Sói Aenocyon dirus đã tuyệt chủng vào cuối kỷ băng hà cuối cùng. Do đó, để tái tạo bộ gene của loài vật này, nhóm nghiên cứu phải dùng các mẫu gene từ hóa thạch và so sánh chúng với bộ gene của những họ hàng còn sống như sói xám, chó rừng, cáo. Các nhà khoa học chọn sói xám làm động vật hiến trứng, vì chúng là họ hàng gần nhất còn sống của sói Aenocyon dirus. "Nhóm của chúng tôi đã lấy ADN từ một chiếc răng 13.000 năm tuổi và một hộp sọ 72.000 năm tuổi để tạo ra những con sói con khỏe mạnh", Ben Lamm, CEO của Colossal Biosciences cho biết.

leftcenterrightdel
 Romulus và Remus chào đời vào tháng 10-2024. Ảnh: Colossal Biosciences 

Sau khi tạo ra những tế bào sói Aenocyon dirus, nhóm chuyên gia tách lấy nhân của chúng và đưa vào trứng của sói xám. Số trứng này được nuôi thành phôi thai trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu thu được 45 phôi thai và đưa vào tử cung của hai con chó nhà. Chỉ một phôi thai ở mỗi con chó mang thai hộ phát triển thuận lợi. Sau 65 ngày, sói con Romulus và Remus chào đời bằng phương pháp mổ lấy thai ngày 1-10-2024. Sau đó, toàn bộ quá trình được lặp lại và sói con Khaleesi chào đời ngày 30-1-2025.

Colossal Biosciences gọi đây là trường hợp hồi sinh động vật tuyệt chủng đầu tiên trên thế giới. Trước đó, vào năm 2003, các nhà khoa học ở Tây Ban Nha đã nhân bản một phân loài dê hoang dã tuyệt chủng, dê núi Pyrenees (Capra pyrenaica pyrenaica), nhưng con non chết chỉ vài phút sau khi sinh.

Theo Colossal, những con sói được nuôi nhốt và theo dõi liên tục trong khu bảo tồn thiên nhiên bao quanh bởi hàng rào cao 3m. "Chúng sẽ sống cả đời trong khu bảo tồn sang trọng dưới sự chăm sóc của con người", Bridgett vonHoldt, giáo sư hệ gene tiến hóa và di truyền học biểu sinh ở Đại học Princeton, người cộng tác với Colossal trong dự án này, cho biết.

HÀ PHƯƠNG