Nơi sản sinh những thần đồng cờ vua

Trụ sở của Câu lạc bộ (CLB) Cờ vua Corsia nằm trên phố Commandant-l'Herminier, ở thành phố Bastia (Haut-Corse). Nhìn bên ngoài, thật khó tưởng tượng rằng nơi đây sản sinh các nhà vô địch cờ vua, bởi đây là một ngôi nhà cũ và chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong ngôi nhà thì đúng là thiên đường dành cho những người yêu thích cờ vua. Một “bức tường danh hiệu” mang đến cái nhìn hoàn toàn khác về CLB nổi tiếng ở Corse. Những chiếc cúp vô địch được xếp hàng dài khoảng 30m. Ở đây, sự im lặng ngự trị khiến người ta liên tưởng như đang ở trong nhà thờ, sự tĩnh lặng dường như chỉ bị quấy rầy bởi tiếng đi của các quân cờ.

leftcenterrightdel
 Học sinh tham gia Câu lạc bộ Cờ vua Corsia. Ảnh: corsematin.com

Apollo Deladerrière, 12 tuổi, dán mắt vào bàn cờ. Ngoài Apollo còn có khoảng 50 thanh, thiếu niên cũng đang tập trung cao độ. Sự tinh tường và tốc độ đi cờ không còn là bí mật đối với Apollo. Năm 2019, cậu bé tóc nâu với khuôn mặt ngây thơ đã giành danh hiệu Vô địch cờ vua nước Pháp ở hạng mục 8-9 tuổi, tại Hyères (tỉnh Var, thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur). Chiến thắng này đưa cậu bé trở thành một trong những thần đồng của Liên đoàn Cờ vua đảo Corse. “Cháu bắt đầu chơi cờ vua từ năm 3 tuổi rưỡi và bị cuốn vào môn chơi này. Cháu thích sự thách thức và khả năng xoay chuyển tình thế”, cậu bé 12 tuổi nói.

Trước Apollo, chị gái của cậu bé cũng là một kỳ thủ cờ vua. Theo chân anh chị, em trai của Apollo cũng đam mê môn thể thao trí tuệ này. “Họ có điểm gì chung ngoài việc là anh chị em cùng nhà?”. Câu trả lời khá bất ngờ, đó là cả ba anh chị em đều được học cờ vua ở trường, giống như bao thế hệ học trò khác ở hòn đảo xinh đẹp này.

Một trong những thần đồng được đào tạo từ CLB Cờ vua Corsia là Michael Massoni, nay đã 30 tuổi, một người khiêm tốn và kín đáo. Michael Massoni đến với cờ vua khi còn là học sinh tiểu học tại quận Saint-Joseph, ở Bastia. Để nâng cao trình độ, Michael Massoni tham gia các khóa học cờ vua vào buổi tối tại Casa di i scacchi (tạm dịch: Ngôi nhà cờ vua, theo tiếng Corse). Năm 2012, Michael Massoni là kỳ thủ đầu tiên của Corse giành được danh hiệu kiện tướng cờ vua ở một giải đấu quốc tế diễn ra ở Budapest (Hungary). Michael Massoni làm chủ trận đấu từ đầu đến cuối, cho phép anh đạt đến ngưỡng 2.400 điểm Elo (bảng xếp hạng chi phối cuộc thi cờ vua quốc tế do Liên đoàn Cờ vua thế giới (FIDE) đưa ra). Thêm một chiến thắng lớn cho Corse.

Sau khi trở thành huấn luyện viên của CLB Cờ vua Corsia, Michael Massoni tâm sự rằng, chơi cờ vua là một khám phá lớn đối với anh. Anh chia sẻ: “Tính cách của tôi rất nhút nhát và khá dè dặt khi tiếp xúc với người lạ. Việc chơi cờ giúp tôi gặp gỡ mọi người, tham gia các giải đấu và giành danh hiệu. Chơi cờ không chỉ là thi đấu mà còn là sự hội nhập vào môi trường xã hội”.

Với kiện tướng Marc-Andria Maurizzi, cờ vua ban đầu chỉ là môn thể thao yêu thích thứ hai sau bóng đá. Số 6 của đội U.16 FC Bastia-Borgo không bao giờ bỏ qua các trận bóng đá có sự tham gia của CLB Barca và CLB Sporting. Ấy nhưng năm 14 tuổi, cậu bé Maurizzi bất ngờ giành chiến thắng trong giải Kiện tướng cờ vua quốc tế Pháp (GMI), trở thành kiện tướng trẻ tuổi nhất nước Pháp. Màn trình diễn của cậu bé người Corse đã giúp tên tuổi của thành phố Bastia nổi như cồn, trở thành điểm đến của những người yêu thích cờ vua.

