Đó là đêm 30 Tết năm Bính Ngọ 1966, trên chiến trường Thừa Thiên - Huế. Với cánh lính chúng tôi thì những dịp ngừng bắn trong các ngày lễ tết là thời cơ quý giá nhất để xuống đồng bằng làm công tác tuyên truyền và đặc biệt là gùi gạo lên căn cứ.

Đêm ấy, tôi và Tiên được cử xuống đồng bằng, đi ghép với đội vận tải của ban hậu cần tỉnh đội Thừa Thiên. Lính vận tải của tỉnh đội bữa đó toàn là con gái, hai thằng tôi cứ lẳng lặng đi nối theo sau họ; mỗi đứa một cái gùi rỗng, buộc chặt ngang lưng.

Minh họa: Ngọc Anh

Vì đã có lệnh ngừng bắn nên chiều 30 Tết, các đơn vị đều cho quân xuống khỏi chân núi khá sớm. Chúng tôi là đơn vị vận tải, không có súng ống bên mình như các đơn vị chiến đấu nên phải đi cuối chót của đoàn quân “hỗn hợp” ấy. Nhờ thế, tôi có dịp đứng trên dốc núi giáp ranh nhìn xuống bãi tràm xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, thấy một quang cảnh thật là ngoạn mục. Trời đã tạnh, sau ngót cả tháng mưa dầm gió bấc; từng đoàn quân Giải phóng và dân công cứ kéo rồng rắn từ trên núi xuống bãi tràm, nhằm hướng đồng bằng, ào ạt bước đi. Các chị, các o và cả cánh con trai, đông tới hàng nghìn người, vừa đi tung tẩy vừa chuyện trò huyên náo, y như thể đã hòa bình thực sự rồi. Đêm ấy chúng tôi xuống tận xã Quảng Thái khá sớm và bình an vô sự. Chúng tôi đã được đồng bào các xã vùng sâu chuẩn bị cho rất nhiều gạo, đóng sẵn vào các bao tải dứa, chôn trong các bọc ni-lông ở ngoài trảng cát. Tiên và tôi mỗi đứa gùi một thùng rưỡi, ước chừng hai mươi lăm cân mỗi gùi. Phải đi bộ hàng mấy chục cây số, lúc thì qua các trảng cát, lúc bơi qua sông, qua hói, rồi trèo đèo lội suối… Thương nhất là các chị, các em gái. Trời thì vừa mưa vừa rét, mà đường đi lại phải lội qua nhiều con hói khá lớn, nước ngập quá nửa người, những o thấp lùn thì nước gần tới cổ. Thế là ai ai cũng phải cởi tuốt quần áo trong ngoài. Lội qua được mấy con hói thì các đoàn cứ từng tốp lầm lụi cõng, gùi gạo hướng lên phía rừng mà đi. Tiên và tôi nặng quá nên cứ lặc lè, lẽo đẽo theo sau đoàn người. Chừng nửa tiếng đồng hồ thì tôi không thấy Tiên đâu nữa. Anh ấy cao to và khỏe, có lẽ đã chạy bứt lên khá xa tôi rồi. Nghĩ vậy trong bụng, tôi cố hết sức bấm chân đất xuống bùn trơn, cắm cổ mà cõng bao gạo, chạy thục mạng như có ma đuổi phía sau. Đến đỉnh dốc Tóc Bạc ở đầu một cái làng hoang thì tôi lờ mờ thấy một cái bóng người cao lớn. Mừng quá, tôi hỏi to: “Tiên đấy phải không?”. Không thấy trả lời. Tự nhiên, cái bóng cao to ấy lùi thụt vào bụi rất nhanh, rồi có tiếng xì xồ nho nhỏ: “Vici! Vici!...’’. Bấy giờ tôi mới nhận ra mình đã chạm gần tận mặt một thằng Mỹ! Có lẽ hắn đang đứng cảnh giới và gọi bộ đàm ở ngay trên đỉnh dốc Tóc Bạc. Tôi lao theo cái đà đang xuống dốc thoai thoải. Chạy ào đi, không biết gì trời đất xung quanh nữa ...

Thật kì lạ, tên lính Mỹ ấy không nổ súng. Có lẽ vì hắn cũng sợ, cũng bấn lên như tôi trước tình huống quá bất ngờ. Tôi cõng gạo chạy một hồi tiếp nữa, hết địa phận xóm Củi, gần tới xóm Mắc, xóm Khoai của xã giáp ranh Phong Sơn thì gặp được Tiên. Anh đang đặt gùi gạo ở một ngã ba để chờ tôi. Lúc ấy, tầm một hai giờ sáng của ngày mồng một Tết rồi. Tôi vừa lấy lại sức, Tiên đã giục tiếp tục gùi gạo lên núi. Anh bảo cố gắng lên rừng trước khi trời sáng, tìm chỗ nào đó chợp mắt một chút...

Nhưng tôi chưa xốc xong gùi gạo lên vai, thì bỗng có tiếng ù ù rất nặng ngay sát sạt trên đầu. Cả hai đứa chưa kịp định thần thì bỗng phía trước mặt xuất hiện vô vàn ánh chớp sáng lòa lên, liền đó là tiếng bom bầy nổ long trời lở đất. Tất cả quay cuồng tới tấp, hỗn độn, hung hãn… Đêm giao thừa ấy, chắc rằng bọn Mỹ biết được chúng tôi xuống đồng bằng gùi gạo rất đông, nên chúng đã tổ chức tập kích ồ ạt bằng B52 rải thảm liên tục suốt bốn tiếng đồng hồ. Sau hàng chục lượt chiếc B52 là hàng đàn máy bay phản lực siêu âm các loại. Chúng thay nhau ném bom tấn, bom na-pan, bom hơi, bom chùm, bom phát quang… và cả bom hơi ngạt. Nhưng kì diệu thay là tất cả các đoàn bộ đội và dân công xuống hai huyện Phong Điền và Quảng Điền gùi gạo đêm giao thừa ấy đều đã lên khỏi dốc Lồ Ô, vào quá cửa rừng rồi...

 

Nhà thơ Hoàng Cát