"Sức nóng" từ triển lãm

Những ngày đầu tháng 12, khi không khí lạnh tràn về Hà Nội, cũng là thời điểm "sức nóng" như tỏa ra từ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 bởi sự kiện này thu hút sự chú ý của dư luận trong nước, quốc tế và đông đảo nhân dân Thủ đô. Đồng hành cùng triển lãm từ những ngày đầu làm công tác chuẩn bị, gặp gỡ, trò chuyện với các đơn vị trong nước và nước ngoài tham gia triển lãm, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều có tâm lý háo hức, chờ đợi và cả kỳ vọng. Dù bận rộn đón tiếp các đoàn khách tới tham quan gian hàng, song ông Praveen Pathak, Giám đốc phát triển thị trường và xuất khẩu của Tập đoàn Brahmos Aerospace (Ấn Độ) vẫn tranh thủ thời gian chia sẻ với phóng viên: “Một sản phẩm quốc phòng tốt của quốc gia này chưa chắc đã phát huy được tối đa công năng khi đưa sang một môi trường khác, do những khác biệt về khí hậu, thói quen sử dụng... Do đó, tham gia triển lãm là dịp để các doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng như các đối tác, từ đó đưa ra những cải tiến trang bị, vũ khí phù hợp hơn”.

leftcenterrightdel

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan triển lãm. Ảnh: TUẤN HUY

Ông Rob Fickling, người đại diện của Tập đoàn SORD (Australia) chuyên sản xuất các thiết bị bảo hộ, túi ngủ, lều dã chiến... cho biết, Tập đoàn SORD từng tham gia nhiều triển lãm quốc tế về CNQP, song đây là lần đầu tiên tham dự một triển lãm ở khu vực Đông Nam Á. Trước đây, thị trường kinh doanh của SORD chỉ giới hạn tại Australia và Mỹ nên tham dự triển lãm lần này là cơ hội để tập đoàn mở rộng sang thị trường châu Á cũng như thế giới, đồng thời là dịp để tiếp cận, trao đổi công nghệ với các đối tác quốc tế.

Trong những ngày diễn ra triển lãm, các gian hàng thu hút rất đông khách tham quan. Đó thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm, công nghệ tốt nhất của mình đến với khách hàng.

Tại triển lãm, Nhà máy Z111, Tổng cục CNQP giới thiệu 14 sản phẩm súng bộ binh, gồm các loại súng ngắn, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên và súng trường bắn tỉa, có cỡ nòng từ 5,56mm đến 12,7mm. Các loại súng này do Viện Vũ khí (Tổng cục CNQP) nghiên cứu thiết kế và Nhà máy Z111 cải tiến, chế tạo. Tháng 10 vừa qua, một số loại súng do Nhà máy Z111 sản xuất đã được sử dụng trong Giải bắn súng quân dụng lục quân các nước ASEAN lần thứ 30 do Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức, góp phần mang về nhiều giải cao cho các xạ thủ Việt Nam nói riêng và Đoàn tuyển thủ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.

Đến với triển lãm lần này, Viện Thiết kế tàu quân sự (Tổng cục CNQP) giới thiệu 10 mô hình tàu quân sự tiêu biểu cho ngành công nghiệp đóng tàu quân sự của nước nhà trong thời gian vừa qua, trong đó có: Tàu tên lửa tấn công nhanh 12418, tàu pháo tuần tra TT-400TP, tàu Cảnh sát biển đa năng DN-2000, tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng MSSARS 9316, tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn xa bờ FC-624...

Hợp tác và phát triển công nghiệp quốc phòng

Triển lãm lần này là dịp hiếm hoi để khách tham quan được mục sở thị hàng loạt vũ khí, trang bị quân sự hiện đại của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Trưng bày tại khu vực ngoài trời là Đài radar VRS-2DM, sản phẩm quốc phòng được nghiên cứu, thiết kế và sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Đây là hệ thống đài radar bắt thấp sóng decimet (dm), cũng là loại radar chủ lực sử dụng làm nhiệm vụ cảnh giới, bắt các mục tiêu bay thấp và rất thấp. Đài radar VRS-2DM có khả năng phát hiện các mục tiêu xa hàng trăm ki-lô-mét, đặc biệt, toàn bộ tổ hợp được thiết kế để triển khai và thu hồi bán tự động bằng điều khiển điện hoặc thủy lực, giúp giảm thời gian thu hồi đài xuống còn bằng 1/4 so với các thế hệ đài cũ.

Tổ hợp vũ khí Barak-8 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Tập đoàn Hàng không vũ trụ IAI của Israel hợp tác phát triển. Tổ hợp vũ khí này được tích hợp radar đa năng, liên kết dữ liệu hai chiều và được trang bị hệ thống điều khiển linh hoạt, giúp tăng cường khả năng xác định quỹ đạo bay của mục tiêu cũng như đánh chặn hiệu quả nhiều mục tiêu cùng lúc. Barak-8 được thiết kế với nhiệm vụ tiêu diệt các mối đe dọa trên không bao gồm máy bay trực thăng, tên lửa chống hạm, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay không người lái.

Tổ hợp tên lửa Spike là vũ khí chống tăng thế hệ thứ 3 do hãng Rafale của Israel phát triển với khả năng “bắn và quên” (ngay sau khi khai hỏa, xạ thủ có thể thoát ly và đạn tên lửa sẽ tự dẫn tới mục tiêu) kết hợp với các thiết bị dẫn bắn thông minh cho phép tối ưu tầm bắn. Thiết kế đầu đạn tiên tiến cho phép tên lửa Spike tiêu diệt các phương tiện bọc thép của đối phương kể cả khi chúng được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) hay các công trình kiên cố...

Sự có mặt của những doanh nghiệp trong và ngoài nước với trang thiết bị quân sự, vũ khí, giải pháp công nghệ cho tất cả các lực lượng hải quân, lục quân, phòng không-không quân, tác chiến không gian mạng, hậu cần, kỹ thuật là biểu tượng cho lòng tin, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển. Việt Nam chủ trương phát triển nền CNQP hiện đại, lưỡng dụng, không chỉ là hiện đại hóa vũ khí, trang bị, mà cả phục vụ dân sinh. Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn đóng vai trò nòng cốt trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh... hỗ trợ và bảo vệ cuộc sống của người dân. Để xây dựng một nền CNQP phát triển, hiện đại, đòi hỏi phải có sự hợp tác của nhiều quốc gia, nhiều nền công nghiệp trên thế giới.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 là một cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, các doanh nghiệp CNQP, an ninh gặp gỡ, trao đổi, phát triển hợp tác, hướng tới một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

PHẠM TUẤN