Dù tất cả hoạt động thi đấu và bên lề chỉ diễn ra gói gọn trong vòng 1 tuần, song AARM-30 đã cho thấy giải đấu này là điểm đến lý tưởng để các xạ thủ xuất sắc nhất khu vực thể hiện tài năng sử dụng súng của mình.

leftcenterrightdel
 Các xạ thủ thi đấu nội dung súng ngắn nam. Ảnh: TUẤN HUY

Ra đời vào năm 1991 và kể từ giải đấu vào năm 2000 có sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, AARM nhận được sự quan tâm của lãnh đạo quân đội các nước ASEAN không chỉ bởi giải đấu này tạo ra sân chơi đầy tính cạnh tranh cho các tay súng xuất sắc nhất khu vực mà còn bởi qua giải đấu giúp lục quân các nước có cơ hội giao lưu, học hỏi và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị.

leftcenterrightdel
 Lá cờ AARM tung bay tại Lễ khai mạc AARM-30. Ảnh: TUẤN HUY

Tại AARM-30 ở Việt Nam, các xạ thủ tham gia tranh tài ở 2 bài bắn với những nội dung: Súng trường, súng ngắn nam, súng ngắn nữ, súng carbine và súng máy. Đáng chú ý, trong bài bắn thứ hai, thành phần của mỗi đội bao gồm các xạ thủ đến từ các quốc gia khác nhau nhằm giúp các xạ thủ có cơ hội giao lưu, thể hiện tinh thần đồng đội khi thi đấu. Tất cả nội dung thi đấu đều diễn ra tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự Quốc gia 4 (Miếu Môn, Hà Nội).

leftcenterrightdel
Tuyển thủ bắn súng các nước giao lưu kéo co sau khi kết thúc nội dung thi đấu. Ảnh: TUẤN HUY 

Kết quả chung cuộc của AARM-30, Đoàn tuyển thủ bắn súng quân dụng Quân đội nhân dân Việt Nam xếp thứ nhất toàn đoàn, đứng thứ hai là đoàn Indonesia và thứ ba là đoàn Philippines. Đặc biệt, theo Thiếu tướng Thái Văn Minh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, thành tích thi đấu của tuyển thủ các nước ASEAN ở nhiều nội dung trong khuôn khổ AARM-30 vượt trội so với các giải đấu trước đây và tất cả các đoàn đều có đầy đủ huy chương, vàng, bạc, đồng. Bên cạnh sự tái khẳng định năng lực của những xạ thủ đầy kinh nghiệm, từng trải qua nhiều giải đấu quốc tế, AARM-30 cũng giới thiệu một số tay súng tài năng mới, giúp các cuộc tranh tài ở giải lần nay trở nên thú vị và gay cấn hơn. Ngoài ra, AARM-30 chứng kiến một điểm mới so với các giải đấu trước đây, đó là hệ thống giám sát trọng tài. Ở giải đấu năm nay có các trọng tài trung gian đến từ các nước ASEAN làm nhiệm vụ giám sát đội ngũ trọng tài làm việc, qua đó góp phần nâng cao tính chính xác, công bằng và khách quan.

leftcenterrightdel
Giải đấu là cơ hội để xạ thủ đến từ các nước ASEAN giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết. Ảnh: TUẤN HUY 

Cùng với hoạt động thi đấu, đoàn xạ thủ các nước còn tham gia một số hoạt động bên lề giải đấu như như tham quan các địa điểm ở Hà Nội, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, giao lưu thể thao.

AARM-30 cũng đánh dấu một giải đấu thành công về công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam. Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết để bảo đảm AARM-30 thành công tốt đẹp, ngay từ đầu năm nay, QĐND Việt Nam đã nỗ lực tiến hành tham vấn, phối hợp với các nước cử đội tuyển tham gia tranh tài, đồng thời tập trung, nỗ lực cao nhất làm công tác chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Đại diện các đoàn đều đánh giá cao và cho rằng việc QĐND Việt Nam đăng cai tổ chức 3 sự kiện quan trọng trong dịp này là Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 23 (ACAMM-23), AARM-30 và Hội nghị thường niên hạ sĩ quan lục quân các nước ASEAN lần thứ 10 (ASMAM-10) đã cho thấy nỗ lực lớn của nước chủ nhà. Đây cũng là chuỗi hoạt động đa phương trực tiếp đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác lục quân các nước ASEAN sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát.

AARM-30 tại Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đẹp về một giải đấu thành công, mang tính cạnh tranh cao-nơi các xạ thủ xuất sắc nhất khu vực cùng hội tụ và tỏa sáng.

CHÂU ANH