QĐND - Tối 18-12-1972, một quầng lửa sáng rực rơi xuống cánh đồng phía huyện Đông Anh. Có ba người thầm lặng băng qua bom đạn, vượt qua trọng điểm ác liệt, quyết thực hiện cho được nhiệm vụ cấp trên giao: Xác minh xem có phải máy bay B -52 bị bắn rơi tại chỗ không. Một trong những người lính đó là Trung tá Võ Công Lạng - nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 261, Đoàn Phòng không Hà Nội, trú tại khu tập thể B6 Giảng Võ đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện này…

Phải "mắt thấy, tay... cầm"!

20 giờ 13 phút ngày 18-12-1972, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 59 Nguyễn Thăng phóng quả đạn đầu tiên. Quả tên lửa xé tan màn nhiễu dày đặc lao thẳng vào "pháo đài bay" B -52. Từ trên chòi trinh sát của sở chỉ huy, những tiếng reo hò đầy phấn chấn: "Cháy rồi! Máy bay cháy rồi! Cháy to quá! ". Lúc này, tin tức từ các đơn vị báo về dồn dập, Tiểu đoàn 59 khẳng định bắn rơi B -52. Tiểu đoàn 57 báo cáo: "Dưới ánh trăng mờ, kính TZK của tiểu đoàn nhìn thấy chiếc máy bay bị bắn rơi rất to". Trung đoàn trưởng khẳng định: "Rất to là B -52 rồi".

Văn bia xác B-52 rơi tại xã Phù Lỗ, Sóc Sơn, Hà Nội.

 

Trong khi đó, sở chỉ huy trung đoàn đặt câu hỏi: "Có phải B -52 bị bắn rơi tại chỗ không? ". Khi anh Thảo - Chính ủy Trung đoàn báo cáo về sở chỉ huy Sư đoàn, Chính ủy Sư đoàn Văn Giang cũng hỏi: "Có chắc chắn là B -52 không? ". Ai cũng rất thận trọng khi nghe báo cáo B-52 bị bắn rơi tại chỗ. Trước đó, ngày 17-9-1967 một chiếc B -52 đã bị bắn rơi ở Vĩnh Linh, chiếc B -52 thứ hai bị bắn rơi ở Trường Sơn. Tuy nhiên, máy bay rơi xuống biển nên mất dấu. Thực tế đến thời điểm 18-12-1972 vẫn chưa có một xác máy bay B -52 nào bị bắn rơi mà ta  thu được. Chính ủy sư đoàn Văn Giang chỉ thị: "Đồng chí Võ Công Lạng phải đến tận nơi xem sao!".

Ông Võ Công Lạng kể: "Với bốn ngoại ngữ là Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, tôi được cấp trên tin tưởng giao phó. Sau khi xác định vị trí máy bay rơi trên bản đồ, tôi và một sĩ quan chính trị, một sĩ quan tham mưu chuẩn bị mỗi người một cái cuốc, một cái xẻng, một mảnh gỗ ván dày 6cm, dài 5-6m phòng chỗ nào đường bị đánh bom không đi được thì bắc ván qua, xong xuôi mọi người lên xe U -oát cấp tốc lên đường". Ngồi trên xe nghĩ đến những ngày đầu năm 1972, vào Quảng Trị đánh B -52, lúc đó ông Lạng ao ước được cầm mảnh xác B -52 trở về Hà Nội minh chứng cho cả thế giới biết người Việt đã bắn rơi B -52 như thế nào.

B-52 đây rồi!

Ông Võ Công Lạng kể: "Xe chạy khoảng 3km thì đến Đường 3, chúng tôi sẽ phải vượt qua trọng điểm Đông Anh, sau đó qua cầu Phù Lỗ. Trước mặt ga Đông Anh đang cháy, đến gần trạm biến thế, dây điện cao thế bị trúng mảnh bom đứt rơi xuống đầy đường. Bỗng dưng xe chúng tôi bị công an chặn lại và thông báo cho biết đoạn đường trước mặt không thể đi được do cây đổ đầy đường, với lại phía trước còn bom nổ chậm". Xe phải quay lại đi men theo các rìa làng tìm đường lên đường cái.

