Chấm dứt truyền thống nói “không” với EU
Đan Mạch là thành viên EU từ năm 1973 nhưng cũng là thành viên duy nhất không tham gia chính sách phòng thủ và an ninh chung của khối. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 1-6 vừa qua. 66,9% phiếu trong tổng số 4,3 triệu cử tri Đan Mạch đủ tư cách đã đồng tình với lựa chọn từ bỏ lập trường đứng ngoài cuộc CSDP của EU, trong khi 33,1% còn lại bỏ phiếu chống. Đây là tỷ lệ ủng hộ cao nhất của cử tri Đan Mạch trong một cuộc trưng cầu ý dân về một vấn đề của EU ở quốc gia Bắc Âu này.
Tham gia CSDP, Đan Mạch có thể góp mặt trong các hoạt động quân sự của khối, chẳng hạn như ở Somalia, Mali, Bosnia và Herzegovina, cũng như thúc đẩy hợp tác về mua sắm trang thiết bị nâng cao năng lực quốc phòng. Tuy nhiên, một số người phản đối cho rằng hiệp định phòng thủ của EU mang nặng tính quan liêu và việc Đan Mạch tham gia các chiến dịch quân sự của khối là quá tốn kém.
Phát biểu trước những người ủng hộ, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhấn mạnh, nước này giờ đây có thể chia sẻ hợp tác trong châu Âu về quốc phòng và an ninh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã hoan nghênh “quyết định lịch sử” tham gia CSDP của Đan Mạch. Trên Twitter, bà Ursula von der Leyen cho biết, quyết định của Đan Mạch “là thông điệp mạnh mẽ về cam kết cho an ninh chung của EU”. Trong khi đó, ông Michel nhấn mạnh: “Quyết định này sẽ đem lại lợi ích cho châu Âu, khiến cả EU và người dân Đan Mạch an toàn hơn, vững mạnh hơn”, ông Michel bày tỏ.
Theo trang web marianne.net, kể từ năm 2005 đã có 13 cuộc trưng cầu ý dân liên quan đến EU được tổ chức ở “lục địa già”. Trong đó, 7/13 cuộc trưng cầu ý dân đem lại kết quả thất bại với EU. Có thể kể đến cuộc trưng cầu ý dân tại Pháp ngày 29-5-2005 về Hiến pháp châu Âu. Với 55% phiếu chống, người dân Pháp đã nói “không” với việc áp dụng Hiến pháp châu Âu tại đất nước này. Hai ngày sau, đến lượt người Hà Lan cũng từ chối áp dụng Hiến pháp châu Âu.
Năm 2015, khi “bóng ma” của cuộc khủng hoảng di cư đè nặng lên chính phủ nhiều nước châu Âu, với 61,3% số phiếu ủng hộ, Hy Lạp đã nói “không” với kế hoạch viện trợ do các chủ nợ của nước này đề xuất (gồm Ủy ban Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Qũy Tiền tệ Quốc tế). Quyết định này không dẫn đến việc Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhưng cuộc bỏ phiếu cho thấy một sự bất tuân nghiêm trọng đối với chính sách kinh tế của EU.
Nhưng “cú đánh” lớn nhất đối với EU có lẽ phải kể đến việc Anh tổ chức trưng cầu ý dân về việc nước này rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) vào tháng 9-2016. Với 51,9% số phiếu ủng hộ, Anh đã nói “không” với EU, một động thái mở đường cho các cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm trước khi quốc gia này rời EU có hiệu lực vào ngày 1-1-2021.
Dù gặp nhiều “trái đắng” trong các cuộc trưng cầu ý dân ở một số nước thành viên, EU cũng nhận được sự an ủi khi 56,5% cử tri Luxembourg nói “có” cho Hiến pháp châu Âu (năm 2005) hay Croatia đã bỏ phiếu đồng ý gia nhập EU với tỷ lệ ủng hộ là 66% (năm 2012)...
Với Đan Mạch, cuộc trưng cầu ý dân ngày 1-6 vừa qua là thắng lợi cho những người ủng hộ sự hợp tác lớn hơn trong EU. Đan Mạch là thành viên EU từ năm 1973 nhưng có truyền thống nói “không” với việc hội nhập sâu hơn vào EU. Trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1992, 50,7% người Đan Mạch đã từ chối tuân thủ Hiệp ước Maastricht-hiệp ước nền tảng của EU. Theo AFP, Hiệp ước Maastricht cần được tất cả quốc gia thành viên phê chuẩn để có hiệu lực. Để thuyết phục người dân Đan Mạch chấp thuận hiệp ước, Copenhagen đã đàm phán một loạt các miễn trừ như không tham gia Eurozone cũng như các chính sách chung của khối về tư pháp, nội vụ và quốc phòng. Một năm sau đó, Đan Mạch cuối cùng đã thông qua Hiệp ước Maastricht.
