Đại sứ, GS, TS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao:
Bước ngoặt của đàm phán Paris
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam kéo dài gần 5 năm, có thể được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là hội nghị hai bên, gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, kéo dài từ ngày 13-5-1968 đến ngày 31-10-1968. Nhưng thực chất, giai đoạn 1 kết thúc vào ngày 25-1-1969, khi hội nghị 4 bên (gồm: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Mỹ và Việt Nam Cộng hòa) bắt đầu. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 25-1-1969 đến giữa năm 1972 và giai đoạn 3 từ giữa năm 1972 cho đến khi kết thúc hội nghị và ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Đây là giai đoạn đàm phán thực chất bởi lẽ 2/3 thời gian hội nghị trước đó, theo cách nói của Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, đó là cuộc “đàm phán cho người khác nghe” hay “đàm phán giữa những người điếc”.
|
|
Đại sứ, GS, TS Vũ Dương Huân. |
Để đi đến việc ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, ta có một quá trình chuẩn bị kỹ càng về mọi phương diện. Về mặt quân sự, ta đã tiến hành cuộc tiến công chiến lược Xuân-Hè năm 1972, đánh địch trên 5 mặt trận ở miền Nam, từ Quảng Trị đến Tây Nguyên và Đông Nam Bộ... Cuộc tấn công chiến lược này rất thành công, là quả đấm thép, làm phá sản học thuyết Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ và tạo cơ hội để chúng ta chuyển sang đàm phán thực chất.
Về ngoại giao, tuy không ngăn được chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Trung Quốc tháng 2-1972 và Moscow tháng 5-1972 nhằm thuyết phục hai nước này ngừng viện trợ cho Việt Nam, nhưng ta cũng khiến các chuyến thăm của Nixon không đạt được hiệu quả như mong muốn. Trung Quốc và Liên Xô vẫn duy trì viện trợ cho ta.
Thuận lợi trên chiến trường và cả ngoại giao, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống (tháng 11-1972), nên tháng 7-1972, Bộ Chính trị quyết định chuyển sang đàm phán thực chất. Bộ Chính trị đã giao CP50 (Tiểu ban Việt Nam thuộc Bộ Chính trị để nghiên cứu, hỗ trợ cho mặt trận tại Paris) soạn thảo hiệp định. Ngày 3-10-1972, Bộ Chính trị đã điện dự thảo trên cho đoàn đàm phán ở Paris, trên cơ sở đó, các đoàn đàm phán chuẩn bị để đàm phán thực chất với phía Mỹ.
Chuyển sang đàm phán thực chất là bước ngoặt của Hội nghị Paris. Ta đồng ý gác lại “một số yêu cầu khác về nội bộ miền Nam”, phù hợp với yêu cầu của Mỹ là “giữ lại chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, tạo điều kiện cho Mỹ rút quân”. Do đó, khi ta đưa ra dự thảo hiệp định ngày 8-10-1972, Mỹ chấp nhận luôn. Đến ngày 20-10-1972, hai bên thỏa thuận xong hoàn toàn hiệp định. Nixon thậm chí còn phê vào dự thảo hiệp định là “Excellent” (Tuyệt vời). Hai bên nhất trí với các điều khoản của hiệp định, thậm chí còn thỏa thuận lịch trình ký tắt và ký chính thức.
Rất tiếc, khi Kissinger chuyển dự thảo hiệp định cho chính quyền Sài Gòn thì Nguyễn Văn Thiệu phản ứng mạnh, đòi sửa 69 điểm trong hiệp định. Lấy cớ đó, Mỹ yêu cầu Việt Nam phải bàn thêm và sửa đổi hiệp định theo 69 điểm kiến nghị của Thiệu. Thương lượng rơi vào bế tắc, đồng chí Lê Đức Thọ trở về nước xin chỉ thị của Bộ Chính trị.
Lấy cớ đổ lỗi cho Việt Nam không thiện chí, làm cho đàm phán gián đoạn, Mỹ cho máy bay B-52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc vào tháng 12-1972. Tuy nhiên, thất bại trong chiến dịch không kích này đã không thể giúp Mỹ thay đổi hiệp định và buộc phải đề nghị nối lại đàm phán. Ngày 23-1-1973, các bên ký tắt Hiệp định Paris. Văn bản Hiệp định Paris được ký chính thức ngày 27-1-1973.
Đồng chí Phan Đức Thắng, Phó trưởng ban liên lạc Cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự Trại Davis:
Cuộc hành quân thần tốc
Nói đến Hiệp định Paris là nói đến quá trình đàm phán gần 5 năm ở Paris, nội dung văn bản Hiệp định ký kết ngày 27-1-1973 và quá trình 2 năm 3 tháng thi hành Hiệp định. Chỉ khi có cả 3 mảng nội dung đó thì Hiệp định Paris mới được gọi là đầy đủ, hoàn chỉnh.
