Cinémathèque Française là trung tâm lưu trữ điện ảnh nằm tại số 51 phố Bercy, quận 12, Paris, với nhiệm vụ lưu giữ, phục hồi và phổ biến các di sản điện ảnh. Với 40.000 phim và hàng triệu tài liệu liên quan tới điện ảnh, Cinémathèque Française là một trong những trung tâm lưu trữ lớn nhất về nghệ thuật thứ 7. Trong những ngày tháng 4 này, đây là nơi tổ chức triển lãm mang chủ đề “Tuyệt mật, điện ảnh và điệp viên” thu hút nhiều sự quan tâm của khách tham quan.

Tình báo luôn là chủ đề hấp dẫn đối với các nhà làm phim. Các đạo diễn bậc thầy thường bị mê hoặc bởi những nhân vật điệp viên ngoài đời thực. Vì vậy, dù ở kinh đô Hollywood, châu Âu hay châu Á, họ luôn cố gắng nắm bắt nhịp đập của lịch sử thông qua những câu chuyện tình báo đầy gay cấn, “hai mặt” cùng với công nghệ nghe lén hiện đại.

leftcenterrightdel
Một góc triển lãm về nữ diễn viên Greta Garbo trong phim “Dishonored”, lấy cảm hứng từ cuộc đời thật của vũ nữ-điệp viên Mata Hari. Ảnh: sortiraparis.com 

 

Sức hấp dẫn của Triển lãm “Tuyệt mật, điện ảnh và điệp viên” ở ngay trong chủ đề của nó. Mục đích của triển lãm này là để người xem hiểu rõ hơn ranh giới giữa điện ảnh và điệp viên. Điệp viên phải nhập vai, trang điểm, cải trang, thay đổi nhân dạng y như diễn viên. Trong khi diễn viên đóng vai điệp viên được lấy cảm hứng từ các điệp viên có thật ngoài đời. 

Trong không gian rộng lớn của Cinémathèque Française, những bức hình của James Bond-còn được biết đến nhiều hơn với mật danh “điệp viên 007”-cùng các thiết bị do thám, nghe trộm mà nam điệp viên sử dụng khi đóng phim được trưng bày trong một căn phòng riêng. Điểm đáng chú ý là triển lãm dành không gian lớn giới thiệu về các nữ điệp viên nổi tiếng. Từ Mata Hari, nữ điệp viên huyền thoại ngoài đời cho đến Protéa, nhân vật chính trong bộ phim tình báo cùng tên của Pháp sản xuất năm 1913 và cũng là nữ điệp viên đầu tiên trong lịch sử điện ảnh thế giới. 

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, nhiều nghệ sĩ đã tận dụng ảnh hưởng của mình để làm việc trong các cơ quan tình báo. Ví dụ như Mata Hari là nghệ danh của Margaretha Geertruida, một vũ nữ người Hà Lan. Tài sắc của Hari đã đưa cô trở thành nữ điệp viên “hai mang” cho Pháp và Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Sau khi phát hiện Hari là điệp viên nhị trùng, Pháp đã xử bắn cô vào năm 1917. Cuộc đời Mata Hari có thể ví như một bản nhạc thăng trầm: Xa hoa và hưởng thụ trên đỉnh cao của sự giàu có để rồi kết thúc với một viên đạn nơi pháp trường lạnh lẽo. Hari đã trở thành chủ đề cho 250 cuốn tiểu sử, tiểu thuyết, bên cạnh rất nhiều vở kịch, các loạt phim truyền hình và phim truyện, mà đáng chú ý nhất là phim “Dishonored” (Không trung thực) ra mắt công chúng năm 1931, do nữ diễn viên Greta Garbo đóng. 

Ngoài ra, có thể kể đến Josephine Baker, người đã chuyển thông tin mật cho Cục Tình báo Trung ương và Hành động (BCRA) của Pháp; hay Marlene Dietrich, người đóng vai đặc vụ X27 trên màn ảnh nhưng cũng là điệp viên của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS-tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hiện nay) thâm nhập vào nội bộ Đức Quốc xã... Các nữ điệp viên này đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà làm phim, đưa họ trở thành những nữ anh hùng trên màn ảnh.

Không chỉ giới thiệu về các điệp viên nổi tiếng, triển lãm còn trưng bày nhiều thiết bị tình báo như: Máy ảnh giấu trong cúc áo, máy ghi âm, bình nước phát nổ, máy thu phát tín hiệu... Điều này tạo nên sức cuốn hút của triển lãm đặc biệt này. 

MINH ANH