Lần gần đây nhất là năm 2015, người dân Đan Mạch đã bỏ phiếu chống kế hoạch hợp tác trong các vấn đề an ninh và hoạt động của cảnh sát do lo ngại phải đánh đổi chủ quyền nếu ưu tiên vấn đề nhập cư.
Vì một châu Âu đoàn kết và hòa bình
Theo trang web ec.europa.eu, năm 1999, EU nhận thấy mỗi quốc gia thành viên không đủ sức và uy tín một mình giải quyết ổn thỏa các cuộc khủng hoảng ở Nam Tư và vùng Balkan. Do đó, CSDP ra đời nhằm thay thế Chính sách quốc phòng và an ninh châu Âu (ESDP) trước đây. CSDP được quy định trong Hiến chương Nice của EU nhằm tăng cường năng lực giải quyết chiến tranh cũng như xung đột trên thế giới.
Trong Hiệp ước Lisbon, CSDP được giới thiệu như một bộ phận cấu thành của Chính sách an ninh và đối ngoại chung (CFSP) của EU-một trong 3 trụ cột quan trọng trong mô hình liên kết trên con đường phát triển của khối. CSDP đem lại cho EU năng lực vận hành nhằm triển khai cả các sứ mệnh dân sự và chiến dịch quân sự. Các sứ mệnh và chiến dịch này cho phép EU hành động trực tiếp nhằm quản lý xung đột hay khủng hoảng và tập trung vào các mục tiêu như cải cách pháp quyền, duy trì sự ổn định, chống lại tội phạm có tổ chức và cải cách lĩnh vực an ninh. Việc này được tiến hành theo đề nghị của quốc gia tiếp nhận hỗ trợ và luôn luôn có sự tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế.
Vào những năm đầu của thế kỷ 21, EU phải đối mặt với khá nhiều vấn đề về an ninh, như: Khủng bố, khủng hoảng Ukraine, Anh rời khỏi EU, sự thay đổi chính sách của Mỹ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền... Tuy nhiên, EU dường như chưa bao giờ từ bỏ ý định về hội nhập an ninh. Năm 2016, bà Federia Mogherini, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh đã đưa ra Chiến lược toàn cầu của EU, tạo cho CSDP những động lực mới với hàng loạt sáng kiến, như thiết lập Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF), Cấu trúc hợp tác thường trực về quốc phòng (hay còn gọi là PESCO)... Theo tờ New York Times, PESCO có sự tham gia của 25 quốc gia EU (trừ Đan Mạch và Malta). Các nước này đóng góp nhiều tỷ USD vào ngân sách phòng thủ chung để mua vũ khí. Ngoài ra, các khoản tiền để duy trì hoạt động và tiền từ ngân sách EU sẽ được dùng cho nghiên cứu quân sự. Việc gia tăng ngân sách quân sự chung sẽ củng cố sự tự do chiến lược của EU để khối này có thể hoạt động quân sự độc lập nếu cần thiết hoặc hoạt động cùng các đối tác khi có thể.
Giới quan sát nhận định, Đan Mạch quyết định tham gia CSDP đồng nghĩa với việc nước này từ bỏ chính sách độc lập tồn tại suốt gần 30 năm qua. Đây là một sự chuyển hướng lớn tiếp theo trong chính sách của EU sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine từ hồi tháng 2-2022. Tháng 5 vừa qua, Thụy Điển và Phần Lan đã quyết định đệ đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, cả Đan Mạch và Đức đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng. Thủ tướng Frederiksen mới đây đã công bố kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng lên mức tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2033, đồng bộ với các mục tiêu của thành viên NATO. “Đây là một cách tiếp cận hoàn toàn mới, thể hiện tầm quan trọng đối với chính sách đối ngoại và chính sách về châu Âu của Đan Mạch”, cựu Ngoại trưởng Đan Mạch Martin Lidegaard, thành viên của Đảng Tự do xã hội, khẳng định.
Đan Mạch nằm ở khu vực Bắc Âu, phía Nam giáp Cộng hòa Liên bang Đức, 3 mặt còn lại giáp biển Bắc và biển Baltic. Với diện tích 43.094km2, tổng dân số gần 6 triệu người, Đan Mạch từng chiếm vị trí đầu bảng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong một thời gian dài. Tuy nhiên, theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2022 vừa được công bố, đứng đầu danh sách hiện nay là Phần Lan, Đan Mạch lùi xuống vị trí thứ hai. Thu nhập trung bình của người dân Đan Mạch là 33.774 USD/năm/người, cao hơn mức trung bình 30.490 USD/năm/người của các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). |
HOÀNG ANH