“Trận lụt thay đổi cuộc đời tôi”

Sinh năm 1981 tại Bangkok, Voraakhom từ nhỏ đã thích nhìn ngắm những con kênh uốn lượn quanh thành phố. Sau khi lấy bằng kiến trúc sư tại Ðại học Chulalongkorn danh tiếng ở Thái Lan, Voraakhom tiếp tục học thêm về thiết kế tại Ðại học Harvard (Mỹ). Trong thời gian học tại đây, Voraakhom đồng sáng lập Kounkuey Design Initiative-một tổ chức thiết kế phi lợi nhuận chuyên giúp các cộng đồng cải tạo không gian sống. Năm 2006, Voraakhom về nước và 4 năm sau cô chính thức bắt đầu công việc giảng dạy tại Ðại học Chulalongkorn. Ngoài ra, Voraakhom còn là người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Kiến trúc cảnh quan Landprocess ở Bangkok.

Nhưng trận lụt nghiêm trọng năm 2011 khiến Bangkok bị ngập nặng, 65/76 tỉnh của Thái Lan được tuyên bố là vùng thảm họa vì lũ lụt. “Trận lụt đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Ðó là bước ngoặt để tôi bắt đầu sử dụng công cụ của kiến trúc cảnh quan đối phó với tình trạng BĐKH”, nữ kiến trúc sư 41 tuổi cho biết. Theo Voraakhom, tình trạng BĐKH ở Thái Lan chủ yếu là khủng hoảng về nước. “Người dân của chúng tôi có thể cảm nhận được tác động của BĐKH diễn ra hằng ngày. Mỗi năm lũ lụt ngày càng nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao và hạn hán chưa từng thấy”, cô Voraakhom chia sẻ.

Theo CNN, thành phố Bangkok-nơi được mệnh danh là “Venice phương Ðông”-có gần 11 triệu dân, rất dễ bị ngập lụt. Nằm ở Đồng bằng sông Chao Phraya trũng thấp, Bangkok chỉ cao 1,5m so với mực nước biển. Theo Ngân hàng Thế giới, 40% diện tích Bangkok có thể bị ngập lụt vào năm 2030 do lượng mưa lớn hơn. Thành phố đã chìm xuống 2cm/năm. Tại nhiều thành phố chìm, bao gồm cả Bangkok, cơ sở hạ tầng đô thị hiện tại không phù hợp với mục đích và đang làm giảm khả năng thích ứng với BĐKH. Kiến trúc sư Voraakhom lưu ý rằng, nhiều tuyến đường thủy và kênh rạch của Bangkok đã bị phá hủy hoặc đang trong quá trình sửa chữa. Voraakhom nói: “Chúng ta cần phải sửa chữa chúng và suy nghĩ lại về cách phát triển các thành phố. Đối với Bangkok, cách duy nhất là quay trở lại nền văn hóa lưỡng cư và khôi phục lại mối quan hệ với nước”.

Nữ kiến trúc sư cũng cho rằng, ứng phó với BĐKH không phải là một cái gì đó chung chung mà cần điều chỉnh từng giải pháp cho phù hợp với văn hóa và bối cảnh. Ở Thái Lan không có băng tan mà chủ yếu là hạn hán và lũ lụt. Cho đến nay, Thái Lan đã cố gắng giải quyết vấn đề lũ lụt bằng cách xây dựng các con đập ngày càng cao. Đây là cách tiếp cận sai lầm và là giải pháp “dựa trên sự sợ hãi”.

Sống với nước

Vậy làm thế nào để những thành phố chìm như Bangkok sống với nước mà không sợ hãi? Theo nữ kiến trúc sư Voraakhom, ý tưởng “sống với nước” là trọng tâm trong cách tiếp cận thiết kế của cô.

Voraakhom cũng tạo ra trang trại trên sân thượng lớn nhất châu Á có tên Siam Green Sky với diện tích 22.400m2. Đây là nơi tái chế chất thải thực phẩm từ các nhà hàng bên trong tòa nhà để làm phân bón cho cây trồng, đồng thời có công năng làm chậm dòng chảy nước mưa, thấm và tích trữ một lượng lớn nước mưa. Lượng nước thu được sau đó phục vụ việc trồng rau, thảo mộc, cây ăn quả, cũng như lúa gạo. Lấy cảm hứng từ các hoạt động nông nghiệp truyền thống của Thái Lan và những ruộng bậc thang trồng lúa, kiến trúc sư Voraakhom đã tạo ra một cảnh quan phức tạp, nhiều lớp cho phép nước mưa chảy xuống, thấm vào các vườn rau và thảo mộc. “Điều quan trọng nhất là làm theo sự khôn ngoan của người xưa từng sống với nước”, Voraakhom nhấn mạnh.

