Chỉ 3 tháng nữa, B-52 sẽ bị tuyệt chủng

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, “siêu pháo đài bay" B-52 thất trận và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề. Cao hơn 12m, dài hơn 49m, sải cánh hơn 56m và nặng hơn 200 tấn, mỗi chiếc B-52 có thể mang 30 tấn bom, bay cao tới 20km và bay liên tục hàng ngàn ki-lô-mét mà không cần tiếp dầu. Với những tính năng ưu việt và được đội hình máy bay tiêm kích, máy bay gây nhiễu điện tử dày đặc bảo vệ, B-52 được ví như “con quái vật” rất khó bị tiêu diệt. Chính vì vậy, khi Mỹ tuyên bố mở cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng, có thể nói, cả thế giới lo ngại cho Việt Nam. Các thế lực hiếu chiến trong chính quyền Mỹ thì chắc mẩm Hà Nội sẽ phải lùi bước và ký kết Hiệp định Paris với những điều khoản do Mỹ đưa ra.

Thế nhưng, chỉ trong 12 ngày đêm, 34 chiếc B-52 đã bị Việt Nam bắn hạ. Thiệt hại của Mỹ còn thêm 5 chiếc F-111A, 21 chiếc F-4CE, 4 chiếc A-6A, 12 chiếc A-7, 1 chiếc F-105D, 2 chiếc RA-5C, 1 chiếc trực thăng HH-53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147-SC. Không quân Mỹ còn phải chịu tổn thất không bù đắp được là mất cả trăm phi công, hầu hết là những phi công kỳ cựu, đã bay hàng nghìn giờ. Họ là nguồn nhân lực tác chiến bậc cao của Quân đội Mỹ.

Các cơ quan truyền thông, báo chí, các hãng thông tấn trên khắp thế giới dồn dập đưa tin về chiến thắng vang dội của Việt Nam và phơi bày sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ. Hãng UPI ngày 31-12-1972 đưa ra bình luận: “12 ngày trở lại ném bom Hà Nội, Hải Phòng được coi là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh đã làm cho Mỹ bị thiệt nặng nề nhất về người và trang bị”. Hãng tin Pháp AFP cùng ngày cũng đưa tin: “Chưa bao giờ lực lượng B-52 của Mỹ lại vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như vậy trong một khoảng thời gian ngắn như thế”. Báo chí phương Tây đã nhận định chua cay: “Cứ với tốc độ này, chỉ 3 tháng nữa B-52 sẽ bị tuyệt chủng!”.

Trong hồi ký kể về trận “Điện Biên Phủ trên không”, một số phi công Mỹ tham chiến như: Chuẩn tướng James R.McCarthy, Đại tá Robert E.Rayfield và Trung tá George B.Allison ca ngợi sự trưởng thành nhanh chóng của Quân đội Việt Nam: “Tổ hợp mục tiêu Hà Nội-Hải Phòng là một trong số các khu vực có lưới lửa phòng không khủng khiếp nhất thế giới. Tổng số tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu và pháo cao xạ bao quanh khu vực mục tiêu đã vượt quá mọi cái mà người ta từng trải qua”.

Còn theo Đại tá, cựu chiến binh Liên Xô N.Sherhnev, Giáo sư Đại học Không quân Kharkov (Ukraine), trong bài đăng trên Báo Cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam số ra tháng 7 và 8-2006 thì khẳng định: “Trong cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên của thế giới, sự trưởng thành rất nhanh chóng của Bộ đội Phòng không-Không quân đã giúp Việt Nam chiến thắng”.

