “màn trời, chiếu bê tông”. Tuy nhiên, tinh thần của bộ đội không vì thế mà nao núng. Ngay trong cuộc trao đổi nhanh với đại diện AFAD, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Trưởng đoàn, khẳng định lực lượng của QĐND Việt Nam sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm với tất cả trang thiết bị hiện có. Vị tướng dạn dày trong công tác cứu hộ, cứu nạn biết rằng từng giờ, từng phút trôi qua, rất nhiều nạn nhân động đất và thân nhân họ đang mắc kẹt trong đống đổ nát vẫn ngóng chờ sự chung tay của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Mỗi sáng, khi trưởng đoàn quán triệt nhiệm vụ và cập nhật con số thương vong do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ gây ra, trái tim chúng tôi lại quặn đau như thể mình đang mất đi chính những người thân yêu vậy. Chúng tôi sinh hoạt và ăn ở trong điều kiện dã chiến, thời tiết có 4 mùa trong một ngày và thời gian dành cho một bữa trưa chưa khi nào kéo dài quá 30 phút. Khó khăn là vậy, nhưng mỗi thành viên trong đoàn luôn nỗ lực, nâng cao tinh thần quyết tâm, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng từng phút để thực thi nhiệm vụ. Những tòa nhà nghiêng ngả mà chỉ một dư chấn nhẹ sẽ đổ sập xuống; những lối đi với tua tủa sắt thép lộ trần trụi trên các mảng bê tông; những đống đổ nát phải ngước lên mới thấy đỉnh... tất cả không thể ngăn cản việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đoàn công tác. Mỗi vị trí được xác định, chúng ta lại góp phần xoa dịu nỗi đau một gia đình nạn nhân.
Sự chuyên nghiệp và tình quân dân nơi xứ người
Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam cử lực lượng ra nước ngoài thực hiện nhiệm vụ cứu hộ nhân đạo quốc tế, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, mặc dù thời gian gấp nhưng ngay khi đến nước bạn, các công việc được triển khai nhịp nhàng. Ông Richard Anthony Bordoni, Đội trưởng Đội cứu hộ Italy (đội cứu hộ Italy được giao phụ trách toàn bộ lực lượng, trong đó có đoàn của QĐND Việt Nam) đánh giá: “Việt Nam nằm trong số ít quốc gia tại Antakya có đủ khả năng thực hiện đồng thời công tác trinh sát, tìm kiếm và cứu hộ nhờ phối thuộc chó nghiệp vụ và các trang thiết bị công binh đặc chủng”.
Ấn tượng về sự chuyên nghiệp của lực lượng QĐND Việt Nam tiếp tục lan tỏa. Nhiều đội cứu hộ của các nước đã đề nghị phối hợp cùng với bộ đội Việt Nam để đẩy nhanh công tác trinh sát, tìm kiếm. Chỉ trong một ngày phối hợp với lực lượng công binh, quân y và chó nghiệp vụ của đoàn, đội cứu hộ Bahrain thực sự khâm phục năng lực của bộ đội Việt Nam.
Ngay từ ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, đoàn đã nỗ lực hết sức, chạy đua với thời gian để kịp thời xác định nhiều điểm có người bị nạn rồi bàn giao cho chính quyền và lực lượng chức năng địa phương xử lý. Thậm chí, có trường hợp, anh em bộ đội không quản hiểm nguy len lỏi vào những ngôi nhà cao tầng nghiêng ngả để cùng đơn vị cứu hộ sở tại đào bới gạch vữa và đưa nạn nhân ra ngoài. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bộ đội Việt Nam luôn chủ động giúp đỡ người dân lấy lại tài sản hay đưa đồ đạc của mình. “Tôi mong chờ thời điểm này lâu lắm rồi. Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều”, chị Asli Sahib ở Antakya nhảy lên sung sướng, ôm chặt các thành viên trong đoàn, khi lấy được bộ trang sức mà bà mình tặng sau khi bộ đội Việt Nam giúp phá hai lớp cửa để vào căn hộ trong một tòa nhà cao tầng nứt toác, đang nghiêng ngả.
Những hành động đó đã để lại ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ về Bộ đội Cụ Hồ-Bộ đội Việt Nam. Không chỉ bày tỏ lòng biết ơn bằng cách cúi đầu, đưa tay lên ngực trái, dẫu còn rất nhiều khó khăn nhưng người dân địa phương sẵn sàng dành tặng bộ đội Việt Nam khi thì chai nước, lúc lại quả quýt hay chiếc bánh mì... Mỗi hành động, mỗi việc làm đều mang đậm giá trị nhân văn.
Bài và ảnh: VĂN HIẾU