Mới đây, tỷ phú Yvon đã quyết định trao tặng toàn bộ công ty cho mục tiêu chống lại biến đổi khí hậu.

Từ nhà leo núi đến ông chủ Patagonia 

Yvon Chouinard sinh năm 1938 tại Lewiston, Maine (Mỹ) trong một gia đình người Canada gốc Pháp. Sau đó, gia đình Yvon đã rời Maine để đến định cư ở Nam California. 

Ngay từ nhỏ, Yvon đam mê leo núi. Năm lên 14 tuổi, Yvon tham gia câu lạc bộ leo núi mang tên "Chim ưng" ở Nam California. Năm 1957, Yvon nhận thấy những chiếc piton (chốt) và đai bảo hiểm leo núi mà cậu sử dụng không đủ mạnh. Với sự hỗ trợ của người cha, Yvon đã chế tạo thiết bị leo núi bằng thép cho riêng mình trong một xưởng nhỏ nằm ở sân sau nhà.

Từ mục đích ban đầu là chế tạo piton và đai bảo hiểm leo núi cho riêng mình, dần dần Yvon làm thêm để bán. Yvon có thể rèn 2 piton/giờ và bán chúng với giá 1,5USD/chiếc (tương đương 16USD ngày nay), nhờ đó giúp cậu trang trải cuộc sống và dư dả tiền bạc cho các cuộc phiêu lưu. Năm 1965, công ty kinh doanh đồ leo núi “Chouinard Equipment Ltd” của chàng thanh niên trẻ Yvon chính thức khai trương tại Nam California.

leftcenterrightdel

Tỷ phú Yvon Chouinard

quyên tặng toàn bộ tập đoàn Patagonia cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ảnh: goalcast.com 

 

Vừa leo núi, vừa kinh doanh đã mang lại cho Yvon những trải nghiệm thú vị và hình thành ý tưởng kinh doanh khác người. Năm 1968, trong lần tham gia chinh phục đỉnh Fitz Roy cao 3.405m, nằm ở biên giới giữa Argentina và Chile thuộc vùng núi Patagonia nổi tiếng của Mỹ Latin, một tình yêu sâu nặng, gắn bó với thiên nhiên đã nảy nở trong con người Yvon. 

Năm 1973, kinh doanh đồ leo núi và quần áo thuận lợi, đạt doanh thu cao, Yvon quyết định đổi tên công ty thành Tập đoàn thời trang thể thao “Patagonia”, còn Fitz Roy trở thành logo của nhãn mác Patagonia. Trong kinh doanh, ông Yvon luôn đặt tiêu chí “chậm mà chắc” lên hàng đầu. Các sản phẩm đồ leo núi, quần áo của Patagonia luôn phải bảo đảm 3 yếu tố: Tốt, bền và thân thiện với môi trường. 

Từ nhà leo núi, Yvon Chouinard trở thành doanh nhân nổi tiếng, được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người giàu nhất thế giới. Thế nhưng, trong khi nhiều người mơ ước đạt được khối tài sản 9 chữ số thì Yvon cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy ông thất bại trong sứ mệnh của cuộc đời mình, đó là làm cho thế giới trở thành nơi tốt đẹp và công bằng hơn. Vì thế, ông quyết định, thay vì chiết xuất giá trị từ thiên nhiên và biến nó thành của cải cho các nhà đầu tư, Patagonia sẽ sử dụng sự giàu có để bảo vệ nguồn gốc của tất cả của cải.

Trong một cuốn hồi ký, tỷ phú Yvon từng chia sẻ: “Tôi có thói quen nằm ngủ trong các túi ngủ dã ngoại, ít nhất 250 ngày trong một năm. Tôi leo nhiều ngọn núi, ở tất cả lục địa, trong đó có Nam Cực. Tôi đã du hành trên thế giới rất nhiều, đủ để hiểu được rằng thiên nhiên đã bị hủy hoại như thế nào”. Đó là lý do giải thích vì sao tập đoàn Patagonia tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Hằng năm, Patagonia thường trích ra một khoản tiền lớn ủng hộ các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và từ thiện. Các hoạt động vì môi trường được Patagonia hỗ trợ trải rộng trên nhiều lĩnh vực, như: Xây dựng công viên bảo tồn trên đất liền và trên biển, khôi phục chất lượng nước sông, bảo vệ các giống loài động thực vật có nguy cơ diệt vong, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững...

Phong trào “1% vì hành tinh”

Kể từ năm 1985, Patagonia duy trì đều đặn khoản đóng góp tài chính là 1% doanh thu cho các hoạt động vì môi trường. “Đối với Patagonia, đây không phải là hoạt động nhân đạo hay từ thiện. Đây đơn giản chỉ là chúng tôi đảm nhận trách nhiệm đối với những tổn hại do các hoạt động của công ty gây ra. Cứ coi như là chúng tôi nộp thuế cho Trái đất”, ông Yvon giải thích cho việc đóng góp kỳ lạ này.