Lý giải về nguyên nhân khiến Quân đội Mỹ phải thất bại trong chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam, sử gia Mỹ, Tiến sĩ John Prados, Giám đốc các dự án tư liệu Việt Nam và tình báo thuộc Trung tâm Lưu trữ an ninh quốc gia Mỹ nhận xét: “Miền Bắc Việt Nam đã đánh giá một cách hợp lý về những hành động mà người Mỹ có thể thực hiện. Họ đã chuẩn bị phòng thủ khu vực Hà Nội và tiến hành sơ tán dân thường, góp phần hạn chế thương vong. Lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã luyện tập kỹ lưỡng với tình huống Mỹ có thể sẽ đánh phá khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ngoài ra, hệ thống phòng không của miền Bắc Việt Nam khá mạnh vào thời điểm đó và ứng phó hiệu quả với máy bay Mỹ. Về phía Mỹ, họ đã không xây dựng được một kế hoạch thấu đáo, không tính toán được khả năng phòng thủ mạnh đến như vậy của miền Bắc Việt Nam. Một vấn đề nữa là ngoài việc sử dụng lẫn lộn các loại máy bay thì phía Mỹ còn để đối phương dễ đoán được ý đồ khi không thay đổi phương thức tấn công trong các vụ oanh kích”.

leftcenterrightdel

Máy bay B-52 của Mỹ tại căn cứ Utapao (Thái Lan) trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Flickr 

Đòn đập tan mưu đồ thương lượng trên thế mạnh của Mỹ

Sau 12 ngày đêm đánh phá bằng B-52, chịu sự tổn thất rất lớn về quân sự với hàng loạt máy bay các loại, kể cả những máy bay hiện đại nhất cũng bị bắn rơi, cùng với sức ép của dư luận tiến bộ trên khắp thế giới, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải quyết định ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam và nối lại đàm phán tại Paris.

Một nhân vật có thế lực ở Mỹ là John Negroponte, chuyên viên về Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thú nhận: “Chúng ta ném bom Bắc Việt để rồi chính chúng ta chấp nhận nhượng bộ” và “Những điều khoản trong hiệp định về thực chất vẫn giống như những điều cộng sản đề nghị vào tháng 5-1969”. Còn Henry Kissinger, trong cuốn hồi ký của mình, luôn lảng tránh và thanh minh rằng ông ta không đóng vai trò gì trong những chuyện “tồi tệ” như vậy. Ông tỏ ra bất bình trước thái độ, hành động của Tổng thống Richard Nixon và các tay chân thân cận của Nixon, cho đó là: “Một sự can thiệp bẩn thỉu và bất hợp pháp”. Trong bài viết “Máy bay chiến thuật và máy bay từ tàu sân bay của Mỹ tham gia Chiến dịch Linebacker II” đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự Nga tháng 4-2005, Thượng tướng, Giáo sư Anatoly Khiupenen cho rằng: “Toàn bộ Chiến dịch Linebacker II, có chăng thực hiện được phần nào các nhiệm vụ quân sự nhưng không thể trở thành đòn quyết định giúp Nhà Trắng đạt mục tiêu chính trị”.

Ông Joseph Amter, luật gia và đồng Chủ tịch Hội nghị Nhà Trắng nghiên cứu về hòa bình cho rằng, việc Mỹ tiến hành chiến tranh không quân lớn nhất trong lịch sử, đặc biệt dùng B-52 đánh phá hủy diệt miền Bắc Việt Nam là một sai lầm: “Từ ngày 18 đến 29-12-1972, Mỹ ném xuống Hà Nội, Hải Phòng hơn 35.000 tấn bom đạn. Lầu Năm Góc cho rằng, các trung tâm dân cư cũng như các mục tiêu quân sự sẽ bị quét sạch chỉ còn là những đống gạch vụn... Tổng thống Nixon đã đánh giá thấp quyết tâm của nhân dân Bắc Việt Nam...”.

