Toan tính đằng sau những liên minh
Tháng 12-2021, dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về dân chủ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Sự kiện được cho là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Joe Biden đánh dấu sự trở lại của Mỹ sau 4 năm xa cách thế giới trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump. Dưới khẩu hiệu “Vì dân chủ”, hơn 100 khách mời được Washington chọn lựa cẩn thận đã cùng với ông Joe Biden bàn thảo về việc thúc đẩy dân chủ trên thế giới.
Tuy nhiên, Hội nghị thượng đỉnh dân chủ không đơn thuần chỉ bàn về giá trị dân chủ mà có tham vọng lớn hơn về địa chính trị. Về thực chất, nó phản ánh quan điểm chủ đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong nỗ lực tập hợp một liên minh toàn cầu các nền dân chủ (theo tiêu chí của Mỹ) để chống lại “sự trỗi dậy của Trung Quốc và các hành động khẳng định sức mạnh của Nga”.
Theo thời gian, mục tiêu này từng bước được định hình rõ nét hơn. Chỉ tính riêng trong tháng 10-2022, Mỹ liên tiếp đưa ra các cảnh báo nhằm vào Trung Quốc và Nga. Đầu tiên là hôm 7-10, Mỹ ban hành các hạn chế ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến và những thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn, đồng thời yêu cầu các đồng minh của Mỹ cũng phải tuân thủ luật chơi. Tiếp đó, trong Báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia năm 2022 công bố ngày 12-10, Mỹ kết luận Nga và Trung Quốc là hai đối thủ, trong đó đối thủ trước mắt là Nga và đối thủ lâu dài là Trung Quốc. Báo cáo khẳng định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và đang gia tăng sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó”, đặt ra “thách thức địa chính trị lớn nhất đối với Mỹ”.
|
|
Thương chiến Mỹ - Trung vẫn tiếp tục nóng lên. Ảnh: The Loadstar |
Không một lời tuyên bố nhưng trên thực tế, thế giới lại bị chia tách làm đôi, không phải theo ý thức hệ như dưới thời Chiến tranh lạnh mà theo các giá trị “dân chủ” và “phi dân chủ” dưới góc nhìn của Mỹ. Vẫn như trước đây, thế cuộc toàn cầu là cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành vị trí siêu cường số 1. Trong cuộc đua vương quyền này, Mỹ tìm cách duy trì sự thống trị bằng cách chinh phục các đối thủ cạnh tranh, trước hết là Trung Quốc.
Với sự thay đổi về định vị và chiến lược của Washington, Mỹ và Trung Quốc bước vào cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện, phủ rộng khắp các lĩnh vực, từ kinh tế thông qua chiến tranh thương mại, quân sự đến các lĩnh vực khác như công nghệ, mô hình quản trị, mô hình phát triển, xây dựng giá trị mang tính phổ quát của nhân loại mang “thương hiệu” của mỗi bên. Cạnh tranh diễn ra ở cả cấp độ toàn cầu và khu vực, không chỉ thể hiện tập trung ở khu vực cận biên của nước đối phương như trước mà đã mở ra liên khu vực như Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; không chỉ ở trên trời, dưới đất như truyền thống, mà mở ra không gian rộng lớn hơn, đa dạng, phức tạp hơn như trên biển, dưới đáy đại dương, không gian vũ trụ; không chỉ ở không gian thực mà còn trên không gian mạng...
Điểm đáng chú ý trong cuộc cạnh tranh này là thay vì tiếp tục cổ xúy chủ nghĩa biệt lập với quan điểm “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump, ông Joe Biden chuyển sang khẩu hiệu “nước Mỹ đã trở lại”, tìm cách làm ấm lại mối quan hệ đồng minh với các đối tác ở châu Âu và châu Á. Đối với Tổng thống Joe Biden, mạng lưới liên minh và đối tác rộng lớn là “tài sản chiến lược quan trọng nhất” của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ngày càng căng thẳng với các đối thủ lớn. Đó là sự thay đổi lớn so với ông Donald Trump-người tiền nhiệm vốn coi hầu hết đồng minh của Mỹ là “những kẻ ăn bám”. Bên cạnh đó, Washington cố gắng vận động các quốc gia coi cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung là “cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền”. Từ đó đẩy nhanh sự định hình của những liên minh mới, thiết lập các cơ chế mới và tạo ra các nền tảng mới để Mỹ có thể thúc đẩy hợp tác và phối hợp nhằm đối đầu, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Trận đại chiến” công nghệ
Trước hết là trong lĩnh vực an ninh, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng dưới thời ông Donald Trump tiếp tục được đẩy mạnh. Nổi lên là nỗ lực của Mỹ nhằm tái hồi sinh nhóm “Bộ tứ” gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Diễn đàn còn đang trong giai đoạn manh nha này được Washington thúc đẩy với mục tiêu giúp triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, làm đối trọng với sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Washington không muốn chậm chân bởi sáng kiến “Vành đai và con đường” đang được Trung Quốc tích cực triển khai nhằm tạo ra “con đường tơ lụa thời hiện đại”. Trong tương lai, con đường đó vươn tới đâu, tầm vóc và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ lan tỏa tới đó. Tiếp đó, phá bỏ tiền lệ đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, Mỹ quyết định chia sẻ công nghệ động cơ hạt nhân cho Australia theo thỏa thuận an ninh 3 bên gồm Mỹ, Anh, Australia. Cú bắt tay trị giá hàng chục tỷ USD này mở đường cho việc chế tạo 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia, động thái được dư luận đánh giá là nhằm lôi kéo Canberra về phía đối đầu với Bắc Kinh.