Chúng ta đã triển khai Hiệp định Paris một cách thần tốc. Hiệp định được ký ở thủ đô của nước Pháp cuối buổi sáng 27-1-1973 thì giữa buổi chiều 28-1-1973, tức là chỉ sau hơn 30 giờ, những đại diện đầu tiên của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã có mặt ở Sài Gòn. Và ba hôm sau nữa, hàng nghìn thành viên của hai đoàn đại biểu quân sự ta đã triển khai các hoạt động thi hành Hiệp định ở trên khắp miền Nam.
|
|
Đồng chí Phan Đức Thắng. Ảnh: Hoàng Đan |
Cuộc hành quân được triển khai thần tốc trên nhiều hướng. Từ Paris, Đại tá Lưu Văn Lợi, Cố vấn luật pháp quốc tế của Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại tá Đặng Văn Thu, Cố vấn quân sự của đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cùng một số cán bộ và phiên dịch đã đi trên chiếc máy bay của Mỹ trang bị cho Ủy ban Quốc tế từ Paris qua Bangkok về Sài Gòn, trên đó có các thành viên của phái đoàn Ba Lan trong Ủy ban Quốc tế. Nhóm tiền trạm thứ hai bay từ Hà Nội vào Sài Gòn sáng 28-1-1973, trong đó có Đại tá Võ Đông Giang, Đại sứ lưu động của Chính phủ Chính Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Trung tá Nguyễn Đôn Tự, phụ trách tiền trạm Đoàn đại biểu quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhóm này cũng đi trên máy bay do Mỹ trang bị cho Ủy ban Quốc tế, trên đó có các thành viên phái đoàn Ba Lan, Hungaria trong Ủy ban Quốc tế.
Từ căn cứ ở tỉnh Tây Ninh, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do Trung tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam làm Trưởng đoàn, dự định đi máy bay trực thăng của Quân đội Sài Gòn từ sân bay dã chiến Thiện Ngôn vào Sài Gòn. Là người lăn lộn ở chiến trường, Trung tướng Trần Văn Trà có giác quan đặc biệt phán đoán trước tình hình. Theo kế hoạch, đoàn xuất phát từ sân bay Thiện Ngôn sáng 28-1-1973. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc với các sĩ quan, Trung tướng Trần Văn Trà không ra địa điểm đón đoàn, mà ém lại ở cánh rừng gần đó, đồng thời cho một tổ trinh sát ra phục gần sân bay Thiện Ngôn để theo dõi tình hình. Gần giờ hẹn đón đoàn, thay vì những chiếc trực thăng như thỏa thận, bỗng xuất hiện một tốp máy bay chiến đấu bay lượn một vòng, rồi bất ngờ bổ nhào, ném bom vào đúng điểm hẹn đón phái đoàn của Trung tướng Trần Văn Trà. Phía ta lập tức phản đối hành động phá hoại Hiệp định Paris của phía Sài Gòn và yêu cầu họ phải đón đoàn ở sân bay dã chiến Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Sáng 31-1-1973, phía Sài Gòn phải cho máy bay trực thăng đến sân bay Lộc Ninh đón Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào Sài Gòn để dự phiên họp đầu tiên của Ban Liên hợp quân sự 4 bên.
Đoàn thứ tư, trong đó có tôi, đi ô tô từ Hà Nội dọc đường mòn Hồ Chí Minh đến Lộc Ninh. Từ Lộc Ninh, một số đồng chí tiếp tục bay vào Sài Gòn để công tác ở Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự Trung ương, một số ở lại Lộc Ninh tham gia hoạt động thi hành Hiệp định Paris ở Nam Bộ. Như vậy, trong một thời gian ngắn, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ta đã có mặt ở Sài Gòn. Đây quả là một cuộc hành quân thần tốc.
Theo thỏa thuận ở Paris, hai Đoàn đại biểu quân sự của ta đã lập “Tổng hành dinh” ngay trong lòng địch (Trại Davis), tiến hành cuộc đấu tranh công khai và hợp pháp trên quy mô toàn miền Nam để buộc đối phương phải thi hành Hiệp định Paris.
Đồng chí Phạm Văn Lãi, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Hành chính Văn phòng Chính phủ:
Mỹ thua vì Việt Nam chính nghĩa
Từ đầu, Đảng ta đã đề ra chủ trương phối hợp 3 mặt trận quân sự-chính trị-ngoại giao để chống Mỹ, cứu nước. Những năm 1967-1969, Đảng ta đã đưa ra một số nghị quyết, trong đó Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa III) tháng 1-1967 khẳng định: “Trước mắt, chúng ta cần tập trung vào khẩu hiệu đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện và vĩnh viễn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Còn Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 4-1969 ghi rõ: “Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược”.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris, chúng ta nhận được sự ủng hộ lớn của nhân dân thế giới. Hàng trăm cuộc họp công khai, họp kín, phỏng vấn của hai phái đoàn Việt Nam ở Paris đã giúp nhân dân thế giới hiểu rõ hơn cuộc chiến vì chính nghĩa của nhân dân ta. Thực tế cho thấy, Mỹ đã thua vì Việt Nam chính nghĩa.
Sau khi hiệp định Paris được ký kết, tôi khi ấy 23 tuổi, là chiến sĩ Đội Chiếu phim, Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam hoạt động trong Trại Davis. 823 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ đấu tranh ngoại giao trong Trại Davis, tôi cùng đồng đội trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ mà địch cố tình gây ra. Sáng 30-4-1975, Trung tá Mười Sương, Trưởng ban Chính trị gọi tôi lên giao nhiệm vụ vào kho lấy lá cờ to nhất mang cho vệ binh cắm lên tháp nước. Tôi đem cờ xuống nhưng không thấy vệ binh ở đó. Trong tình huống gấp gáp như vậy, tôi và đồng chí Nguyễn Văn Cẩn quyết định đem lá cờ cắm trên tháp nước cao nhất trong trại Davis. Lá cờ được cắm lên vừa là hoa tiêu cho pháo binh ta tính toán phần tử bắn chính xác, làm chuẩn cho bộ đội tiến công, đồng thời khích lệ quân ta tấn công vào sào huyệt của địch.
Ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, non sông đất nước liền một dải, càng cho thấy tầm quan trọng của Hiệp định Paris năm 1973.
HOÀNG ĐAN (ghi)