Theo nữ kiến trúc sư, cô thường kết hợp thiên nhiên và nước vào các thiết kế của mình để tạo ra cảnh quan giúp giảm ngập lụt, cũng như thêm cây xanh cho các thành phố đông dân. Bởi lẽ, cung cấp không gian xanh cho cư dân là điều cần thiết trong một thành phố phát triển và đông dân cư. Theo Chỉ số thành phố xanh của Siemens, diện tích cây xanh ở Bangkok chỉ có 3,3m2/người, trong khi ở Singapore lên tới 66m2/người, còn New York là 23m2/người.

Voraakhom cho biết, ý tưởng “sống chung với nước” là trọng tâm trong phương án thiết kế cảnh quan của cô, còn việc tạo thêm không gian xanh sẽ giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, giảm ô nhiễm không khí và mang lại lợi ích cho sức khỏe cộng đồng. Người dân thành phố có xu hướng sống lâu hơn trong các khu phố rợp bóng cây, theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona. Các không gian xanh có khả năng chống chịu với khí hậu là một “khoản đầu tư dài hạn tốt” cho các thành phố và là “giải pháp tốt nhất cho thế hệ tương lai”. Theo nhà nghiên cứu Diane Archer thuộc Viện Môi trường Stockholm, có trụ sở ở Bangkok, không gian xanh đô thị của kiến trúc sư Voraakhom là một đóng góp cực kỳ quan trọng cho cảnh quan thành phố. Cô là vị cứu tinh chống ngập lụt cho “Venice phương Đông”.

Nhờ phong cách thiết kế sáng tạo và kinh nghiệm dày dạn, danh tiếng của Voraakhom ngày càng vươn xa. Tháng 4-2022, cô được mời làm nhà thiết kế tại Ðại học Washington (Mỹ), với nhiệm vụ nghiên cứu các địa điểm dễ bị tổn thương vì BĐKH trong thành phố này. Cô cũng đang làm việc với người dân để cứu thành phố George Town (Malaysia)-địa điểm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới-khỏi nguy cơ bị sụt lún. Không chỉ vậy, Voraakhom còn là người sáng lập Porous City Network (Mạng lưới thành phố xốp)-một doanh nghiệp xã hội hoạt động để giải quyết các vấn đề môi trường đô thị và tăng khả năng phục hồi của các thành phố khắp Ðông Nam Á. “Nhiều người không hiểu những gì chúng tôi đề xuất bởi họ không được đào tạo để trở thành kiến trúc sư hoặc kỹ sư. Họ nghĩ rằng giải pháp tốt nhất để chống lũ lụt là xây tường và đập. Là nhà thiết kế, chúng tôi có các công cụ tạo hình ảnh và hoạt ảnh, từ đó giúp người dân thấy rõ tác động của những bức tường lớn”, Voraakhom nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 

Trang trại Siam Green Sky có diện tích 22.400m2Ảnh: Landprocess

 

Với những cống hiến trong lĩnh vực chống ngập cho các thành phố sụt lún trên thế giới, năm 2019, Voraakhom được Tạp chí Time vinh danh. Một năm sau đó, BBC cũng chọn cô là một trong 100 phụ nữ truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Cũng trong năm 2020, Liên hợp quốc chọn Voraakhom là người chiến thắng Giải thưởng “Hành động vì khí hậu toàn cầu, phụ nữ vì thắng lợi” của tổ chức này.

leftcenterrightdel
Kiến trúc sư Kotchakorn Voraakhom. Ảnh: time.com 

 

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP27) diễn ra ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập, từ ngày 6 đến 18-11, Voraakhom là một trong hai đại diện thuộc Công ty Kiến trúc sư cảnh quan của Mỹ (ASLA) tham gia với tư cách quan sát viên. “Chúng ta không thể ngồi chờ các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà hoạch định chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các kiến trúc sư cảnh quan đang nỗ lực để thế giới biết đến kiến thức và bí quyết của họ. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên, đặc biệt là thích ứng dựa vào hệ sinh thái, có thể được thực hiện thông qua cách tiếp cận tổng hợp tôn trọng thiên nhiên và tính toàn vẹn văn hóa”, kiến trúc sư Voraakhom khẳng định với báo chí bên lề COP27.

HOÀNG ĐĂNG