Trên mặt trận kinh tế, Washington triển khai định hình lại các liên minh và mạng lưới đối tác cùng một lúc theo 3 hướng: Thúc đẩy Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ (TTC)-Liên minh châu Âu (EU) ở hướng Đại Tây Dương, đưa ra Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (IPEF) ở hướng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đề xuất quan hệ đối tác vì sự thịnh vượng kinh tế châu Mỹ (APEP) ở hướng Tây bán cầu. Mục tiêu cơ bản của chính quyền Tổng thống Joe Biden là xây dựng một chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp và hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu mới, tạo một cục diện “3 mảng lớn” trên thế giới nhằm loại trừ Trung Quốc, thiết lập vị trí trung tâm của Mỹ.
|
|
Cuộc chiến chip Mỹ - Trung đang định hình chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Ảnh: ABC News
|
Trong lĩnh vực thương mại, dưới khẩu hiệu “Nếu chúng ta (Mỹ) không tiến lên, họ (Trung Quốc) sẽ ăn mất bữa trưa của chúng ta”, chính quyền của ông Joe Biden tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Nhà Trắng tuyên bố chưa dỡ bỏ các hạn chế thương mại với Trung Quốc vốn được áp đặt dưới thời của ông Donald Trump cho tới khi Washington tiến hành “đánh giá và tham vấn kỹ lưỡng” với các đồng minh. Như vậy, Mỹ tiếp tục duy trì mức thuế cao đánh vào cả trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời, Bắc Kinh phải tiếp tục thực hiện cam kết mua thêm hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Mỹ nêu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký đầu năm 2020.
Nhưng để hạ gục đối thủ, đòn đánh quyết định mà Washington hy vọng là cuộc chiến tranh công nghệ quy mô lớn được Mỹ phát động với một loạt biện pháp kiềm chế, ngăn chặn. “Cuộc chiến” công nghệ này đang làm tái hiện kịch bản “Chiến tranh giữa các vì sao”, một trong những yếu tố từng khiến Liên Xô suy yếu rồi sụp đổ. Theo đó, Mỹ chú trọng đến việc hạn chế dòng chảy công nghệ vào Trung Quốc, tập trung đầu tư vào các công nghệ mới nổi trong thị trường nội địa Mỹ. Cùng với đó, Mỹ đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”. Các công ty này muốn mua công nghệ và linh kiện của Mỹ phải được sự chấp thuận của chính quyền Mỹ. Chẳng hạn, các nhà cung cấp trên khắp thế giới sẽ phải dừng bán hàng cho tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ. Nếu muốn tiếp tục làm ăn với Huawei, các nhà cung cấp này cần phải có giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của điện toán đám mây, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, xe điện tự lái cũng như sự phát triển của vũ khí cao cấp và công nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc.
Trong “trận đại chiến” công nghệ này, những con chip với công nghệ chế tạo chính xác ở mức chỉ vài nm (1nm = 1 phần tỷ m) được đẩy lên tuyến đầu. Để phong tỏa công nghệ sản xuất chip cao cấp của Trung Quốc, Washington gây áp lực buộc Công ty ASML của Hà Lan không được bán các máy in thạch bản (quang khắc) độc quyền cho Trung Quốc. Tiếp đó, chính quyền của ông Joe Biden thông qua Luật Chip. Theo đó, các nhà sản xuất Mỹ được chính phủ trợ cấp không được phép đầu tư vào sản xuất chip cao hơn 28nm ở Trung Quốc trong vòng 10 năm. Cuối cùng, tận dụng ưu thế công nghệ của mình, Mỹ gây sức ép với Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc thành lập “liên minh chip 4 bên”, được mô tả đóng vai trò như “chuỗi đảo đầu tiên” phong tỏa về công nghệ nhằm loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung đang diễn ra gay gắt. Nó cho thấy thế giới đang trong quá trình hình thành cấu trúc trật tự mới. Trật tự này không còn là đơn cực nhưng vẫn chưa phải đa cực. Sức mạnh của Mỹ trong tương quan so sánh với phần còn lại của thế giới không còn cho phép Mỹ có khả năng áp đặt thế giới theo ý chí của riêng mình, nhưng sự ra đời và tồn tại của các trung tâm quyền lực khác như: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU... vẫn chưa đủ khả năng định hình trật tự đa cực. Trước mắt, trạng thái “nhất siêu, đa cường” vẫn tiếp tục chi phối thế giới trong thời gian dài.
TƯỜNG LINH