Bước ngoặt từ ý tưởng trong nhà tù

Theo Báo Le Figaro, trong hơn 20 năm qua, cờ vua được công nhận là môn thể thao chính ở đảo Corse. Các số liệu thống kê cho thấy, trong số 42.000 thành viên của Liên đoàn Cờ vua Pháp (FFE), có tới 6.814 kỳ thủ đến từ Liên đoàn Cờ vua đảo Corse (chiếm 16,2%). Trong khi đó, dân số của đảo Corse chỉ có 340.000 người, chiếm khoảng 0,5% tổng dân số Pháp. Đặc biệt, 92% kỳ thủ cờ vua ở đảo Corse dưới 18 tuổi. Một con số kỷ lục! “Bọn trẻ chơi cờ rất tốt và không dễ để tìm được người huấn luyện cho chúng”, Chủ tịch FFE Akkhavanh Vilaisarn cho hay.

leftcenterrightdel
 Học sinh tham gia Câu lạc bộ Cờ vua Corsia. Ảnh: corsematin.com

Việc đảo Corse có số lượng lớn người chơi cờ vua bắt nguồn từ ý tưởng phổ cập giáo dục cờ vua trong nhà trường do... một phạm nhân từng bị giam trong nhà tù Santé ở Paris. Đó là Léo Battesti, cựu lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Pháp. Sinh năm 1953, Léo Battesti từng là sinh viên Đại học Paris. Năm 1978, Léo Battesti tham gia cuộc tấn công nhằm vào Sở Thuế Bastia nhưng thất bại và bị giam ở nhà tù Santé. Ở trong tù, bị hấp dẫn bởi câu chuyện các điệp viên KGB sử dụng mật mã Morse, Léo Battesti trở nên yêu thích và đam mê cờ vua. Sau khi ra tù, Léo Battesti quyết định phát triển bộ môn cờ vua. Khi ông thành lập giải đấu khu vực vào cuối thập niên 1990, Corse chỉ có hai CLB với 120 kỳ thủ. Ngày nay, Liên đoàn Cờ vua đảo Corse có 8 CLB với gần 6.700 thành viên. Những người từng sống ở thời kỳ đó cho biết, sự phát triển của cờ vua trong các trường học, nhờ vào một thỏa thuận chưa từng có với Học viện Corse, là một bước ngoặt lớn.

Hơn một nửa trong số 200 trường tiểu học trên đảo Corse, ngay cả ở những vùng hẻo lánh nhất, đều có giáo viên dạy môn cờ vua, trung bình từ 1 đến 2 giờ/tuần. Các em được khuyến khích tham gia CLB, tham gia các giải đấu được tổ chức vào các ngày cuối tuần. Huấn luyện viên Jean-Philippe Orsoni cho biết, chơi cờ vua không chỉ học thuộc các nước đi mà còn luôn phải đổi mới cách chơi. Trận đấu càng hay khi tất cả quân cờ xuất hiện trên bàn cờ. “Corse là một trong những địa phương ở Pháp lồng ghép cờ vua vào các giờ học trong trường. Kể từ năm 1998 đến nay, đã có hơn 50.000 trẻ em ở Corse biết chơi cờ vua và nhiều em trở thành thành viên của Liên đoàn Cờ vua đảo Corse”, nhà báo Léo Battesti, người từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Cờ vua đảo Corse trong 23 năm cho hay.

Đế càng rộng, đỉnh càng cao

Trong CLB Cờ vua Corsia, bức ảnh Garry Kasparov-kỳ thủ vĩ đại nhất lịch sử với 15 năm giữ ngôi Vua cờ-được treo trang trọng trên tường. Garry Kasparov không phải là người đảo Corse. Ông sinh năm 1963, tại Baku, Azerbaijan. Sau khi Liên Xô tan rã, ông thi đấu dưới lá cờ Nga. Kasparov trở thành Vua cờ năm 1985 ở Moscow, sau khi hạ kiện tướng Anatoly Karpov 13-11. Ở tuổi 22, ông trở thành Vua cờ trẻ nhất lịch sử. Kasparov từng 5 lần bảo vệ ngôi Vua cờ, trong đó có 3 chiến thắng trước Anatoly Karpov năm 1986, 1987 và 1990. Sau đó, ông hạ Nigel Short năm 1993 và Anand năm 1995. Kasparov thất bại dưới tay học trò Kramnik năm 2000, với tỷ số 6,5-8,5 mà không thắng ván nào. Dù vậy, Kasparov vẫn là kỳ thủ số một của Liên đoàn Cờ vua quốc tế (FIDE) cho đến khi giải nghệ năm 2005.

Lấy tấm gương của các kiện tướng cờ vua như Garry Kasparov hay Michael Massoni, nhiều học sinh ở đảo Corse đang nỗ lực trau dồi môn thể thao trí tuệ này. Có thể thấy rõ điều này bằng việc quan sát các em tập trung cao độ chơi cờ trước máy quay hoặc máy chiếu. “Cờ vua vừa là trường học của sự tôn trọng đối thủ, vừa là phương pháp giáo dục con người, bởi khi chơi cờ sẽ thúc đẩy sự tập trung, trực giác, tính siêu việt của bản thân cũng như khả năng tính toán và giải quyết các vấn đề phức tạp của người chơi”, Hiệu trưởng Trường Trung học Giraud ở Bastia, ông Guy-Marc Nicolaï nhận định.

PHƯƠNG ANH