Dù chưa dùng đến từ “đại dịch” để mô tả Covid-19 nhưng với hơn 100.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 3.600 người tử vong (tính đến ngày 8-3), quy mô tác động của Covid-19 đã mang tính toàn cầu. Dịch bệnh giờ đã lan khắp các châu lục và số người thiệt mạng cũng như số nước có người nhiễm bệnh chắc chắn sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Đây không phải là lần đầu tiên thế giới phải đối mặt với cơn dịch bệnh nguy hiểm như vậy. 17 năm trước đây, hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS)-“đại dịch đầu tiên của thế kỷ 21” xuất phát từ Quảng Đông (Trung Quốc) cũng từng lan tới 29 quốc gia, khiến 8.098 người nhiễm bệnh và 774 người thiệt mạng. Năm 2014, cả khu vực Tây Phi hỗn loạn bởi dịch sốt xuất huyết Ebola, căn bệnh cướp đi sinh mạng của 3.439 người.

Tuy nhiên, sự nguy hiểm cũng như phạm vi ảnh hưởng của Covid-19 đã vượt xa những dự đoán ban đầu, đến mức WHO phải lên tiếng cảnh báo là “vô cùng quan ngại”. Nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng, nếu thời điểm hiện nay thế giới không kịp thời ngăn chặn thì Covid-19 có thể trở thành đại dịch toàn cầu với những tác động khó lường.

Cảm nhận rõ nhất là trong kinh tế. Khi Covid-19 mới bùng phát, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn khá bình tĩnh khi cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ bị ảnh hưởng nhẹ. Nhưng nay thì các dự báo không còn lạc quan như vậy. Chỉ trong một tuần cuối tháng 2 vừa rồi, các thị trường chứng khoán trên thế giới đã bị “bốc hơi” 6.000 tỷ USD và xu thế trượt dốc này chưa có dấu hiệu chậm lại. Trong một kịch bản được miêu tả là “cú sốc ngắn nhưng rất mạnh”, các chuyên gia của hãng tư vấn Oxford Economics dự báo Covid-19 có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD.

Đúng là ngày nay, thế giới đã có sự chuẩn bị từ sớm, điều kiện y tế cũng tốt hơn trước rất nhiều, nhưng rõ ràng loài người vẫn chưa đủ sức để ngăn chặn hoàn toàn sự bùng phát của các cơn đại dịch. Thực tế đó nhắc nhở nhân loại nói chung và mỗi nước nói riêng rằng chúng ta không có cách nào khác là phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.

Không những thế, trong xu thế toàn cầu hóa, khi biên giới tự nhiên trở nên vô hình trước sự giao lưu, dịch chuyển, liên kết, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, sự lây lan của dịch bệnh còn nhanh hơn nhiều. Trong một thế giới phẳng như vậy, con virus quái ác SARS-CoV-2 có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, tại bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào cũng là điều bình thường. Không thể vì nguy cơ của dịch bệnh mà áp dụng các biện pháp hành chính như cấm đi lại hay ngừng thông thương hàng hóa. Đây chỉ có thể là biện pháp nhất thời chứ không thể kéo dài bởi nó sẽ làm cả thế giới tê liệt.

Chính vì thế, ngăn chặn dịch bệnh chết người này đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế. “Cuộc chiến” chống Covid-19 phải như một lần cả thế giới “ra trận”, và việc chung tay dẹp dịch chính là cách để mỗi nước, mỗi cộng đồng tự cứu mình. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, có hai “chìa khóa” để chặn dịch: Phát hiện sớm và cách ly sớm. Đây là những phương pháp nguyên thủy nhưng lại rất hiệu quả. Ngược lại, hậu quả sẽ khó lường mà câu chuyện của Hàn Quốc là bài học đắt giá. Chính sự chậm trễ trong việc tiến hành cách ly bệnh nhân “siêu lây nhiễm” Covid-19 ở thành phố Daegu đã khiến nước này “vỡ trận”, trở thành “tâm dịch” lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Trong bối cảnh có tới 5%-15% những người tiếp xúc gần với người bệnh sẽ bị lây bệnh, chính biện pháp “mạnh tay” nhanh chóng chặt đứt sợi dây lây nhiễm chéo là một trong những yếu tố giúp các nước, trong đó có Việt Nam, kiểm soát số ca nhiễm bệnh và ngăn không cho SARS-CoV-2 lây lan rộng. Giữa tâm “bão Covid-19”, Việt Nam đang nổi lên như một “điểm sáng”. Kinh nghiệm về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đang đóng góp cho nỗ lực toàn cầu ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Nhưng để xây được “phòng tuyến đầu tiên” cách ly kịp thời thì các quốc gia phải phối hợp công khai, minh bạch tình hình dịch bệnh, đồng thời chia sẻ những thông tin, dữ liệu liên quan tới các vùng dịch hay những trường hợp mắc và nghi mắc để các nước có thể theo dõi, giám sát và cách ly trong trường hợp cần thiết, nhằm làm giảm tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Không ai có thể đứng ngoài trong “cuộc chiến” toàn cầu với Covid-19.

Phải mất một thời gian nữa, vaccine đặc trị SARS-CoV-2 mới có thể được đưa vào thử nghiệm. Tình hình khẩn cấp nhưng không phải vô vọng. Đây là thời điểm thử thách của bản lĩnh, trí tuệ trong cuộc đối đầu với một trong những dịch bệnh nguy hiểm nhất đầu thế kỷ 21. Nhưng chạy đua chống dịch cũng chính là mở cơ hội cho mình, bởi ai thoát dịch sớm sẽ tận dụng được thời cơ, lợi thế để trở thành điểm đầu tư, điểm đến an toàn trước các nước khác.

TƯỜNG LINH