Đêm mùa đông gió rét buốt, xe xóc nẩy người nhưng trong đầu mọi người lúc này vẫn luôn một ý nghĩ: Làm sao đi nhanh nhất đến được chỗ máy bay rơi, xem nó là loại máy bay gì. Đến ngã ba Phù Lỗ, họ gặp một tổ dân quân đang xúm xít ven quốc lộ. ông Lạng hỏi: "Có gì không các đồng chí? ". Một anh dân quân trả lời: "Máy bay rơi trúng vào xe lu đường".

Ông vội xuống xe, bật đèn pin thấy một động cơ máy bay Mỹ đang nằm đè lên chiếc lu bẹp gí. Nhìn quanh đống sắt chẳng thấy một ký hiệu gì. Một cô dân quân nói: "Các anh phải đi vào trong cánh đồng kia. Còn nhiều đám cháy lắm". Theo tay chỉ của cô, họ nhằm một đám cháy lớn nhất mà chạy tới. Gặp một tốp dân quân ngăn lại: "Các anh đừng vào, nhỡ còn bom đạn nổ. Lửa cháy lâu rồi mà chưa tắt".

Mặc, họ cứ lao thẳng vào. Nhiều mảnh xác vương vãi nhưng vẫn chưa thấy chữ mà họ cần tìm. Vòng vèo theo những bờ ruộng ướt đẫm sương đêm, một đống xác máy bay lù lù như tòa nhà hiện ra. Họ chia nhau đi tìm, bỗng tiếng sĩ quan tham mưu reo lên: "Anh Lạng ơi! Có cái này hay lắm". ông chạy lại. Dưới ánh đèn pin là tấm huy hiệu của bộ chỉ huy không quân chiến lược SAC. ông dịch cho anh em mà như reo lên: 

- Strategic là chiến lược! Air là không quân, command là chỉ huy! Strategic air command là chỉ huy không quân chiến lược! Đúng B -52 rồi các đồng chí ơi!

Nắm chắc đó là B -52 rồi, ông chui vào trong lòng chiếc máy bay, dùng đèn pin soi. Trong khoang lái một hệ thống dây điện chằng chịt, hàng chục chiếc đồng hồ nằm trước mặt, một cảm giác sung sướng dâng trào trong ông khi nhìn thấy nhãn hiệu đề chữ B -52-G gắn trên hộp khống chế độ cao. Rút vội con dao găm bên người, cậy chiếc nhãn hiệu, ông cẩn thận cho vào túi áo bông lấy kim băng cài lại rồi chui ra khoang lái trước được vài bước thì thấy xác một tên phi công.

Ông Lạng nhanh chóng kéo vội hai người đi cùng ra xe, ngồi trên xe ông như say trong chiến thắng, mặc dù lửa vẫn cháy, tiếng bom nổ vẫn còn đâu đây. Chưa chạy tới hầm chỉ huy chân ông như ríu lại, ngực đập thình thịch, nghe trong hầm lao xao: "ông Lạng về rồi!".

Chạy vào trong, ông hét toáng lên: "Xác B -52 đây rồi!". 

Đặt mảnh xác và tấm kim loại có chữ B -52-G lên bàn, Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo ôm chầm lấy ông, bỗng dưng tất cả đều rưng rưng nước mắt.

Chạy tới bàn điện thoại, Trung đoàn trưởng gọi nhắc tất cả các tiểu đoàn trưởng cầm máy. Mắt rưng lệ, giọng nghẹn lại vì xúc động thông báo: "Trung đoàn ta đã bắn rơi tại chỗ chiếc B -52-G của không quân Mỹ. Các đồng chí hãy cố gắng bắn rơi nhiều chiếc khác nữa!".

Bài và ảnh: THÀNH TRUNG - NGỌC TUẤN