Một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Miami đã phát hiện các hồ nước siêu mặn nằm ở độ sâu hơn 1.770m dưới vịnh Aqaba, khu vực thuộc Biển Đỏ. Những hồ nước này có độ mặn cao gấp 10 lần nước biển thông thường, tạo ra một môi trường cực kỳ khắc nghiệt, gần như không thể tồn tại sự sống. Đặc biệt, tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng khiến nơi đây trở thành vùng nước chết chóc, nơi bất kỳ sinh vật nào vô tình tiến vào đều bị giết chết hoặc tê liệt ngay lập tức.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương tiện lặn điều khiển từ xa (ROV) để thám hiểm rãnh biển sâu giữa châu Phi và bán đảo Arab. Cuộc thám hiểm diễn ra trên tàu nghiên cứu OceanXplorer, một trong những con tàu hiện đại nhất thế giới, có khả năng tiếp cận những khu vực hẻo lánh nhất của đại dương.

leftcenterrightdel

 Hồ nước siêu mặn nằm ở độ sâu hơn 1.770m dưới vịnh Aqaba, khu vực thuộc Biển Đỏ. Ảnh: NEOM

Nhóm chuyên gia tìm thấy các hồ nước mặn ở độ sâu 1.770m bên dưới mặt Biển Đỏ. Ở độ sâu này, thông thường không có nhiều sự sống. Tuy nhiên, các nhà khoa học lại phát hiện ra rằng, hồ nước mặn là ốc đảo của sự sống. Thảm vi sinh vật dày hỗ trợ hàng loạt động vật đa dạng. Đáng chú ý nhất là những loại cá, tôm và lươn dường như sử dụng hồ nước mặn để săn mồi. Hồ nước mặn thiếu oxy, vì vậy, bất kỳ động vật nào lạc vào hồ sẽ ngay lập tức bị choáng hoặc chết. Động vật săn mồi thường nấp gần hồ để ăn thịt con vật kém may mắn. Sự tồn tại của quần thể vi khuẩn phong phú trong môi trường gần như không có oxy không chỉ giúp xác định giới hạn của sự sống mà còn mở ra hướng nghiên cứu mới trong việc tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác trong hệ Mặt Trời.

Tính đến nay, có khoảng 40 hồ nước siêu mặn được phát hiện trên Biển Đỏ, Địa Trung Hải và vịnh Mexico. Nhóm nghiên cứu cho rằng những hồ này giống như viên nang thời gian, lưu giữ lớp trầm tích nguyên vẹn, giúp bảo tồn lịch sử địa chất và có thể giúp mô phỏng điều kiện ở các hành tinh chứa nước xa xôi.

PHƯƠNG NHI