Sau gần hai thập niên tình nguyện đóng thuế Trái đất, năm 2001, cùng với nhà sáng lập công ty Blue Ribbon Flies, ông Craig Mathews, ông chủ của Patagonia lập ra phong trào “1% for the planet”  (tạm dịch: “1% vì hành tinh”) với mục đích quy tụ các doanh nghiệp trên thế giới theo đuổi cùng một tôn chỉ. Đó là tự nguyện trích ra số tiền ít nhất 1% doanh thu để đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường. Cho đến nay, đã có 5.000 doanh nghiệp tại hàng chục quốc gia tham gia phong trào “1% for the planet”, quyên góp 140 triệu USD cho các hoạt động bảo tồn và khôi phục môi trường tự nhiên. Ngoài ra, thông qua phong trào này, nhiều điều luật đã được sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vì môi trường. 

Với phương châm sản xuất các mặt hàng tốt, bền, thân thiện với môi trường, nhà tỷ phú Yvon đã mang nhãn mác dãy núi nổi tiếng vùng Nam Mỹ lan tỏa khắp thế giới. Không chỉ vậy, tỷ phú Yvon còn hiểu rõ vai trò quyết định của người tiêu thụ đối với sự tồn tại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng khuyến khích khách hàng tiêu thụ có trách nhiệm, nhất là vào dịp mua sắm như ngày “Black Friday” (tạm dịch: thứ sáu đen)-thứ sáu cuối cùng của tháng 11 hằng năm-được coi là thời điểm khởi đầu cho đợt mua sắm rầm rộ vào dịp Giáng sinh). Triết lý của Patagonia rất rõ ràng: “Đừng mua những gì không cần thiết, hãy tái sử dụng các đồ dùng đến mức tối đa, sửa chữa khi có thể, và tái chế khi không thể”.

Năm 2019, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã vinh danh Patagonia là “Nhà vô địch Trái đất” (Champion of Earth) trong mục giải thưởng cho doanh nghiệp. Trong lễ vinh danh, UNEP nhận xét: “Từ một doanh nghiệp nhỏ sản xuất đồ leo núi, Patagonia đã trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển bền vững. Quyết tâm của tập đoàn trong việc bảo vệ các hệ sinh thái của hành tinh đã tác động đến toàn thể lĩnh vực, từ các sản phẩm được chế tạo, vật liệu được sử dụng, cho đến các khoản đóng góp vì môi trường. Gần 70% sản phẩm là sản xuất từ vật liệu tái chế... Mục tiêu của Patagonia là 100% sản xuất từ vật liệu tái chế trước năm 2025”. Thậm chí, Giám đốc UNEP khi đó là ông Inger Andersen còn khẳng định “Patagonia là ví dụ hoàn hảo cho thấy khu vực kinh tế tư nhân có thể tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cùng nhiều mối đe dọa khác đối với sức khỏe con người và hành tinh”. 

Gần 60 năm lăn lội trên thương trường với nhiều đóng góp tích cực cho môi trường, giữa tháng 9-2022, tỷ phú Yvon đã gây bất ngờ khi tuyên bố quyên tặng toàn bộ tập đoàn Patagonia trị giá khoảng 3 tỷ USD cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu và cứu Trái đất. Trong thông báo ngày 15-9 vừa qua, ông Yvon nêu rõ, gia đình Chouinard quyên góp 2% cổ phiếu với toàn bộ quyền biểu quyết cho Quỹ tín thác Patagonia Purpose Trust. Quỹ này được giám sát bởi các thành viên trong gia đình và các trợ lý thân cận của họ nhằm bảo đảm công ty thực thi các cam kết vận hành như một doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và đóng góp lợi nhuận cho sứ mệnh bảo vệ Trái đất. 98% cổ phiếu phổ thông còn lại của tập đoàn sẽ được chuyển cho tổ chức phi lợi nhuận Holdfast Collective. Tổ chức này sẽ sử dụng từng đồng USD nhận được để chống khủng hoảng môi trường, bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học, cũng như hỗ trợ các cộng đồng phát triển nhanh nhất có thể. Hằng năm, số tiền mà Patagonia kiếm được sau khi tái đầu tư vào doanh nghiệp sẽ được phân phối cho Holdfast Collective. “Giờ đây, Trái đất là cổ đông duy nhất của chúng tôi. Tất cả lợi nhuận, từ nay và vĩnh viễn về sau, sẽ dành cho sứ mệnh cứu lấy hành tinh của chúng ta”, tỷ phú Yvon nêu rõ.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times về quyết định này, tỷ phú Yvon cho biết ông hy vọng động thái này sẽ “ảnh hưởng đến một hình thức chủ nghĩa tư bản mới, với việc không hướng tới kết cục là hình thành một số người giàu và vô số người nghèo”. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tặng số tiền tối đa cho những người đang tích cực làm việc để cứu hành tinh này”. “Bằng cách cho đi phần lớn tài sản trong đời, gia đình Chouinard gồm tỷ phú Yvon, vợ Malinda và hai con của họ, Fletcher và Claire-đã trở thành một trong những gia đình quyên góp từ thiện nhiều nhất nước Mỹ. Họ chính là “nhà vô địch của Trái đất”, tờ The New York Times nhận định.

HOÀNG ĐAN