Theo tờ Thời báo Nhật Bản, với mong muốn con cái có thể cao lớn hơn, cha mẹ Nhật Bản luôn chú ý đến bữa ăn, giấc ngủ của trẻ. Những nỗ lực trên đã được đền đáp. Thống kê cho thấy, chiều cao trung bình của người Nhật đã tăng khoảng 15cm kể từ năm 1900. Nhưng có điều ít người lường trước được, đó là phụ nữ không còn mặc vừa những bộ kimono được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Điều này khiến số người mặc kimono truyền thống ngày một ít đi. 

leftcenterrightdel
Nhà thiết kế thời trang Kobayashi Eiko (bên trái) và người mẫu mặc bộ kimono cách tân. Ảnh: japanculture-nyc.com 

Tờ Thời báo Nhật Bản giải thích: Trong quá khứ, kimono được làm bằng chất liệu vải rất tốt nên khá tốn kém. Để tránh lãng phí, người Nhật thường lưu truyền bộ kimono từ 2 đến 3 thế hệ. Tuy nhiên, xã hội phát triển, chiều cao trung bình được cải thiện khiến việc mặc kimono truyền qua nhiều thế hệ không còn phù hợp. Trước thực trạng này, nhà thiết kế Kobayashi đã có những bước đi đầy sáng tạo và độc đáo, giúp kimono không chỉ đơn thuần là “trang phục truyền thống” của đất nước mặt trời mọc mà còn bắt nhịp được với đời sống sôi động và mang hơi thở của thời đại mới.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, bà Kobayashi nói: “Kimono truyền thống là nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Vì thế, tôi đã cách tân những bộ kimono với mong muốn lưu giữ và quảng bá trang phục truyền thống của đất nước Nhật Bản”. Bà Kobayashi thường sử dụng những chất liệu truyền thống của kimono có từ nhiều thế kỷ trước, điểm thêm họa tiết thêu tay, vẽ hoạt họa hay phối hợp cùng những phụ kiện hiện đại như: Khăn choàng, áo khoác, váy cúp, thắt lưng, giày cao gót...

Để giới thiệu kimono cách tân ra khắp thế giới, bà Kobayashi đã sáng lập ra Be-Japon - một tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo. Hơn 20 năm qua, những thiết kế của bà Kobayashi Eiko đã được trưng bày và trình diễn ở hơn 15 quốc gia tại châu Âu, châu Á và châu Mỹ cùng nhiều thành phố lớn tại Nhật Bản. Bà từng được vinh danh là “Đại sứ Nhật Bản” và lọt vào tốp 5 nhà thiết kế thời trang cao cấp nhất tại Fashion ASIA 2013. Đặc biệt, nhà thiết kế Kobayashi từng là tổng đạo diễn chương trình thời trang kimono tại trụ sở của UNESCO ở Paris năm 2018 trước sự theo dõi của hơn 1.100 khách mời, trong đó có các đại sứ và nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới. Tới nay, đây vẫn là một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất mà UNESCO từng tổ chức tại Paris. 

Trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 3 này để tham gia Chương trình trình diễn thời trang Kimono-Aodai Fashion, bà Kobayashi đem đến những thiết kế thời trang độc đáo với những nét truyền thống đặc trưng của trang phục kimono Nhật Bản kết hợp cùng tà áo dài Việt Nam. “Từ lâu tôi đã được nghe và tìm hiểu về đất nước Việt Nam. Văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, đặc biệt tà áo dài của người Việt đã mang đến cho tôi nhiều niềm cảm hứng, thôi thúc tôi thiết kế nên những trang phục từ những chất liệu kimono quen thuộc. Tôi hy vọng những thiết kế của tôi sẽ được công chúng đón nhận, góp một phần nhỏ cho Năm kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia”, nhà thiết kế Kobayashi Eiko cho biết.

Buổi trình diễn thời trang Kimono-Aodai Fashion diễn ra vào ngày 4-3 tại Hà Nội là chất xúc tác góp phần tạo nên không khí sôi nổi cho chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam (1973-2023).

HOÀNG ANH