Cuộc cách mạng với quá trình chuyển đổi sâu sắc, toàn diện
Hơn 35 năm trước, Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là sản phẩm sáng tạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Nhìn nhận về sự kiện này, nhà báo người Pháp Joseph Ahekoe khẳng định sự nghiệp đổi mới được khởi xướng từ năm 1986 về bản chất là một cuộc cách mạng với quá trình chuyển đổi sâu sắc, toàn diện nhằm thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Còn nhà báo Horacio Rana trong một bài báo được hãng thông tấn Argentina Telam đăng tải thì khẳng định công cuộc đổi mới tại Việt Nam là một hiện tượng gần như không gì có thể so sánh được trên thế giới.
Kiên định với mục tiêu đã chọn, vững vàng trước những biến động của thời cuộc, nhất là khi mô hình chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, công cuộc đổi mới của Việt Nam là sự kết hợp đổi mới từ dưới lên với đổi mới từ trên xuống. Đổi mới từ dưới lên là đổi mới từ cơ sở, là địa bàn sinh sống của người dân, từ nhu cầu của chính người dân muốn cho cuộc sống của mình tốt hơn, đất nước phát triển hơn. Đổi mới từ dưới lên lại bắt gặp đồng thuận đổi mới từ trên xuống, từ các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Cuộc gặp gỡ này đã tạo nên sự đồng thuận và làm cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam được mọi người gắn bó, tìm thấy lợi ích của chính mình trong sự nghiệp chung đó. Điều này cho thấy sức mạnh của đổi mới ở Việt Nam là sức mạnh của dân chủ, đoàn kết, đồng thuận, chia sẻ giữa lãnh đạo với người dân.
Với quan điểm CNXH luôn phải gắn với cái mới, ông Jorge Kreyness, Bí thư Trung ương phụ trách Quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Argentina, nhận định tư tưởng CNXH gắn liền với thực tiễn đổi mới đã tiếp tục đặt Việt Nam vào vị trí nổi bật trên trường quốc tế, cũng như thời kỳ Việt Nam là biểu tượng đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây. Ông Jorge Kreyness khẳng định CNXH tại Việt Nam chính là tấm gương soi sáng, định hướng và công cuộc đổi mới ở Việt Nam là nguồn cổ vũ cho cuộc đấu tranh vì CNXH tại Mỹ Latin. Còn bà Irmina Perojo, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam thì đánh giá: “Các chiến lược của Đảng đã đưa Việt Nam trở thành một điển hình trong công cuộc xây dựng CNXH một cách sáng tạo, phù hợp với đặc thù của đất nước, kết hợp phát triển thị trường với bình đẳng xã hội. Đảng sẽ tiếp tục bảo đảm sự phát triển trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, cũng như văn hóa và các giá trị con người”.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầy hứng khởi
|
|
TP Hồ Chí Minh năng động và không ngừng phát triển. Ảnh: HÙNG KHOA |
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong một bài báo trên chuyên mục bình luận của báo điện tử Al-Ahram (Ai Cập), tác giả bài viết cho rằng sự phát triển của Việt Nam gần đây là những bước tiến “kỳ diệu”, đưa Việt Nam trở thành một nước đang trỗi dậy ở châu Á và được coi là một “con hổ” đang vươn lên của châu lục này, chiếm lĩnh vị trí cao trong bản đồ phát triển kinh tế, xã hội của các nước trên toàn thế giới. Tờ Times Kuwait thì nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã nằm trong nhóm 10 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 5 năm qua và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Còn theo Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế Anh Anne Marie Trevelyan, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đầy hứng khởi trên thế giới và với “động cơ tên lửa đẩy”, Việt Nam sẽ lọt top 30 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu vào cuối thập kỷ này.
Với một nền kinh tế mở cửa, Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công. Trong suốt hơn 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng 100 lần sau hơn 35 năm đổi mới và đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 4.110USD. Tận mắt chứng kiến những thay đổi trong hơn 20 lần tới thăm Việt Nam, bà Poldi Sosa, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina-Việt Nam bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam, đồng thời đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Theo bà Poldi Sosa, trong những thành tựu nói trên của đất nước và nhân dân Việt Nam có vai trò quan trọng và then chốt từ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính đảng luôn đi đầu trong tập hợp quần chúng tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân và sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, rồi trong công cuộc xây dựng đất nước thời hậu chiến.
Từ một nước nhập khẩu gạo, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới. Nhấn mạnh phương cách chống lại đói nghèo một cách hiệu quả của Việt Nam, báo Die Welt của Đức nhận xét nhiều người tin vào viện trợ phát triển, nhưng điều đó hầu như không có thay đổi cơ bản ở châu Phi trong 50 năm qua. Còn với Việt Nam, đây là ví dụ điển hình về những gì mà việc áp dụng sở hữu tư nhân và cải cách nền kinh tế thị trường có thể đạt được. Thực tế là Việt Nam đã xóa bỏ được tình trạng nghèo đói cùng cực.
Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng 8,02% trong năm 2022, lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua, thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 lần đầu tiên vượt mức 700 tỷ USD, góp phần nâng cao thứ hạng xuất nhập khẩu của Việt Nam trên phạm vi toàn cầu. Tờ South China Morning Post (SCMP) có trụ sở ở Hồng Công (Trung Quốc) nhận xét trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, Việt Nam đã vươn lên, trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực mà ngay cả virus Corona cũng không thể ngăn cản. Nhắc lại vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh vì độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, Đảng Cộng sản Uruguay khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam là hình mẫu đối với thế giới về tính tổ chức và kỷ luật trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Với thành công kép, vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong mắt bạn bè quốc tế. Việt Nam được truyền thông quốc tế ca ngợi bằng nhiều mỹ từ: “Mảnh đất tiềm năng” (Forbes), “bình minh đang lên” (báo Nga), “ngôi sao sáng” (Asia Times), “phép màu châu Á” (New York Times), “con hổ châu Á” (Nikkei Asia)...
Đề cập đến những yếu tố đưa đến thành công của Việt Nam, báo điện tử Times Kuwait đánh giá trong nhiều năm qua, Việt Nam được biết đến là một quốc gia an toàn và chỉ số về an ninh con người đang được cải thiện. Với sự ổn định về chính trị, người dân Việt Nam hiện nay tin tưởng vào hệ thống chính trị và các cấp lãnh đạo của Đảng, do đó các quyết sách quan trọng của Đảng thường được người dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ. Cùng chia sẻ quan điểm của tờ Times Kuwait, giáo sư Chuan Petkaew tại Đại học Suratthani Rajabhat (Thái Lan) cho rằng, sự ổn định về chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo nên sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của đất nước trong những năm qua, cũng như vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Ông khẳng định: “Ổn định chính trị đã trở thành một lợi thế trong suốt quá trình phát triển của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có được”.
Đổi mới đã trở thành một khái niệm trong thực tiễn và bây giờ trở thành một thuật ngữ rất quen thuộc trong chính trị học thế giới. Nhiều nước đã sử dụng thuật ngữ này. Nó đi từ ngôn ngữ đời sống, trở thành một khái niệm lý luận và bây giờ trở thành một từ vựng của chính trị học. Đó là đóng góp quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam vào sự phát triển của CNXH khoa học mang tính thời đại.
TƯỜNG LINH