Chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên của ông Donald Trump kể từ khi lên cầm quyền năm 2016 được coi là nỗ lực tháo gỡ những bất đồng nhằm thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Ấn có những điểm không thuận, nếu không muốn nói là nhiều bất đồng. Là một đối tác và đồng minh chính trị lâu năm nhưng quan hệ hai nước vài năm trở lại đây nảy sinh nhiều khúc mắc, một phần vì chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Sau khi áp các mức thuế cao hơn đối với những sản phẩm nhôm và thép từ nước ngoài, trong đó có New Delhi, tháng 6-2019, Mỹ chính thức chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đáp trả lại, Ấn Độ cũng đã tăng thuế với một loạt hàng hóa Mỹ. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi Ấn Độ ký hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga hay việc Washington đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ nếu nước này mua dầu của Iran.

Dù đang có nhiều khác biệt nhưng có thể nói cả Mỹ và Ấn Độ đều muốn thúc đẩy mối quan hệ này tiến xa hơn. Về phía Mỹ, việc Tổng thống Donald Trump tới New Delhi trong năm bầu cử tổng thống 2020 mang nhiều hàm ý chính trị. Đó là thông điệp tới cộng đồng người Mỹ gốc Ấn rằng chính quyền Washington vẫn coi trọng quan hệ với New Delhi. Đó còn là các mục tiêu địa chính trị lớn hơn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi Ấn Độ được coi là thành phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Vì thế, để tạo điều kiện cho chuyến đi của Tổng thống Donald Trump, ngay trước thềm chuyến thăm, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp (IADWS) trị giá gần 1,9 tỷ USD cho Ấn Độ.

Về phía New Delhi, thông qua chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump, chính quyền Thủ tướng Modi mong muốn nhận được sự ủng hộ của Washington đối với các chính sách đối nội gây tranh cãi thời gian qua. Hiện nay, Thủ tướng Modi đang phải đối diện với nhiều sức ép do nền kinh tế giảm tốc cùng các cuộc biểu tình tồi tệ nhất trong hàng chục năm liên quan tới Luật Quốc tịch-đạo luật bị chỉ trích là phân biệt đối xử nhằm vào cộng đồng Hồi giáo. Chính quyền Thủ tướng Modi cũng đang phải hứng chịu chỉ trích của cộng đồng quốc tế sau khi bất ngờ tước bỏ quyền tự trị giới hạn của khu vực Kashmir hồi tháng 8-2019…

Chính vì vậy, chương trình nghị sự của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Ấn đã đề cập tới nhiều nội dung như: Thương mại, quốc phòng và an ninh, chống khủng bố, an ninh năng lượng, tự do tôn giáo, giao lưu nhân dân, thỏa thuận hòa bình được đề xuất với Taliban ở Afghanistan và tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không chỉ thúc đẩy hợp tác song phương, hai nhà lãnh đạo còn có những động thái nhằm thắt chặt tình bạn Modi-Trump. Không phải ngẫu nhiên điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Ấn Độ của ông Donald Trump là thành phố Ahmedabad, quê hương của Thủ tướng Narendra Modi. Nhà lãnh đạo Mỹ cùng Thủ tướng Modi đã có màn giao lưu và phát biểu trước 125.000 người tại một sân vận động cricket mới xây, trong sự kiện mang tên “Namaste Trump” (Xin chào ông Trump), tương tự sự kiện “Howdy, Modi!” do cộng đồng người Mỹ gốc Ấn tổ chức để vinh danh Thủ tướng Modi trong chuyến thăm Houston, Texas vào tháng 9 năm ngoái.

Dù chuyến thăm chứa đầy sự nồng ấm của tình bạn Modi-Trump, song giới phân tích nhận định nó chưa thể giải quyết dễ dàng những bất đồng giữa Mỹ và Ấn Độ tồn tại từ nhiều năm nay. Do vậy, dư luận hy vọng sự kết nối chặt chẽ giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là chìa khóa để hai nước có thể dàn xếp những bất đồng trong tương lai, đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo như trước đây.

PHƯƠNG LINH