Trong hồi ký, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara thừa nhận: “Mỹ đã phạm sai lầm lớn trong chiến tranh Việt Nam-những sai lầm cơ bản có tính chiến lược. Mỹ đã không đo lường hết được ý thức dân tộc của con người Việt Nam khi đổ quân vào đất nước này, ném bom miền Bắc lần này, phiêu lưu đến mức tung không lực khổng lồ đánh thẳng vào các thành phố miền Bắc, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng. Mỹ cũng không nghĩ đến, về mặt khí tài và kỹ thuật quân sự, Quân đội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có thể trừng trị được các “át chủ bài” trên không của Mỹ và cuối cùng, Mỹ đã không hiểu lịch sử Việt Nam xa xưa và hiện tại”. Còn Trung tướng Victor Ivanovich Filippov, cựu chuyên gia quân sự Liên Xô công tác tại Hà Nội năm 1972, khẳng định yếu tố quyết định làm nên chiến thắng chính là nhân dân Việt Nam đã anh dũng bảo vệ đất nước mình: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng và Quân đội Mỹ đã không rút ra được bài học khi vẫn âm mưu khuất phục ý chí quật cường của dân tộc các bạn bằng bom đạn”.

Khi thất bại, người Mỹ thường hay đổ lỗi cho nhau. Báo cáo lưu tại Trung tâm quân sự Mỹ về chiến dịch ném bom của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam tháng 12-1972 đã chỉ ra nguyên nhân chính là phía Mỹ không lập ra được bộ máy các quan chức quân sự ở cấp cao có khả năng điều hành công việc. Bộ Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia và Chủ tịch Hội đồng liên quân, Giám đốc CIA không có sự theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời nên dẫn đến thất bại. Cũng nói về nguyên nhân thất bại của cuộc tập kích, tướng Eder, Tham mưu phó không quân Mỹ ở châu Âu nói: “Chúng tôi cho rằng, Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày dạn kinh nghiệm hơn bất kỳ nước nào”. Cuối cùng, Mỹ cũng phải thừa nhận những điểm yếu của mình và “sửng sốt vì thất bại tại Hà Nội, Hải Phòng, nhưng lại rất khó tiên đoán và kiểm soát được kết quả của các cuộc tham chiến bằng quân sự với quy mô lớn”.

Sau này, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ còn phân tích, mổ xẻ để tìm ra những sai lầm của Mỹ trong Chiến dịch Linebacker II. Tuy nhiên, có một điều mà ít người chú ý, đó là tinh thần phi công Mỹ khủng hoảng đến mức suy sụp. Hiện tượng phản chiến đã xuất hiện bằng các hình thức cáo ốm, từ chối nhận nhiệm vụ. Nhiều phi công viết đơn phản kháng. Các câu lạc bộ sĩ quan ở căn cứ quân sự trên đảo Guam và Utapao trở thành những nơi thổ lộ và trút tâm trạng thất vọng, sợ hãi của các phi công Mỹ. Còn một số nhà nghiên cứu quân sự Mỹ thì đánh giá Chiến dịch Linebacker II đã “không đem lại gì ngoài những thiệt hại to lớn, không đáng có về người và của cho cả hai phía trong cuộc chiến”. Tác giả Adrian Eward, người từng đến Việt Nam, có bài viết đăng trên Tạp chí Far Eastern Economic Review nhấn mạnh: “Cho đến nay, dư luận ngày càng đông đã đánh giá cuộc chiến ấy-cuộc chiến của Mỹ là một lỗi lầm bi thảm, là điều xấu xa nhất, và đó là một tội ác chống nhân loại”.

Chiến dịch Linebacker II bị phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa đứng về phía Việt Nam, lên án các cuộc ném bom của đế quốc Mỹ. Ở nhiều nước phương Tây, chính phủ và báo chí cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Mỹ. Tòa án lương tri quốc tế được lập ra để xét xử các tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ lương tri tiến bộ trên thế giới phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ, cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Ngay tại Mỹ, nhân dân tiến bộ cũng đòi chính phủ chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam.

Trước thất bại lớn và liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc Việt Nam, 7 giờ ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Dư luận phương Tây lúc đó cũng đánh giá Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” là đòn đập tan mưu đồ thương lượng trên thế mạnh của chính quyền Nixon, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Paris về rút quân khỏi Việt Nam, tạo tiền đề để quân và dân Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

TƯỜNG LINH