Rãnh Mariana nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, về phía Đông của quần đảo Mariana, gần với lãnh thổ của Guam và quần đảo Mariana thuộc Hoa Kỳ. Đây là một rãnh đại dương hình lưỡi liềm, dài khoảng 2.550km, có độ sâu trung bình hơn 10.000m. Điểm sâu nhất được biết đến là vực Challenger (Challenger Deep), sâu khoảng 10.984m. Gần đây, có những phép đo cho thấy vực Challenger có thể sâu đến 11.034m. Nếu thả đỉnh Everest xuống đây, ngọn núi cao nhất thế giới vẫn bị nhấn chìm gần 2km dưới mặt nước.

Theo các nghiên cứu, rãnh Mariana được hình thành bởi hiện tượng hút chìm kiến tạo mảng, một phần của vỏ đại dương (mảng Thái Bình Dương) trượt xuống dưới mảng Philippine. Quá trình này tạo ra một vùng lõm khổng lồ dưới đáy biển. Chính tại nơi giao thoa của hai mảng địa tầng khổng lồ ấy, rãnh Mariana như một vết nứt bí hiểm mở ra về phía tâm trái đất.

leftcenterrightdel
                 

Các miệng phun thủy nhiệt dưới rãnh Mariana ở Thái Bình Dương. Ảnh: Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ

Dù bị bao phủ bởi áp suất gấp hơn 1.000 lần áp suất khí quyển, nhiệt độ lạnh lẽo và ánh sáng hoàn toàn không thể lọt tới, các nhà khoa học kinh ngạc khi phát hiện ra rằng sự sống vẫn tồn tại trong lòng rãnh Mariana.

Các thiết bị lặn sâu như tàu ngầm không người lái và tàu thăm dò đã ghi lại hình ảnh của những sinh vật lạ thường sống trong các khe nứt có nhiệt độ và hóa chất khắc nghiệt.

Vào năm 1960, Jacques Piccard và Don Walsh lần đầu tiên chạm đến đáy Challenger Deep bằng tàu ngầm Trieste. Sau đó, đến năm 2012, James Cameron đạo diễn phim Titanic đã điều khiển tàu Deepsea Challenger xuống tận đáy rãnh, đánh dấu một bước ngoặt mới cho hành trình khám phá đại dương.

Gần đây, nhà thám hiểm Victor Vescovo tiếp tục sử dụng công nghệ tiên tiến để nghiên cứu rãnh sâu, mở rộng hiểu biết về đại dương sâu thẳm và cả tác động của con người. Ông đã phát hiện ra túi nhựa và vi nhựa ở đáy rãnh Mariana.

Với sự quan tâm lớn đến rãnh Mariana, các nhà nghiên cứu đã có bức tranh cụ thể hơn về những đặc điểm của nó. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng: Do sự rộng lớn và độ sâu của khu vực đáy biển, các nhà khoa học phải dựa vào công nghệ để có bức tranh đầy đủ về nó.

HỒNG NHUNG